Đa phần ủng hộ cho Nghệ An tách riêng GPMB
Sáng 31/5, Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có nhiều đề xuất liên quan tới công tác xây dựng hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi thành dự án độc lập, tương tự như chính sách của Khánh Hòa.
Đối với vấn đề này, ở góc độ cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Nêu lý do, ông Mạnh cho biết: "Việc tách riêng công tác bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện dự án.
Chính sách này đã được áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa, TP.HCM và ở một số dự án, đã phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế".
Chỉ nên phân cấp cho UBND tỉnh trong trường hợp cần thiết
Trong dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất cho phép UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.
Chính sách này tương tự chính sách đặc thù của tỉnh Khánh Hòa nhưng với tỉnh Nghệ An, ban soạn thảo đề xuất thêm quy định phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư để phù hợp với thực tiễn, nhu cầu phát triển tỉnh Nghệ An.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết vì cho rằng đây là việc cần thiết, đặc biệt trong thời gian HĐND tỉnh không họp, bảo đảm tính kịp thời đối với việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công theo thẩm quyền của địa phương.
Song, một số ý kiến đề nghị, chỉ cho phép trong trường hợp cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh cục bộ.
Cần quy định kỹ các dự án PPP được nâng phần góp vốn Nhà nước
Với một số dự án xây dựng công trình đường bộ theo phương thức PPP, Chính phủ đề xuất HĐND tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP.
"Chính sách tương tự Nghị quyết số 98 của Quốc hội đối với TP.HCM, Nghị quyết số 106 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ", dự thảo Nghị quyết nêu.
Trong đó, tỉnh Nghệ An đề xuất bổ sung áp dụng đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất áp dụng cơ chế này với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; Các dự án thực hiện trên địa bàn miền tây Nghệ An.
Theo ông Lê Quang Mạnh, khi thẩm tra, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy: "So với chính sách được áp dụng tại TP.HCM, chính sách áp dụng cho tỉnh Nghệ An được mở rộng hơn về phạm vi".
Uỷ ban đề nghị cân nhắc thêm một số vấn đề như chỉ nên điều chỉnh vốn đối với các dự án có chi phí GPMB chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn để góp phần giảm rủi ro và tạo điều kiện thu hút thêm nguồn lực của khu vực tư nhân đối với các dự án này.
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, cơ quan thẩm tra nhận thấy khả năng, hiệu quả sử dụng vốn PPP trong lĩnh vực này còn hạn chế, kết quả đầu ra chính sách chưa thực sự rõ nét và khả thi.
Với các dự án trên địa bàn phía tây Nghệ An, hiện chưa có báo cáo đánh giá về tình hình triển khai các dự án PPP ở địa bàn này để làm căn cứ cho việc xem xét tính phù hợp của việc áp dụng chính sách.
Cần quy định rõ trách nhiệm thu hồi đất vùng phụ cận
Trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội được thực hiện hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - chuyển giao) đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; bãi đỗ xe; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Nghệ An tham khảo chính sách này trong Nghị quyết số 98 của Quốc hội đối với TP.HCM và đề xuất thêm quy định bổ sung các lĩnh vực cụ thể áp dụng để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tỉnh.
Một chính sách khác là đề xuất Quốc hội cho phép HĐND tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch.
Đồng thời, Chính phủ đề xuất được sử dụng ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất vùng phụ cận được thu hồi để phục vụ tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.
Chính sách này tương tự cơ chế đặc thù của TP.HCM và dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi nhưng tỉnh Nghệ An đề xuất chỉ áp dụng đối với vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và tuyến đường giao thông đô thị.
Theo ông Lê Quang Mạnh, cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định việc thu hồi, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận