Bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
Chiều nay (23/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) trong khuôn khổ phiên họp thứ 32.
Trình bày về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật hiện hành, nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.
Cụ thể, dự thảo Luật giữ nguyên nội dung quy định tại 5 điều của Luật Thuế GTGT hiện hành; bỏ 1 điều và sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 điều của Luật Thuế GTGT hiện hành.
Đó là quy định người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất, phương pháp khấu trừ thuế, phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, các trường hợp hoàn thuế, hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện.
Về đối tượng không chịu thuế, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; các dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; bưu chính công ích; viễn thông công ích; internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; duy trì vườn thú; duy trì vườn hoa, công viên; duy trì cây xanh đường phố; chiếu sáng công cộng.
Cần làm rõ vì sao đánh thuế phân bón 5%
Tán thành sự cần thiết sửa đổi luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu sửa đổi toàn diện để đảm bảo sự phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế.
"Khi quy định các điều cấm và chế tài thì cần đánh giá kỹ tình trạng gian lận thuế xảy ra trong thực tiễn là do đâu, bất cập do pháp luật hay trong khâu thực thi, từ đó việc sửa đổi pháp luật mới bảo đảm hiệu quả, khả thi", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Cho biết Ủy ban Kinh tế nhận được một số kiến nghị do các doanh nghiệp chuyển đến, ông Thanh phản ánh: Việc bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% khiến doanh nghiệp băn khoăn. Do khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí, dẫn đến giá thành sản phẩm xuất khẩu bị đội lên, doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm sức thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Bày tỏ quan tâm đến mặt hàng phân bón (không còn nằm trong nhóm đối tượng không phải chịu thuế GTGT), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn "việc này đã được nêu từ nhiệm kỳ trước, nay vẫn tiếp tục mà không có phân tích toàn diện".
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, cần làm rõ vì sao lúc đánh thuế phân bón 5%, rồi 0%, bây giờ tiếp tục lại áp mức 5%.
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, không nên giao quá nhiều nội dung cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định; đồng thời tính toán quy định điều khoản chuyển tiếp cho nhiều vụ việc còn đang trong quá trình xử lý ở thời điểm có hiệu lực của luật mới.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng thực tiễn có nhiều vi phạm về thuế GTGT chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế, ban soạn thảo cần rà soát, tránh bỏ sót.
Ông Cường cũng đề nghị bổ sung vào diện không chịu thuế những hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ cộng đồng, trợ giúp người yếu thế…
Về hoàn thuế, theo Tổng thư ký, dự thảo luật chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục hoàn thuế để đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Nếu giao cho Chính phủ quy định thì cũng phải nêu rõ trong luật những nguyên tắc cơ bản", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận