Hàng hải

Đề xuất nhiều quy định mới về hoạt động tàu lặn

07/06/2024, 19:11

Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Chưa quy định cụ thể 

Điểm đáng chú ý tại dự thảo đang được lấy ý kiến là đề xuất bổ sung nhiều quy định liên quan tới quản lý tàu lặn hoạt động trong vùng nước cảng biển Việt Nam.

Cụ thể, tàu lặn chỉ được phép hoạt động lặn tại vùng hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Vùng hoạt động tàu lặn phải được bố trí báo hiệu hàng hải theo quy định.

Đề xuất nhiều quy định mới về hoạt động tàu lặn- Ảnh 1.

Hoạt động tàu lặn hiện chưa có quy định cụ thể liên quan tới việc quản lý cấp phép, thuyền viên (Ảnh minh họa).

Theo Bộ GTVT, tàu lặn là loại tàu mới đã được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, nhưng những quy định chưa đầy đủ. 

Quy định tại Bộ luật Hàng hải 2015 và các văn bản hướng dẫn mới chỉ có các quy định về đăng ký, đăng kiểm và định biên cho tàu lặn, chưa có các quy định chi tiết liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thuyền viên làm việc trên tàu lặn; quy định hướng dẫn phương án cứu nạn dưới mặt nước đối với hoạt động tàu lặn; quản lý hoạt động cấp phép cho tàu lặn vào, rời khu vực hàng hải hoặc bến phao…

Do vậy, khi doanh nghiệp đưa tàu lặn vào khai thác để phục vụ nhu cầu du lịch, chưa có quy định để quản lý loại hình hoạt động này.

Thuyền viên điều khiển tàu lặn phải từng đảm nhận sỹ quan boong 6 tháng

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra những quy định cụ thể đối với hoạt động của tàu lặn.

Theo đó, thuyền viên tàu biển phải đủ tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên tàu biển và đảm bảo tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản của thuyền viên tàu biển.

Thuyền viên phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt của thuyền viên tàu biển như: quản lý đám đông đối với tàu khách; huấn luyện an toàn cho nhân viên phục vụ trực tiếp trên khoang hành khách tàu khách; huấn luyện an toàn hành khách với tàu khách; quản lý khủng hoảng và phản ứng của con người trên tàu khách.

Ngoài ra, thuyền viên điều khiển tàu lặn phải tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ cao đẳng trở lên, đã đảm nhận chức danh sỹ quan boong tàu biển 6 tháng trở lên, có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho vị trí điều khiển tàu lặn được nhà sản xuất cấp.

Với các thuyền viên hỗ trợ điều khiển tàu lặn, quy định đưa ra là phải tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp trở lên, đã đảm nhận chức danh thủy thủ trực ca AB 6 tháng trở lên và có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho thuyền viên hỗ trợ điều khiển tàu lặn được nhà sản xuất cấp.

Theo dự thảo, định biên an toàn tối thiểu tàu lặn được bố trí theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không ít hơn số lượng thuyền viên tàu lặn được ghi trên Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu lặn. Chủ tàu lặn có trách nhiệm bố trí đủ định biên làm việc trên tàu lặn theo quy định.

Trong việc thực hiện hoạt động lặn, chậm nhất trước 16h hàng ngày, tổ chức khai thác hoạt động tàu lặn báo cáo bằng văn bản hoặc fax hoặc email đến cảng vụ hàng hải kết quả hoạt động lặn trong ngày và kế hoạch hoạt động tàu lặn ngày hôm sau. Chậm nhất trước 1 giờ mỗi chuyến lặn, tổ chức khai thác hoạt động tàu lặn phải gửi thông báo đến cảng vụ hàng hải thông tin của thuyền viên tàu lặn và hành khách trên tàu.

Tổ chức khai thác hoạt động tàu lặn có trách nhiệm xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn tàu lặn và được Cục Đăng kiểm VN phê duyệt. 

Cùng đó, xây dựng quy trình khai thác, kế hoạch vận hành bảo dưỡng bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường và tổ chức đưa người từ tàu mẹ hỗ trợ tàu lặn lên, xuống tàu lặn, thực hiện hoạt động lặn bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Các tổ chức phải xây dựng phương án bố trí người khai thác hoạt động tàu lặn theo hướng dẫn của nhà sản xuất phù hợp với đặc tính kỹ thuật của phương tiện và thực tế khai thác, sử dụng và chịu trách nhiệm về việc bố trí này. 

Với tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải, dự thảo bổ sung quy định chỉ được tiến hành các các hoạt động lặn (lặn phục vụ kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền; lặn trục vớt tàu thuyền, tài sản chìm đắm), hoạt động sửa chữa, hạ xuồng cứu sinh hoặc các công việc ngầm dưới nước liên quan đến hoạt động hàng hải sau khi được cảng vụ hàng hải chấp thuận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.