Đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch Đà Nẵng
Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đánh giá dự thảo nghị quyết đã đưa ra nhiều chính sách đặc thù mới mẻ để phát triển TP Đà Nẵng, đặc biệt đưa vào 9 chính sách mới tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của chính quyền đô thị thành phố, gồm về tổ chức bộ máy, biên chế liên thông, cơ chế tài chính, quyền hạn của quận, phường...
"Ở đây sự phân cấp, phân quyền đã mạnh mẽ hơn, đồng thời là điều kiện để thí điểm. Từ đó là bài học để sau này mở rộng", ông Kim nhận định.
Song, đại biểu Kim nhắc lại một đề xuất mà ông từng đưa ra năm 2020, tại Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, đó là thí điểm bầu Chủ tịch UBND Đà Nẵng trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân.
"Ở thời điểm đó, đại biểu có người ủng hộ, có người không... Nhưng đó là bước đi, tiến thêm bước đi dân chủ. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội, các cơ quan nên quan tâm", ông Kim nói.
Ông cho biết đã nêu rõ quy trình cụ thể ở thời điểm đề xuất năm 2020 trong đó vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất của HĐND, giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc và đưa ra các ứng cử để tiến hành làm việc này.
Đừng phân cấp nửa vời
Góp ý về mô hình chính quyền đô thị, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng đánh giá dự thảo nghị quyết cho thấy nhiều lĩnh vực trong hoạt động quản lý của TP Đà Nẵng đã được phân quyền, phân cấp mạnh.
Song, theo ông, có một vấn đề cần đẩy mạnh hơn nữa để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và chế độ công vụ, đó là vấn đề quản lý biên chế.
Ông đánh giá dự thảo chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ công chức làm việc ở phường, xã tại Đà Nẵng cho HĐND thành phố quyết định, chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
"Nếu phân cấp cho Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế cán bộ công chức của Đà Nẵng thì có thể gọi đó là "phân cấp nửa vời", ông Đồng nói.
Trong xu thế chung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với chính quyền địa phương, nên mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp về quản lý biên chế, ông đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc lại vấn đề này.
Bởi biên chế cán bộ công chức ở Đà Nẵng theo dự thảo nghị quyết này là một khối thống nhất từ thành phố tới quận, phường.
Do đó, ông đề nghị Quốc hội phân quyền quyết định biên chế cán bộ công chức cho Đà Nẵng, có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của trung ương.
Bổ sung chính sách trọng dụng nhân tài
Cũng theo ông Đồng, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố lần này đã đưa ra 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.
Đặc biệt cho phép thí điểm thành lập khu thương mại tự do, phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược gắn với đào tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa...
Để thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy không thể thiếu các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Nhưng trong dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến các giải pháp hoặc chính sách này và trách nhiệm thực hiện, mới có quy định HĐND quy định mức thu nhập của nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học song chưa đề cập tới chính sách tiền lương, đãi ngộ dành cho đối tượng này.
Do vậy đại biểu đoàn Quảng Trị đề nghị trong dự thảo nghị quyết nên bổ sung để trọng dụng nhân tài.
Chần chừ lập khu thương mại, dòng đầu tư đi nước khác
Sau 22 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu tranh luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có tiếp thu giải trình.
Theo ông Dũng, cơ chế, chính sách của Đà Nẵng khác với các cơ chế chính sách của 10 địa phương khác ở chỗ được đưa vào những mô hình mới; tập trung vào những ngành nghề đang có thế mạnh, đang có xu thế, đang có giá trị cao và Đà Nẵng đang tập trung.
Đặc biệt là riêng Đà Nẵng sử dụng ít ngân sách của trung ương nhất.
Chia sẻ thêm về vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất đó là khu thương mại tự do, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là một điều mới đối với Việt Nam nhưng đối với quốc tế thì đã làm hàng chục năm.
Theo ông Dũng, các nước trên thế giới đã thành lập nhiều và lâu và quan trọng nhất là họ cũng không chờ đợi, vì bây giờ là một cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư.
Hiện nay ta đang cạnh tranh rất mạnh với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, Trung Quốc, nên "nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, dòng đầu tư đó sẽ về, không họ đi nước khác", ông Dũng nói.
Nêu ví dụ Trung Quốc, ông Dũng cho hay: "Họ lập và với một phương châm cũng không cầu toàn. Riêng khu thương mại tự do của Thượng Hải, 12 năm họ sửa 6 lần, cứ càng ngày càng mở, càng ngày càng cạnh tranh, cứ đến đâu có cái gì mới, cái gì hay là họ làm chứ không cầu toàn. Nếu ngay từ đầu đã có hết thì mất cơ hội".
Sẽ cải cách thủ tục hành chính triệt để
Theo ông Dũng, hiện nay ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì có 2 chính sách mà ban soạn thảo chú trọng đó là thủ tục hành chính.
Ông nêu ví dụ ở Thượng Hải, một nhà máy ô tô của Tesla khoảng 2-3 tỷ USD nhưng từ khi khởi công đến khi đưa vào khai thác sử dụng là 11 tháng. Một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD khác từ khi khởi công đến khi hoàn thành đưa vào khai thác 68 ngày.
Tại sao người ta lại làm được?, theo ông Dũng, vẫn là thủ tục hành chính.
Do đó, trong cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng lần này, điểm đột phá chính là thủ tục hành chính, là một cửa tại chỗ và phân cấp triệt để, mạnh dạn triệt để.
"Không có chuyện nửa vời việc này đưa về bộ này, bộ kia, xin thủ tục này, thủ tục kia mà sẽ ủy quyền lại cho Đà Nẵng và ủy quyền lại cho Ban Quản lý quyết định. Như vậy, tất cả mọi thứ nhanh, tạo được môi trường rất tốt để thu hút", ông Dũng nói.
Trả lời thảo luận của đại biểu về việc nếu bây giờ mỗi một tỉnh thành lập một khu thương mại thì có phải lại một quy trình như thế này không?
Chia sẻ với ý kiến này, ông Dũng cho rằng cần phải xem xét có nên báo cáo lại với Bộ Chính trị, với Quốc hội về chủ trương, hay cho phép Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để được thành lập khu thương mại tự do?
Theo ông, khu thương mại tự do thì đương nhiên phải gắn với cảng biển, gắn với dịch vụ logistics, không thể đưa lên Lai Châu để đặt ở trên đó được.
Nêu ví dụ hiện nay Chu Lai của Quảng Nam hay Trà Vinh, Sóc Trăng đang làm cảng Trần Đề và các khu cảng khác có thể trở thành khu thương mại tự do, ông đặt vấn đề chẳng lẽ mỗi lần như thế chúng ta lại phải xin với quy trình và những chính sách như thế này.
Theo ông Dũng, trong thời gian Đà Nẵng thực hiện thí điểm 5 năm, tất cả các địa phương, địa phương nào đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn để thành lập các khu thương mại tự do thì Chính phủ xem xét cho phép thành lập và khi thành lập thì được áp dụng các cơ chế này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận