Hạ tầng

Đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc Trạm thu phí BOT T2

23/05/2019, 14:39

Di dời Trạm thu phí BOT T2 là một phương án không khả thi, tốn kém và phát sinh nhiều vướng mắc...

img
Trạm thu phí BOT T2

Sáng 23/5, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc tại Trạm thu phí T2 thuộc dự án BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang (QL91, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, các vướng mắc liên quan đến trạm T2 đã xuất hiện từ lâu và được xử lý bằng biện pháp miễn giảm, tuy nhiên với tình hình hiện nay thì không còn phù hợp.

Bởi trước đây, số lượng phương tiện qua trạm này không nhiều, chủ yếu là xe ở Cần Thơ và Kiên Giang. Khi cầu Vàm Cống được đưa vào khai thác, số luợng phương tiện tăng lên, các xe từ các khu vực Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên... đều đi theo hướng này và phải qua trạm thu phí T2. Sử dụng quãng đường không nhiều, nhưng người dân phải tốn phí do đó phát sinh nhiều vướng mắc.

Giám đốc Sở GTVT An Giang thông tin, trong buổi làm việc, đại biểu thống nhất phương án di dời trạm là không khả thi, tốn kém. Về phía địa phương, An Giang đề xuất phương tiện đi từ Kiên Giang hoặc từ Cầu Vàm Cống về An Giang sẽ được phát một thẻ để tới trạm T2 đưa thẻ này ra và mua vé với giá 2.000 đồng, tương đương với khoảng đường 200m mà người dân sử dụng. Những xe từ An Giang về Kiên Giang, qua Cầu Vàm Cống thì bán vé 2.000 đồng, xe đi Cần Thơ khi tới trạm BOT T1 thì mua tiếp vé 33.000 đồng. Trường hợp nhà thầu sợ thất thu thì bán cho tài xế vé ở trạm T2 nhưng khi phương tiện vào QL80 về Kiên Giang hoặc về Vàm Cống thì phải trả lại 33.000 đồng.

Còn phía Công ty Cổ phần đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã thống nhất đưa tỉnh Đồng Tháp vào chính sách miễn giảm phí qua trạm BOT T2, sau khi địa phương này rà soát lại số lượng phương tiện thì sẽ có chính sách miễn giảm cụ thể. Còn về số lượng phương tiện tăng sau khi thông xe cầu Vàm Cống, phải 1 tháng sau mới có số liệu chính thức.

Cũng theo ông Khang, dự án BOT T1 và T2 có tổng đầu tư hơn 1.700 tỉ, doanh thu hơn 10 tỉ/tháng trong khi lãi vay phải trả khoảng 10,5 tỷ đồng/tháng nên chủ đầu tư hiện lỗ trên 100 tỷ.

"Để dự án được khả thi, chủ đầu tư đã có đề xuất Chỉnh Phủ, Bộ Giao thông và TP Cần Thơ có biện pháp hỗ trợ dự án tiền giải phóng mặt bằng (hơn 400 tỷ đồng)", ông Khang nói.

Trước đó, ngày 21/5, nhiều tài xế đã cho phương tiện dừng tại các làn xe của Trạm thu phí T2 phản ứng vì cho rằng trạm này đặt sai vị trí và thu phí bất hợp lí khi chỉ đi vài trăm mét mà phải trả phí cho cả tuyến đường.

Phía Hiệp hội vận tải ô tô An Giang cũng đã có văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng và đề xuất 3 phương án đó là thu phí theo tỉ lệ cự ly tham gia 1/40 theo mức phí Tổng Cục đường bộ đã quy định về trạm thu phí không dừng; Dành hẳn 2 làn phương tiện đi và về Long Xuyên, Kiên Giang được miễn phí hoàn toàn hoặc di dời trạm T2, thời gian di dời phải được xác định cụ thể và đề án đặt lại trạm phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.