Đăng kiểm

Đề xuất ô tô mới chạy từ cửa khẩu về đại lý không phải đăng kiểm tạm

22/05/2024, 07:08

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất đề xuất ô tô có chứng nhận về kiểm tra xuất xưởng của nhà sản xuất thì không phải kiểm định khi di chuyển từ cửa khẩu về cửa hàng, hoặc ngược lại.

Ô tô mới không cần đăng kiểm khi di chuyển về đại lý

Theo quy định hiện hành, xe cơ giới mới sản xuất lắp ráp đã có phiếu kiểm tra xuất xưởng, xe cơ giới nhập khẩu đã có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường muốn di chuyển từ nơi sản xuất, lắp ráp hoặc từ cửa khẩu đến kho, cảng, cửa hàng hoặc ngược lại cần được cấp biển tạm và đăng kiểm tạm thời hạn 15 ngày.

Đề xuất ô tô mới chạy từ cửa khẩu về đại lý không phải đăng kiểm tạm- Ảnh 1.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất ô tô nhập khẩu có chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi di chuyển từ cửa khẩu về kho, đại lý không phải đăng kiểm (ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, ban soạn thảo đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ sở đăng kiểm phương tiện hoặc chứng nhận về kiểm tra xuất xưởng của nhà sản xuất thì không phải kiểm định trong trường hợp di chuyển từ cửa khẩu, từ nơi sản xuất, lắp ráp tới kho, cảng, cửa hàng hoặc ngược lại.

Một thành viên trong ban soạn thảo cho biết, đối với ô tô sản xuất, lắp ráp, quy trình kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi cấp phiếu kiểm tra xuất xưởng được các nhà sản xuất, lắp ráp thể hiện rất nghiêm ngặt. Quy trình này cũng được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra, giám sát chặt chẽ, do đó, khi ô tô có phiếu kiểm tra xuất xưởng, đồng nghĩa với việc xe đã được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, hiện Việt Nam đã thực hiện việc thừa nhận chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của nước ngoài đối với xe cơ giới, phụ tùng xe cơ giới theo quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Do đó, xe nhập khẩu có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng đồng nghĩa với việc đã được kiểm định.

Vì vậy, khi xe di chuyển từ cửa khẩu, từ nơi sản xuất, lắp ráp tới kho, cảng, cửa hàng hoặc ngược lại không cần thiết phải thực hiện đăng kiểm tạm như hiện nay. Điều này còn góp phần giảm thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Đề xuất ô tô mới chạy từ cửa khẩu về đại lý không phải đăng kiểm tạm- Ảnh 2.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa do mình nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp (ảnh minh hoạ).

Rõ trách nhiệm nhà sản xuất, nhập khẩu

Về đề xuất trên, một chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới cho biết, trước đây khi còn quy định đăng kiểm xe mới lần đầu, thậm chí ngay trong việc đăng kiểm tạm 15 ngày đối với xe mới, các đơn vị đăng kiểm rất ít khi phát hiện lỗi an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi kiểm tra trên dây chuyền các xe chở người của các thương hiệu lớn như Toyota, Isuzu, Hyundai,…

Tuy nhiên, với các xe vận tải hàng hóa như ô tô tải, đặc biệt xe của Trung Quốc, việc kiểm định tạm hay đăng kiểm lần đầu nhiều trường hợp vẫn còn khiếm khuyết.

Do đó, nếu quy định xe mới không cần đăng kiểm khi di chuyển từ cửa khẩu, nơi sản xuất lắp ráp về kho, cảng, cửa hàng hoặc ngược lại cũng cần quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện.

Đối với kiến nghị này, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định tại Điều 41: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa do mình nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp và việc bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp và triệu hồi sản phẩm theo quy định của Chính phủ.

Theo các chuyên gia, đây sẽ là cơ sở, căn cứ để khi xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật như Nghị định, Thông tư sẽ có chế tài để siết trách nhiệm của các nhà sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Từ đó sẽ giúp đảm bảo chất lượng phương tiện.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định.

Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra, đánh giá để cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Cơ quan này cũng sẽ quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra, đánh giá để cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông; quy định về giới hạn kích thước, giới hạn tải trọng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc đối tượng nghiên cứu phát triển có nhu cầu tham gia giao thông đường bộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.