Đường bộ

Đề xuất đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

10/05/2022, 12:37

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đề xuất mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.

Ban QLDA Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

img

Nếu được chấp thuận, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2026 - Ảnh minh họa

Dự án được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km.

Dự án có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Căn cứ vào khả năng bố trí vốn và tình hình giao thông hiện nay, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đề xuất đầu tư hai giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1, phần đường cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế với chiều rộng mặt cắt ngang 17m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Giai đoạn hoàn thiện, phần đường cao tốc sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với mặt cắt ngang 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Để đảm bảo hiệu quả thực hiện, dự án được kiến nghị chia làm hai dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km16+000) từ xã An Bình, huyện Cao Lãnh, đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh với chiều dài khoảng 16 km trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.712 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (khoảng Km16+000 - khoảng Km27+430) từ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đến xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với chiều dài khoảng 11,43 km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.300 tỷ đồng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là hơn 4.000 tỷ đồng, chi phí GPMB, hỗ trợ tái định cư dự kiến khoảng 856 tỷ đồng.

Với nhu cầu giải ngân vốn nêu trên, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị bố trí khoảng 4.812 tỷ đồng (khoảng 80,02% tổng mức đầu tư). Phần còn lại khoảng hơn 1.200 tỷ đồng (khoảng 19,98% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Nếu được phê duyệt, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022-2026. Trong đó, bước chuẩn bị dự án được triển khai trong năm 2022; GPMB, tái định cư trong năm 2022-2023 cơ bản đạt 90%-95%. Thi công xây dựng công trình từ năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025; Hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng từ năm 2026.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.