Dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025
Chiều 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo tờ trình của Chính phủ, với dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài khoảng 188,2km, quy mô 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỉ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chiều dài khoảng 53,7km. Quy mô 6 - 8 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỉ đồng.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5km. Quy mô 4 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỉ đồng.
Các dự án sử dụng từ 5 nguồn vốn gồm vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ Giao thông vận tải; vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Về tiến độ của 3 dự án, dự kiến chuẩn bị dự án năm 2022; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Để triển khai dự án, Chính phủ đề nghị áp dụng một số cơ chế đặc thù gồm cho áp dụng 3 cơ chế chính sách liên quan đến chỉ định thầu, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp đầu tư dự án quy định tại nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Đồng thời, cho phép trình trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần... Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với đề xuất “cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án”.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết bố trí 670 tỉ đồng, chưa có nghị quyết của HĐND các tỉnh còn lại cam kết số vốn bố trí. Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ để bảo đảm tính khả thi cho các dự án này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện mới có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nghị quyết của HĐND, 7 tỉnh còn lại do “quá gấp” nên thường trực HĐND, tỉnh ủy đã thống nhất cho phép UBND tỉnh có văn bản.
"Hy vọng trước khi Quốc hội thảo luận sẽ có nghị quyết của các địa phương liên quan đến số vốn hơn 8.300 tỉ đồng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khi phân cấp chắc chắn sẽ trình Quốc hội quy chế rõ ràng trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương để cơ bản hoàn thành các dự án này trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây đều là dự án quan trọng và Bộ Chính trị đã có kết luận đồng tình với chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thực hiện đầu tư dự án cao tốc sử dụng nguồn vốn trung ương. Trong điều kiện khó khăn, cấp bách, kết hợp vốn trung ương và vốn địa phương, nếu Quốc hội chấp nhận sẽ coi như một cách thí điểm.
"Dù là ngân sách địa phương, địa phương cam kết nhưng nếu không thực hiện được Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm vì địa phương cam kết với Chính phủ. Tôi đề nghị báo cáo thẩm tra trình Quốc hội nêu rõ chuyện này", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội nói thêm nguyên tắc là "không áp đặt" các địa phương bỏ vốn làm cao tốc, địa phương không làm được nói thẳng, còn nếu cam kết thế rồi mà "không có tiền sẽ dở khóc, dở cười".
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tính khả thi về nguồn vốn của các dự án nói trên và cho hay, thấy nhiều nội dung trong này chưa xác định. Đề nghị cơ quan giải trình đàng hoàng mới có cơ sở để Thường vụ Quốc hội quyết định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận