Dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra 2 ngưỡng nợ thuế trong trường hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là 10 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp. Thời gian xác định số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày.
"Chưa hiểu đề xuất trên cơ sở nào"
Nhận định về đề xuất trên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất mới "gỡ khó" cho một số trường hợp nợ thuế chỉ vài triệu cũng bị hoãn xuất cảnh. Thế nhưng điều ông đang chưa hiểu là đề xuất này trên cơ sở nào.
Bởi lẽ, nếu không có căn cứ, cơ sở để xây dựng đề xuất thì khi thực thi sẽ dễ vướng, dẫn đến việc sửa đổi lại không giải quyết được vấn đề thực tại.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh, nếu mức quá thấp và trong thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, theo ông Đức, mỗi con số đưa ra cần có cơ sở logic, có sự liên kết với các quy định pháp luật khác để đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt hơn.
Vì thế, ông Đức đề xuất sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh.
"Tránh trường hợp sau này trượt giá hoặc thực tế thay đổi lại phải điều chỉnh con số cho phù hợp", ông lập luận.
Ngoài ra, có một số chuyên gia nhận định, đề xuất mới có tiến bộ hơn quy định hiện hành khi "chỉ cần nợ thuế 1 đồng cũng phải thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế quá hạn 90 ngày".
Song, so với nhiều quốc gia khác thì ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh như đề xuất mới còn quá nhỏ; số người có nguy cơ bị ngăn xuất cảnh vẫn sẽ rất lớn. Đơn cử như tại Mỹ, nợ thuế 55.000 USD (khoảng trên 1,3 tỷ đồng) bao gồm cả phần tiền lãi và phạt, người nợ thuế mới có thể bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh.
Cần đi vào bản chất vấn đề
Ngoài vấn đề ngưỡng tiền, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần đi vào giải quyết bản chất vấn đề dẫn đến những tranh cãi về quy định này thời gian vừa qua.
Ông cho rằng, nhiều người phản ánh việc không nhận được thông báo về nợ thuế nên bị bất ngờ khi nhận được lệnh tạm hoãn ở sân bay.
Vấn đề trên, theo ông Thịnh có 2 tình huống còn tồn tại. Một là, cơ quan thuế chưa kết nối chặt chẽ với người nộp thuế, hai là, người nộp thuế chưa ý thức được hình phạt nên vẫn có tình "chây ỳ".
Với những phân tích trên, ông lưu ý, ở một số nước, thủ tục tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp gần như sau cùng, khi đã áp dụng các biện pháp khác như thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng... mà vẫn không thu được thuế.
Ông Thịnh cũng đề xuất, cơ quan quản lý phải "làm sao để người nợ thuế biết rằng họ đang bị nợ thuế và nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh".
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho hay, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế qua phương thức điện tử.
Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử hoặc trường hợp đối tượng nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì sẽ có thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực thi.
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), từ cuối năm 2023, ngành thuế đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng.
Cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh (chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do người nộp thuế chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận