Ngày 20/2, tại Hội nghị bàn về công tác quản lý tuyến vận tải ven biển dành cho tàu sông pha biển (SB), Cục Hàng hải VN và Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất cần ban hành nghị định hoặc thông tư riêng để quản lý hoạt động vận tải ven biển dành cho tàu này.
Sau 5 năm tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam được mở, đến nay còn khoảng trống về quản lý, cũng như tồn tại hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến an toàn hàng hải và hiệu quả vận tải nhưng thiếu sự kết nối giữa các cơ quan cấp phép và giám sát hoạt động. Một ví dụ điển hình là các trang thiết bị an toàn của tàu SB được đánh giá chưa phù hợp với hành trình trên biển, yêu cầu về trình độ thuyền viên còn thấp; không có cơ chế thông tin liên lạc giữa tàu SB với hàng hải khi đi trên luồng đi chung hàng hải và đường thủy hoặc sắp xếp điều hành phương tiện ra, vào cảng biển; căn cứ điều kiện thời tiết (sóng hay gió) để cho phép phương tiện rời cảng biển; chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực hàng hải và biên phòng không đồng nhất.
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, sau 5 năm mở tuyến (2014-2019), trên tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam hiện có 839 tàu mang cấp VR-SB, trong đó 305 phương tiện đóng mới, còn lại được chuyển cấp từ tàu biển hoặc tàu sông thành tàu SB. Đến nay, tổng khối lượng đội tàu SB vận chuyển đạt hơn 144 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân là 204%/năm. Tính trung bình đạt gần 2,2 triệu tấn/tháng và tương đương với khối lượng vận chuyển của 72.760 xe ô tô tải trọng 30 tấn mỗi tháng.
Tuy vậy, trong thời gian trên, tuyến vận tải ven biển xảy ra 39 vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng liên quan đến tàu SB, gây chìm đắm 27 tàu, làm 3 người thiệt mạng.
Lãnh đạo hai Cục trên cho biết, sắp tới tiếp tục rà soát các vấn đề liên quan để báo cáo, đề xuất Bộ GTVT các giải pháp quản lý hiệu quả hơn tuyến vận tải ven biển dành cho tàu SB.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận