Nội dung này được nêu tại dự thảo nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà do Bộ Công thương soạn thảo.
Theo Bộ Công thương, tại khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 500 có nêu việc phát triển "điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia". Song, hiện nay, pháp luật về điện lực chưa có quy định về khái niệm nguồn điện này. Vì thế, Bộ Công thương đề xuất luật hóa khái niệm "tự sản tự tiêu" khi sửa Luật Điện lực tới đây.
Do đó, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lần này, Bộ chỉ đề xuất khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở có liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ mua điện) mà không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà.
Các hệ thống này sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế, phí. Các cơ quan Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển điện mặt trời mái nhà tại cơ quan, công sở. Còn điện mặt trời tự sản, tự tiêu, điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ thực hiện theo cơ chế khác, như mua bán điện trực tiếp (DDPA).
Như vậy, sau nhiều ý kiến của bộ ngành, chuyên gia và doanh nghiệp về việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp để doanh nghiệp chuẩn bị cho "chứng chỉ xanh", Bộ Công thương đã có đề xuất mới ở bản dự thảo lần này nhưng vẫn phụ thuộc vào việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp. Hiện, Bộ Công thương đang xây dựng có chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (khách hàng sản xuất) theo 2 giải pháp.
Giải pháp 1 là mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp (không thông qua lưới điện quốc gia). Việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai, vì vậy, Bộ Công thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Còn giải pháp 2 là mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia. Bộ Công thương đang kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo do còn một số vướng mắc và đưa ra 2 phương án về hình thức ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc có thể đưa quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp vào Luật Điện lực. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế này sẽ phụ thuộc vào thời hạn ban hành và hiệu lực thi hành của Luật Điện lực sửa đổi. Hiện nay, Luật Điện lực đang trong quá trình đề xuất sửa đổi (dự kiến ban hành năm 2025, dự kiến hiệu lực năm 2026).
Phương án 2: Thực hiện quy định tại Điều 70 Luật Điện lực, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trường hợp Điều 70 Luật Điện lực không đáp ứng là căn cứ để ban hành nghị định của Chính phủ, có thể cân nhắc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận