Đường bộ

Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành qua Bình Phước

11/09/2022, 11:25

Hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước được đề xuất điều chỉnh để phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Giảm chiều dài tuyến sau điều chỉnh

UBND tỉnh Bình Phước vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT về việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đi qua địa phận tỉnh Bình Phước.

img

Nếu phương án điều chỉnh được phê duyệt, tổng chiều dài tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành giảm từ 140 km theo quy hoạch xuống còn khoảng 101 km - Ảnh minh họa

Văn bản nêu rõ: Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 140 km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông dài khoảng 38 km, qua địa bàn tỉnh Bình Phước khoảng 102 km.

Tuyến có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) tại Km1796+800. Điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với quy mô 6 làn xe, thời gian đầu tư trước năm 2030.

Theo phương án đã được duyệt, hướng tuyến dự án cơ bản song song về bên phải QL14 hiện hữu (hướng từ Đắk Nông về Bình Phước).

Khu vực phía Đông Nam QL14 của tỉnh Bình Phước là nơ tập trung phát triển hơn về cơ sở hạ tầng do gần với các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Phước đề nghị điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước đi cặp song song QL14 (nằm bên trái QL14, trùng với tuyến đường phía Đông QL14 nối Chơn Thành - Đắk Nông theo quy hoạch phát triển GTVT của tỉnh.

Cụ thể, phạm vi tuyến được đề nghị điều chỉnh có điểm đầu dự kiến tại Km1827+000 tại vị trí giáo ranh với tỉnh Đắk Nông (trùng với tim tuyến đã được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cắm cọc tim tuyến).

Điểm cuối dự kiến tại Km1925+866 tại vị trí giao với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại Thị xã Chơn Thành, Bình Phước và đoạn đường dẫn nối tiếp đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (Km1927+885) dài khoảng 2 km.

Trên cơ sở đó, chiều dài nghiên cứu điều chỉnh của tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dự kiến khoảng 101 km, gồm 2 đoạn.

Đoạn 1 nối tiếp vào phương án tuyến cao tốc theo quy hoạch đã duyệt tại ranh với tỉnh Đắk Nông (Km1827), sau đó đi mới theo hướng Đông - Nam của QL14 tới ranh TP Đồng Xoài. Tổng chiều dài đoạn này khoảng 69,5 km.

Đoạn 2 từ ranh TP Đồng Xoài đi trùng vào đường Vành đai 2 TP Đồng Xoài, đi qua thị xã Chơn Thành đến giao với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dài khoảng 29,5 km và đoạn đường dẫn dài khoảng 2 km nối từ cuối tuyến đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Tổng chiều dài khoảng 31,5 km.

img

Hướng tuyến mới được UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có ưu điểm tránh đi qua khu vực rừng tự nhiên, chủ yếu đi qua khu vực đất nông nghiệp và vườn cây, thuận lợi cho công tác GPMB - Ảnh minh họa

Giảm chi phí GPMB, tăng tính kết nối mạng lưới giao thông khu vực

Đánh giá ưu điểm của phương án đề xuất trên, theo UBND tỉnh Bình Phước, phương án điều chỉnh tránh được việc đi qua khu vực rừng tự nhiên với diện tích khoảng 2,02 ha, không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển đổi.

“Tuyến phần lớn đi qua khu vực địa hình thuận lợi, ít bị chia cắt bởi địa hình đồi dốc phức tạp, lòng hồ và sông suối, giảm được suất đầu tư của dự án, tránh được nhiều điểm giao cắt với đường dây 500 KV (dự kiến giảm khoảng 4 điểm giao cắt).

Đặc biệt, hướng tuyến được đề xuất đi qua các khu vực đất nông nghiệp và vườn cây do các công ty cao su quản lý nên giảm được chi phí GPMB”, UBND tỉnh Bình Phước nhận định, đồng thời cho biết, hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được điều chỉnh cũng sẽ tận dụng được lợi thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ lan tỏa từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Đồng thời, kết hợp khai thác hiệu quả quỹ đất tiềm năng phía Đông Nam, QL14, phù hợp với định hướng chung của tỉnh trong giai đoạn tới, đặc biệt là khu vực tam giác phát triển của tỉnh là: Đồng Xoài - Đồng Phú - Chơn Thành.

Tuyến cũng đảm bảo tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (kết nối với đường ĐT.753, đường Đồng Phú - Bình Dương về đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 trong khu vực); dễ dàng kết nối về sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải.

“Ngoài ra, hướng tuyến sẽ kết nối thuận lợi với đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đang được nghiên cứu”, văn bản đề xuất nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.