Thiết kế cao tốc với 3 cấp tốc độ
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc.
Theo nội dung dự thảo, theo tốc độ thiết kế đường cao tốc được phân làm 3 cấp, gồm: Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; Cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/h được nghiên cứu, thiết kế riêng.
Cấp thiết kế tối thiểu (cấp 80) chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn (như vùng núi, đồi cao) hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư.
"Trên một tuyến đường cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau (kể cả trường hợp có đoạn xét đến phân kỳ đầu tư), song, phải đảm bảo tính đồng nhất theo chiều dài từng đoạn.
Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h.
Đồng thời, phải thực hiện chuyển dần tốc độ và bố trí báo hiệu phù hợp. Các vị trí chuyển tốc độ phải được nghiên cứu đảm bảo phù hợp địa hình, dễ nhận biết và thuận tiện cho người lái xe", dự thảo nêu.
Dự thảo thông tư cũng đua ra quy định mặt đường (phần xe chạy) mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu là 2 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe tính toán.
Các cầu trên đường cao tốc phải bố trí đủ các yếu tố mặt cắt ngang như với đoạn đường liền kề, bề rộng cầu không được hẹp hơn bề rộng đường liền kề.
Riêng với công trình hầm, dự thảo thông tư quy định các hầm có chiều dài dưới 1.000m không phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp.
Hầm có chiều dài từ 1.000m trở lên phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài tối thiểu 30m cách nhau tối đa 500m, bề rộng làn dừng xe tùy thuộc theo từng cấp đường cao tốc.
Đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các nút giao khác mức
Dự thảo thông tư cũng đưa ra quy định đối với việc thiết kế khu vực giao nhau khác mức và các đường nhánh ra, vào đường cao tốc từ phía phải.
Cụ thể, phải thiết kế giao cắt khác mức (trực thông hoặc liên thông) tại các vị trí đường cao tốc giao với các loại đường khác (đường sắt, đường ống, các loại đường bộ cấp hạng khác nhau, đường dân sinh).
Tại vị trí giao cắt khác mức, phải đảm bảo giới hạn tĩnh không (có xét đến quy hoạch trong tương lai) của đường bên dưới.
Vị trí các nút giao khác mức liên thông và các chỗ cho đường nhánh trực tiếp ra, vào đường cao tốc phải được xác định ở giai đoạn thiết kế lập dự án toàn tuyến, không được tùy tiện thêm, bớt ở các giai đoạn thiết kế sau.
Khoảng cách tối thiểu giữa các chỗ giao khác mức liên thông và các chỗ ra, vào từ phía phải là 4km.
Cần xét đến giải pháp gộp các chỗ giao quá gần thành một, khoảng cách giữa các vị trí này trên đường cao tốc thông thường là 15 - 25km.
Ở gần các thành phố lớn, các khu trung tâm kinh tế và các khu công nghiệp quan trọng, khoảng cách này thông thường từ 5 - 10km.
Nếu bố trí khoảng cách giữa các chỗ ra, vào đường cao tốc từ phía phải cách nhau quá 30km, yêu cầu được đưa ra là phải bố trí các chỗ quay đầu xe qua đoạn ngắt quãng ở dải phân cách (có báo hiệu và có người quản lý để chỉ cho phép xe cá biệt đi nhầm đường hoặc xe cứu hộ, cứu nạn, xe duy tu sửa chữa đường quay đầu xe).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận