Kết nối mạng tập trung khu vực miền Bắc
Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, trong đó 7 tuyến chính dài 2.703 km, 612 km đường ga và đường nhánh.
Mạng lưới đường sắt này trải dài trên địa bàn của 34 tỉnh, thành phố, kết nối 4/6 vùng kinh tế của cả nước, nhưng ngoài trục dọc trải dài Bắc - Nam, chủ yếu tập trung kết nối các tuyến tại khu vực miền Bắc. Năng lực khai thác trên hầu hết các tuyến đường sắt chính chỉ đạt khoảng 17- 25 đôi tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác lớn nhất 100 km/h về khách; 60 km/h về hàng.
Ga Yên Viên là một trong những ga đầu mối quan trọng, kết nối các tuyến phía Bắc Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai
Cụ thể, tuyến Hà Nội - TP.HCM dài 1.726 km, là tuyến đường đơn, khổ 1.000mm, chạy theo trục Bắc - Nam, nối liền các đô thị lớn và các khu công nghiệp, bao gồm: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Biên Hòa và TP.HCM. Tuyến đóng vai trò huyết mạch, chủ chốt trong phát triển kinh tế trên trục chính Bắc - Nam. Trên tuyến có 167 ga.
Tại miền Bắc, các tuyến chính tập trung kết nối về đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội. Theo đó, tuyến Yên Viên - Lào Cai dài 296 km kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây, là tuyến đường đơn, khổ 1.000mm, chạy dọc theo sông Hồng và đi qua 5 tỉnh thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Cùng với tuyến Hà Nội - TP.HCM, đây là một trong hai tuyến trọng điểm phát triển của ngành Đường sắt. Trên tuyến có 36 ga.
Ngoài ra, có tuyến nhánh Văn Điển - Bắc Hồng (đầu mối Hà Nội) dài 38,7 km để kết nối tuyến Hà Nội - TP.HCM với tuyến Yên Viên - Lào Cai theo vành đai phía Tây Hà Nội, tránh đi vào đô thị.
Ở khu vực Nam Trung bộ và miền Nam, chỉ có 2 tuyến đường nhánh kết nối với tuyến Hà Nội - TP.HCM đang khai thác vận tải hành khách hiệu quả là Diêu Trì - Quy Nhơn (Bình Định) dài 10,3 km, Mương Mán - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 9,6km.
Tuyến Gia Lâm - Hải Phòng dài 102 km kết nối với Hải Phòng và cảng Hải Phòng, là tuyến đường đơn, khổ 1.000mm. Tuyến đi qua 4 tỉnh thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, là tuyến giao thông đường sắt quan trọng nằm trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 167 km nết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, là tuyến đường lồng (có cả khổ đường 1.435mm và khổ 1.000mm), đi qua 4 tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Tuyến kết nối với tuyến đường sắt Nam Ninh - Bằng Tường của Trung Quốc.
Tuyến Đông Anh - Quán Triều dài 55 km, kết nối Hà Nội với Thái Nguyên, là tuyến đường lồng. Đây là một trong những tuyến đường quan trọng nối vùng đồng bằng Sông Hồng nói chung và Hà Nội nói riêng với khu công nghiệp Sông Công và thành phố Thái Nguyên. Tuyến đi qua khu vực có tiềm năng khai thác quặng sắt và đồng.
Tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân kết nối tuyến đường sắt Yên Viên - Đồng Đăng tại ga Kép (thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang) đi Quảng Ninh, dài 128 km, là tuyến đường đơn khổ 1.435mm, đi qua 2 tỉnh thành Bắc Giang, Quảng Ninh.
Tuyến Kép - Lưu Xá kết nối tuyến đường sắt Yên Viên - Đồng Đăng tại ga Kép đi Thái Nguyên, dài 56 km, là tuyến đường đơn khổ 1.435mm, đi qua 2 tỉnh thành Bắc Giang, Thái Nguyên.
Đầu tư tăng tuyến kết nối, tạo thuận lợi cho vận tải
Mạng lưới đường sắt với các tuyến khác khổ đường cũng như tuyến kết nối chưa tối ưu đang là trở ngại cho việc tổ chức vận chuyển liên tuyến, làm tăng thời gian, chi phí lập tàu...
Điển hình là trường hợp các tàu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ phía Nam chạy trên tuyến Hà Nội - TP.HCM (trục Bắc - Nam) là tuyến đông nhất có khổ đường 1.000 mm, muốn đi sang ga Bằng Tường - Trung Quốc sẽ phải chuyển tàu chạy khổ đường 1.435mm tại ga Yên Viên.
Cần đầu tư thêm các tuyến đường sắt kết nối liên tuyến, liên vùng để tạo thuận lợi cho vận tải. Ảnh: minh họa
Tuyến Bắc Hồng - Văn Điển có chức năng vành đai phía Tây đầu mối Hà Nội để kết nối tuyến Hà Nội - TP.HCM với các tuyến phía Bắc và Tây Bắc Hà Nội. Tuy nhiên chưa được tối ưu về tuyến nên chiều dài chạy tàu thực tế dài hơn so với đường bộ, chưa có hiệu quả về thời gian chạy tàu và chi phí vận hành.
Tàu từ các ga thuộc các tỉnh phía Nam dọc tuyến Hà Nội - TP.HCM đi Hải Dương, Hải Phòng và ngược lại phải đi trên 2 tuyến Hà Nội - TP.HCM và Gia Lâm - Hải Phòng, trong đó có đoạn từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm phải đi xuyên trung tâm thành phố Hà Nội, nên bị hạn chế giờ tàu vào thành phố.
Từ Lào Cai đi Hải Phòng và ngược lại phải đi trên 2 tuyến không hoàn toàn liên tục là tuyến Yên Viên - Lào Cai và tuyến Gia Lâm - Hải Phòng, chuyển tuyến trên đoạn Gia Lâm - Yên Viên (thuộc tuyến Hà Nội - Đồng Đăng) dài 4,5 km trong khu vực đô thị (quận Long Biên).
Vì vậy, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt chủ yếu đi trên một tuyến độc lập, ít đi liên tuyến. Khối lượng vận chuyển chỉ đi trên tuyến Hà Nội - TP.HCM có tỷ trọng chiếm 35% toàn mạng, chỉ đi trên tuyến Yên Viên - Lào Cai và Gia Lâm - Hải Phòng có tỷ trọng 33,7%. Trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển trên toàn tuyến Hà Nội - TP.HCM với các ga trên các tuyến khác không cao, chỉ 19% so với toàn mạng lưới, trong đó khối lượng liên tuyến với tuyến Hà Nội - Đồng Đăng là 5,3%, với tuyến Yên Viên - Lào Cai là 7,2%, với tuyến Hà Nội - Hải Phòng chỉ là 0,8%.
Để tăng tính kết nối, tạo thuận lợi cho vận tải, Viện Chiến lược và phát triển GTVT mới đây đã đề xuất giai đoạn 2021-2030, Nhà nước nên bố trí vốn đầu tư tuyến vành đai phía Đông Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng) để kết nối tuyến Hà Nội - TP.HCM với tuyến Hà Nội - Lào Cai và tuyến Hà Nội - Hải Phòng, từ đó kết nối liên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng. Cùng đó đầu tư tuyến đường sắt kết nối Thủ Thiêm - Long Thành khu vực đường sắt đầu mối TP.HCM.
Ngoài ra, bố trí vốn nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Lộc Ninh, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận