Quản lý

Đề xuất đầu tư nhiều tuyến đường giao thông lớn tại Thái Bình

10/12/2020, 18:33

Chiều nay (10/12), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về một số dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp

Thiếu đường hạ tầng giao thông đáp ứng vận tải lớn, tốc độ cao

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài khoảng 9.300km (Quốc lộ có chiều dài 151km, đường tỉnh dài 323km, đường huyện dài hơn 738km, đường đô thị dài gần 171km, đường xã dài hơn 1.140km, các loại đường giao thông khác dài khoảng 6.737km). Đường sông có tổng cộng 12 tuyến. Đường bờ biển có chiều dài 56km.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển KT-XH của tỉnh. Các tuyến đường mang tính kết nối vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều tuyến đường huyết mạch có quy mô nhỏ hẹp, chưa có tuyến đường đáp ứng nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.

QL10 đoạn từ cầu Nghìn đến nút giao tuyến tránh S1 (Km81+00) được cải tạo nâng cấp từ năm 1999 theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Hiện, thường xuyên bị ùn tắc, không đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện dự án ĐTXD tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn chạy song song với QL10 với chiều dài hơn 21km, quy mô đường cấp 2 đồng bằng, tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng.

Trước nhu cầu phát triển KT-XH, tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo cải tạo, nâng cấp QL10 trên toàn tuyến có quy mô phù hợp với quy mô QL10 đoạn trên địa bàn TP Hải Phòng và Nam Định.

Ông Thận cũng đề nghị Bộ GTVT bố trí kế hoạch vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa năm 2021 khoảng 300 tỷ đồng, năm 2022 là 310 tỷ đồng để thi công hoàn thành toàn bộ dự án.

“Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có QL37B đoạn qua địa bàn huyện Kiến Xương là tuyến đường huyết mạch duy nhất nối phía Nam huyện Kiến Xương với TP Thái Bình. Hiện trạng tuyến đường là cấp 5 đồng bằng, mặt đường nhỏ hẹp, các phương tiện lưu thông khó khăn. Đặc biệt, do cầu hẹp nên thường xuyên xảy ra sự cố giao thông. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Bình kiến nghị Bộ GTVT cho đầu tư, cải tạo và nâng cấp tuyến đường”, ông Thận nói.

Về giao thông kết nối vùng, UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ GTVT bổ sung cảng nhập khí LNG phục vụ trung tâm điện - khí, khu bến Ba Lạt - Cảng biển Thái Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

img

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình phát biểu tại cuộc họp

Nhanh chóng nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo đà phát triển cho địa phương

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và Vụ Đối tác - Công tư hỗ trợ địa phương nghiên cứu, rà soát lại tuyến đường từ TP Thái Bình đến cầu Nghìn song song QL10, đánh giá lại phương án tài chính, tính khả thi của dự án.

“Nếu dự án này có thể triển khai được theo quy mô đường cao tốc thì điều chỉnh quy hoạch để phát huy hiệu quả KT-XH lâu dài. Trường hợp không khả thi, khó thu hút nhà đầu tư thì phải tính phương án nghiên cứu mở rộng QL10, mở rộng một số nút thắt, cải thiện giao thông đoạn qua QL10”, Bộ trưởng nói.

Đối với dự án QL37, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch vốn NSNN năm 2021 gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng, trong đó đề xuất tiếp tục bố trí 210 tỷ đồng để thực hiện đầu tư dự án và dự kiến tiếp tục bố trí kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để đầu tư hoàn thành dự án (875 tỷ đồng).

“Riêng QL37B, Tổng cục Đường bộ, Vụ Kết cấu hạ tầng xem xét bề rộng, tải trọng cầu Cam để đưa ra giải pháp tăng cường hiện trạng mất an toàn ở thời điểm hiện tại. Nếu cầu hẹp, có thể nghiên cứu, đề xuất làm thêm một đơn nguyên bên cạnh hoặc mở rộng ít nhất 2 làn xe (rộng 6 - 7m).

Về phần đường, cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án gia cố lại, mở rộng khoảng hai làn xe bằng vốn duy tu bảo trì đường bộ để bảo đảm ATGT. Phấn đấu hoàn thành trong năm 2021 - 2022, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn trước mắt”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đánh giá lại hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay, làm rõ tuyến đường thủy nào cần ưu tiên nâng cấp, phương án phát triển vận tải ra sao nhằm đảm bảo hiệu quả trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách eo hẹp.

“Về đề xuất hỗ trợ bổ sung các dự án: Khu bến cảng Ba Lạt, Cảng cạn ICD, cảng điện - khí LNG vào các quy hoạch liên quan, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ và sẽ giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, hỗ trợ bổ sung để tỉnh có cơ sở triển khai các dự án, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh”, Bộ trưởng Thể nói.

Liên quan đến tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, dự án có chiều dài 140km, quy mô 4 làn xe. Trong đó, đoạn Hải Phòng - Quảng Ninh dài 25km do UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư, đã đưa vào khai thác năm 2018 (cao tốc 4 làn xe).

Đoạn qua TP Hải Phòng và 9km qua tỉnh Thái Bình đang được UBND TP Hải Phòng thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, chiều dài 29km, quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 là đường cấp 3, 2 làn xe với tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, khởi công quý 1/2018, dự kiến hoàn thành năm 2020.

Đoạn qua tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình chiều dài 79km đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư đoạn tuyến theo hình thức PPP. Hiện, tỉnh Nam Định đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường cao tốc 4 làn hạn chế 17m, kinh phí khoảng 13.000 tỷ đồng. Do nguồn vốn đầu tư lớn nên hiện tỉnh vẫn chưa huy động được nguồn vốn tham gia dự án (khoảng 7.000 tỷ đồng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.