Theo dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) mà Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo dành nhiều nội dung để đưa ra các đề xuất về phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Cụ thể, người bị tạm giữ, bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại gồm: Người dưới 18 tuổi; phụ nữ; người nước ngoài; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhiễm HIV/AIDS; người thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, còn có người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; người bị kết án tử hình; người đang chờ chấp hành án phạt tù; người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ và người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần.... đang chờ kết quả giám định hoặc chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất những người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng: Người đồng tính, người chuyển giới; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; phạm nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; tử tù; người nghi mắc bệnh tâm thần.
Đối với quy định về nơi giam giữ phạm nhân, Điều 33 dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nêu rõ, trại giam tổ chức, bố trí khu giam giữ riêng đối với: Phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.
Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm
Phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành 1/2 thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án; buồng kỷ luật đối với phạm nhân bị kỷ luật.
Dự thảo Luật sửa đổi cũng đưa ra một số quy định về chế độ lao động của phạm nhân để lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của nơi giam giữ. Thời gian lao động của phạm nhân không quá 8 giờ/1 ngày và 5 ngày/1 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động. Nếu phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.
Cũng theo dự thảo, phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động.
Phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tùy mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động, giảm chỉ tiêu, định mức lao động.
Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp: Bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; đang điều trị tại cơ sở y tế;
Riêng với phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh và phạm nhân nữ có thai, dự thảo nêu họ có thể được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận