Y tế

Đề xuất phát triển mạng lưới chuyên khoa ung thư ĐBSCL

21/07/2023, 12:56

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ghi nhận hơn 80% bệnh nhân ở ngoài thành phố đến khám chữa bệnh, trong đó bệnh nhân từ ĐBSCL chiếm 38% trong năm 2022.

Từ thực tế đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất hình thành và phát triển mạng lưới chuyên khoa ung thư vùng ĐBSCL. Ngành y tế TP.HCM hứa sẽ hỗ trợ toàn diện cho ĐBSCL để phát triển mạng lưới này.

ĐBSCL mới có hai bệnh viện chuyên khoa ung bướu

Đề xuất này được đưa ra trong hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ngành y tế TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL giai đoạn 2023-2025, tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào sáng 21/7.

img

Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ngành y tế TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL giai đoạn 2023-2025.

TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM cho biết, số ca mắc mới ung thư ở nước ta mỗi năm là hơn 182.000 trường hợp, tăng 9 bậc, xếp thứ 90/185 quốc gia so với năm 2018.

Số ca tử vong do ung thư ở nước ta hàng năm là trên 122.000 trường hợp, tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia, so với năm 2018.

Ở TP.HCM, mạng lưới chuyên khoa ung thư có 27 BV tham gia điều trị với tổng số 1.800 giường bệnh. Trong đó có 400 bác sĩ chuyên khoa ung bướu và 77 phòng khám chuyên khoa ung bướu, với nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại, đủ phương tiện, nhân sự chuyên sâu điều trị.

Trong năm 2022, BV Ung bướu TP.HCM có hơn 567.00 lượt khám bệnh, số ca nhập viện hơn 37.000. Trung bình mỗi năm, số lượt khám và nhập viện tăng từ 8 - 10%.

Cũng trong năm 2022, BV Ung bướu TP.HCM ghi nhận hơn 80% bệnh nhân khám chữa bệnh tại BV này không phải người TP.HCM. Trong đó, bệnh nhân ở miền Tây có hơn 173.000 lượt (chiếm 38%).

Trong khi đó, mạng lưới chuyên khoa ung thư tại ĐBSCL còn khá nghèo nàn và một số BV đang lâm vào tình trạng quá tải.

Cụ thể ĐBSCL hiện có hai bệnh viện chuyên khoa ung bướu (Cần Thơ và Kiên Giang), chín khoa ung bướu thuộc BV đa khoa tỉnh và hai đơn vị ung bướu thuộc khoa lâm sàng trong BV đa khoa.

Hơn nữa, những bệnh viện, khoa chuyên ung bướu ở ĐBSCL chưa được đầu tư đồng bộ, tuyển dụng và đào tạo nhân sự còn nhiều khó khăn.

img

Bệnh nhân điều trị tại BV Ung bướu thành phố Cần Thơ.

Từ đó, việc phát triển mạng lưới chuyên khoa ung thư ĐBSCL là rất cần thiết để đạt những mục tiêu về nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giảm gánh nặng kinh tế - xã hội cho địa phương và người bệnh.

Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết, sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho ĐBSCL để hình thành và phát triển mạng lưới này. Trong đó bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn trang thiết bị, hội chẩn chuyên gia trực tiếp hoặc qua telemedicine, hỗ trợ điều trị những ca khó…

Y tế TP.HCM và ĐBSCL hợp tác phát triển theo hai cấp độ

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết việc tăng cường hợp tác và phát triển hệ thống y tế của TP.HCM với 13 địa phương ĐBSCL sẽ được chú trọng trong nhiều lĩnh vực, theo hai cấp độ.

Cấp độ một là hợp tác giữa BV tuyến cuối và BV tuyến địa phương, giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành và giữa các Sở Y tế với nhau.

Cấp độ hai là hợp tác phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ cơ sở tuyến cuối cho đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và y tế cơ sở theo quy mô ĐBSCL.

Theo ông Thượng, trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác và phát triển thành mạng lưới chuyên khoa quy mô vùng ĐBSCL cần cũng cố lĩnh vực ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình, dịch bệnh và bổ sung thêm lĩnh vực ung thư, tim mạch.

img

Bảy biên bản ghi nhớ ký kết hợp tác được thống nhất giữa ngành y tế TP.HCM và các địa phương ĐBSCL

Cuối hội nghị, ngành y tế giữa TP.HCM và các địa phương ĐBSCL đã ký 7 biên bản ghi nhớ hợp tác và phát triển với nhiều nội dung như: tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ nâng cao năng lực y tế; hợp tác phát triển y tế chuyên sâu; hỗ trợ phát triển trung tâm tim mạch ở Sóc Trăng; chuyển giao kỹ thuật chuyên khoa ngoại lồng ngực và ngoại thần kinh cho Hậu Giang…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.