Chưa có quy định chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên tàu lặn
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định này là việc bổ sung tàu lặn trong đối tượng quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.
Theo Cục Hàng hải VN, với sự phát triển kinh tế, nhu cầu tham quan du lịch, vui chơi giải trí của người dân ngày càng tăng cao, nhất là hoạt động gắn liền với sông nước, du lịch biển.
Mô hình tàu lặn du lịch là sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đầu tiên có mặt tại Việt Nam không những đa dạng hóa dịch vụ, thu hút du khách du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, còn mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế về hệ sinh thái phong phú, đa dạng.
Thế nhưng, bên cạnh lợi ích về phát triển kinh tế du lịch, công tác quản lý nhà nước với hoạt động của loại hình phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi giải trí dưới nước thuộc phạm vi hàng hải chưa được quy định đầy đủ.
Cụ thể, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 mới chỉ quy định về đăng ký và đăng kiểm với loại phương tiện này. Các văn bản dưới luật liên quan cũng chưa hướng dẫn cụ thể, dẫn đến còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông và công tác tìm kiếm cứu nạn khi gặp sự cố.
Do đó, việc quy định quản lý hoạt động tàu lặn cần được nghiên cứu, đánh giá lập hồ sơ xây dựng nghị định quản lý về hoạt động tàu lặn.
Tại Quyết định số 1080/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Cục Hàng hải VN nghiên cứu đưa quy định quản lý hoạt động tàu lặn vào dự thảo Nghị định, Cục Hàng hải VN đã xây dựng dự thảo nội dung quản lý hoạt động tàu lặn.
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc liên quan tới chứng chỉ chuyên môn và chương trình đào tạo thuyền viên tàu lặn.
Theo Cục Hàng hải VN, hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa quy định chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên tàu lặn. Các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên chưa được cấp phép đào tạo, huấn luyện thuyền viên cho tàu lặn, chưa có quy định về chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu lặn. Văn bản hiện hành cũng chưa có hướng dẫn về nội dung, chương trình đào tạo nhân sự tàu lặn.
Cục Hàng hải VN nhận định, đào tạo nhân sự tàu lặn tại Việt Nam là lĩnh vực mới, nhu cầu không cao. Trong khi, đào tạo nhân sự để điều khiển tàu lặn đòi hỏi các cơ sở đào tạo, huấn luyện phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp, các giảng viên có kinh nghiệm và chương trình đào tạo được xây dựng chi tiết.
Do vậy, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thuyền viên làm việc trên tàu lặn.
Ngoài ra, hiện nay, ngành hàng hải cũng chưa có đủ phương tiện, trang thiết bị đặc thù để thực hiện tìm kiếm cứu nạn hàng hải dưới nước cho tàu lặn, cũng chưa có quy định của pháp luật về quản lý hoạt động tàu lặn.
Tàu lặn chỉ được phép lặn tại khu vực riêng đã được công bố
Theo dự thảo Nghị định, tàu lặn chỉ được phép tiến hành hoạt động lặn tại khu vực riêng đã được công bố khi đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật tàu lặn và quy trình vận hành an toàn tàu lặn.
Khi tiến hành hoạt động lặn, ngoài những người điều khiển tàu lặn thuộc thuyền bộ và hành khách đi theo tàu lặn, chỉ những người có nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền chấp thuận mới được phép lên tàu.
Cùng đó, ngoài phương tiện hỗ trợ, phương tiện giám sát tàu lặn, tàu thuyền không được vào khu vực lặn khi chưa được cấp phép hay chấp thuận bằng văn bản của cảng vụ hàng hải.
Đồng thời, tại các khu vực quy định, chủ tàu, người khai thác tàu lặn phải bố trí phương tiện giám sát, cảnh giới, điều tiết giao thông khu vực lặn và giám sát quá trình lặn.
Chỉ huy hoạt động lặn phải có mặt trên phương tiện hỗ trợ tàu lặn khi tổ chức hoạt động lặn và duy trì liên lạc với cảng vụ hàng hải thông qua VHF hoặc các thiết bị thông tin liên lạc khác.
Cũng theo dự thảo, phương tiện hỗ trợ tàu lặn, phương tiện giám sát tàu lặn phải duy trì hoạt động của thiết bị nhận dạng tự động theo quy định.
Việc thực hiện hoạt động lặn của tàu lặn phải đúng quy trình vận hành an toàn tàu lặn ghi trong Sổ tay Vận hành và Khai thác tàu lặn của cơ sở kinh doanh tàu lặn được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với vùng hoạt động, tàu lặn chở khách chỉ được hoạt động trong khu vực hoạt động được quy định trong Giấy chứng nhận đăng kiểm.
Vùng nước hoạt động của tàu lặn phải được bố trí báo hiệu theo quy định và vùng hoạt động của tàu lặn phụ thuộc vào tính năng của phương tiện, các chứng chỉ được cấp cho người lái phương tiện.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra những trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan tới hoạt động tàu lặn như trách nhiệm của chỉ huy hoạt động lặn; Chủ tàu, người khai thác tàu lặn chở khách; thuyền trưởng các phương tiện, trách nhiệm của hành khách...
Theo đó, chỉ huy hoạt động lặn chỉ được phép bắt đầu lặn khi thuyền trưởng các phương tiện hỗ trợ đã xác nhận theo các nhiệm vụ đã được thực hiện và đảm bảo an toàn; Việc thông báo, xác báo cho cảng vụ hàng hải đã được thực hiện; Việc kiểm tra trước khi lặn với tàu lặn và các hệ thống liên quan đã được thực hiện, danh sách kiểm tra trước khi lặn đã được người điều khiển tàu lặn ký và có chữ ký của chỉ huy hoạt động lặn; Đảm bảo việc kiểm tra sau lặn được thực hiện trên tàu lặn, tất cả các hệ thống liên quan sau lần lặn cuối cùng trước đó và bất kỳ khiếm khuyết nào được chỉ ra bởi các kiểm tra đó đã được khắc phục; Đảm bảo người điều khiển tàu lặn thông thạo quy trình vận hành tàu lặn và được cung cấp bản sao các quy trình khẩn cấp được nêu trong hướng dẫn vận hành trên tàu lặn; Gió, trạng thái biển, tầm nhìn và dòng thủy triều dự báo nằm trong giới hạn vận hành an toàn như được nêu chi tiết trong quy trình vận hành...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận