Vận tải

Đề xuất giãn nợ, giảm thuế, phí cho DN vận tải gặp khó do Covid-19

23/08/2021, 14:27

Dù sắp đến dịp cao điểm Quốc khánh 2/9, tuy nhiên các bến xe lớn đều đang “cửa đóng, then cài”...

DN vận tải vẫn kêu khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hầu hết các hoạt động vận tải khách phải dừng hoạt động. Dù sắp đến dịp cao điểm Quốc khánh 2/9, tuy nhiên các bến xe lớn đều đang “cửa đóng, then cài”.

Trao đổi với Báo Giao thông, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn và mong ngóng TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ để vượt qua đại dịch Covid-19.

img

Khoảng hơn tháng nay, các bến xe lớn trên địa bàn thành phố đều "cửa đóng, then cài", xe khách phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19

Ông Trịnh Văn Bão, Giám đốc Công ty CP Đại Phát, chạy tuyến Đà Nẵng, Thanh Hóa, Móng Cái cho biết: "Chúng tôi phải ngừng hoạt động 100% cả 3 tháng nay. Tuy nhiên, hàng tháng tiền ngân hàng vẫn phải trả đều. Hiện công ty còn phải hỗ trợ lái, phụ xe, đội ngũ văn phòng 70% lương nên rất khó khăn".

Tuy nhiên, ông Bão cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội để làm thủ tục hỗ trợ vận tải.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cũng cho biết, doanh nghiệp này hiện phải dừng 100% hoạt động theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của TP. Hà Nội.

“Dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp chưa biết bao giờ có thể hồi phục. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cố gắng cầm cự, doanh nghiệp vận tải chưa có cách gì khác," ông Hải chia sẻ.

Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết, doanh thu các hãng bị sụt giảm khoảng 70% so với trước. Khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải nguy cơ phá sản nếu không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đại diện Công ty CP Vận tải ô tô Ninh Bình, cho biết, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, 100% xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Từ đó đến nay, các tuyến xe khách phải ngừng hoạt động, trong khi hàng tháng vẫn phải nuôi quân, trả ngân hàng nên rất chật vật. “Chúng tôi rất mong sớm tiếp cận gói hỗ trợ để phần nào trang trải trong lúc khó khăn để sau hoạt động vận tải được bình ổn”, vị này chia sẻ.

Trong khi các doanh nghiệp vận tải xe khách ngừng hoạt động, các bến xe cũng rơi vào cảnh thất thu vì “cửa đóng then cài”. Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho hay, khi chưa có dịch, tần suất xe xuất bến khoảng 800 lượt/ngày, trong khi hơn tháng nay bến chưa có khoản thu nào.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, qua 4 đợt dịch, các DN vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ô tô sụt giảm 70 - 80%, đồng nghĩa với việc kéo giảm doanh thu tương ứng.

Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội đang chuẩn bị văn bản gửi Chính phủ đề nghị xem xét giảm thuế, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng đầu tư phương tiện, giảm phí sử dụng đường bộ... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi UBND TP đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

“Ngoài các chính sách chung, chúng tôi kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh thực hiện các biện pháp hỗ trợ đơn vị vận tải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí; miễn, giảm, giãn thuế và các chính sách cho người lao động…”, ông Long thông tin.

Cụ thể, theo ông Long, đối với loại hình vận tải xe buýt, Sở GTVT kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu, sản lượng doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng; Cùng đó, hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ.

Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

"Chúng tôi cũng đề nghị Cục thuế Thành phố và các đơn vị liên quan giảm thuế hoặc giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; Có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng chống dịch cho các đơn vị vận tải. Giảm giá dịch vụ cho xe ra vào bến và các khoản dịch vụ khác cho đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ở bến xe", ông Long cho biết.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.