Xã hội

Đề xuất người lao động có quyền hưởng BHXH một lần

22/05/2015, 05:35

Nếu người lao động không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu...

32
Ông Đặng Ngọc Tùng trao đổi với báo chí sáng 21/5

Sáng 21/5, tiếp tục phiên làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày Báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.

Kiến nghị cho người lao động được hưởng BHXH một lần

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo quy định tại Luật BHXH năm 2006, người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng thì được giải quyết BHXH một lần.

Theo số liệu thống kê, bình quân trong giai đoạn 2007 - 2014, trong tổng số người được giải quyết chế độ thì có khoảng 80% giải quyết hưởng BHXH một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng. “Việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng BHXH mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp BHXH một lần tuy tạo điều kiện linh hoạt cho người lao động lựa chọn nhưng chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động”, Bộ trưởng Chuyền phân tích rõ và cho biết, theo tính toán trong tất cả các trường hợp, người lao động tích lũy thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ khi về già đều có lợi hơn rất nhiều so với việc lĩnh một lần.

Tuy nhiên, khi Luật này chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động đã có kiến nghị, thậm chí đình công để được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật năm 2006.

Sau khi xem xét, Chính phủ chính thức kiến nghị Quốc hội điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định cũ.

Bà Chuyền cũng cho rằng, cùng với việc sửa đổi như trên, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, bảo đảm cuộc sống khi về già để người lao động cân nhắc thận trọng hơn mỗi khi đưa ra quyết định lựa chọn hưởng BHXH một lần.

Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già.

Giải quyết nguyện vọng của người lao động

Trao đổi với PV Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, phản ứng và nguyện vọng của hàng nghìn công nhân đối với Điều 60 của Luật BHXH vừa qua cũng là hoàn toàn chính đáng. “Theo đánh giá về lâu dài thì Điều 60 như thế là phù hợp, có lợi cho người lao động, nhưng có những người lao động vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa. Họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy, chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp với người lao động”, ông Tùng nói và cho biết cơ quan chức năng sẽ vẫn tiếp tục tuyên truyền cho người lao động nếu đóng tiếp BHXH để hưởng hưu trí thì có lợi hơn. Với những người do điều kiện không tiếp tục đóng được thì sẽ tạo cơ hội để họ có thể lựa chọn.

Cùng quan điểm, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng cho rằng: “Luật pháp là làm cho người lao động chứ không phải làm cho người làm luật. Người lao động chưa hoàn toàn thỏa mãn, thấy chưa được thì phải có một thời gian để người ta suy nghĩ lựa chọn, còn cơ quan chức năng thì giải quyết theo nguyện vọng của người lao động”. Đồng ý sửa Điều 60 nhằm giải quyết cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn trước mắt, tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý người lao động nên nghiên cứu, cân nhắc kỹ, quả thực khó khăn trước mắt không có biện pháp nào xử lý được thì hãy nhận một lần. Còn nếu không cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu bảo đảm cuộc sống, tránh rủi ro khi về già.

Theo ông Lợi, về lâu dài, nếu quá nhiều người muốn lấy BHXH một lần thì đến một giai đoạn sau này về già, Nhà nước sẽ lại phải bỏ ra một phần ngân sách để lo an sinh xã hội cho người dân. Cho nên phải làm sao cân đối lợi ích người lao động, Nhà nước, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn phải tôn trọng ý kiến người lao động.

Tại ngũ trong thời bình là 24 tháng

Chiều 21/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Theo báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.

ĐBQH có quyền chất vấn vào bất cứ thời điểm nào

Thẩm tra báo cáo về Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sáng 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban tán thành với Dự thảo Luật quy định về chất vấn theo hướng người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi chất vấn ngay tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp Thường trực HĐND.

Khi chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, HĐND thì căn cứ vào chương trình kỳ họp, Quốc hội, HĐND quyết định danh sách những người trả lời chất vấn, nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp Thường trực HĐND thì căn cứ vào số lượng, nội dung chất vấn và chương trình phiên họp để quyết định thời gian, danh sách người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn. Quy định như vậy sẽ bảo đảm quyền chất vấn của ĐBQH, đại biểu HĐND và có thể được thực hiện vào bất cứ thời điểm nào, cả trong kỳ họp, ngoài kỳ họp và phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, chất vấn là công cụ giám sát rất mạnh, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nhưng nó chỉ thực sự mạnh khi chất vấn được tiến hành trực tiếp và công khai. Do đó, tất cả các chất vấn phải được trả lời trực tiếp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.