Đề xuất lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, trong cả ngày hôm nay (27/5), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong đó, phương án rút bảo hiểm một lần hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, dự kiến sẽ là nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.
Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
Trong dự thảo, cơ quan soạn thảo cho biết quy định thêm nhóm người phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng (quy định hiện hành là đủ 3 tháng), kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác (biên bản, giao kèo) nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
Người quản lý doanh nghiệp kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX không hưởng tiền lương; người lao động nước ngoài có hợp đồng lao động ở Việt Nam từ 1 năm trở lên.
Với người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố, Bộ LĐ-TB&XH lý giải quá trình tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương đối với dự luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhóm này thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tương tự như cán bộ không chuyên trách ở cấp xã.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, khi bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố tham gia BHXH bắt buộc thì việc thực hiện BHXH bắt buộc của họ sẽ được thực hiện tương tự người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đang thực hiện theo Luật BHXH năm 2014.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều cử tri cũng gửi ý kiến tới các kỳ họp Quốc hội mong muốn đưa nhóm trên vào tham gia BHXH bắt buộc, việc này cũng phù hợp với chủ trương Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương.
Theo quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thì chế độ, chính sách đối với những người này được thực hiện tương tự như người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Dược sĩ nhà thuốc tư nhân được đóng BHXH
Về chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, cơ quan soạn thảo cho biết Nghị quyết 28 đặt ra yêu cầu mở rộng BHXH tới nhóm này.
Thêm vào đó, pháp luật hiện hành quy định việc đăng ký hộ kinh doanh là quyền của các hộ kinh doanh, đồng thời cũng có quy định các hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh là hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, ngày 10/10/2023, Chính phủ đã đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh theo hướng là những "chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh", thay vì quy định "chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh" như dự thảo lần trước trình Quốc hội.
Liên quan đến việc mở rộng nhóm người tham gia BHXH bắt buộc, trong dự thảo báo cáo các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định tại kỳ họp Quốc hội trước, có ý kiến đề nghị cần có quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức, lao động mới như lái xe công nghệ (Grab, Gojek, Be…), hoặc lao động tự do trên môi trường mạng… Ngoài ra còn có nhóm giáo viên của các nhóm trông trẻ, dược sĩ của các nhà thuốc tư nhân.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, dự thảo luật đã quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Chính phủ đề xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
"Quy định này cũng nhằm bảo đảm quyền được tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm khác xuất hiện trong các mô hình kinh tế mới phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người lao động và năng lực quản lý nhà nước", Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin thêm.
Đại diện Nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân, TP.HCM, cho rằng việc đưa đối tượng tài xế công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc là hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận