Sáng 17/2, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và đánh giá môi trường chiến lược. Việc sửa đổi được Chính phủ yêu cầu xong trước tháng 2/2025.
Hệ thống điện có dự phòng thấp
Một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết phải sửa đổi Quy hoạch điện VIII sau hơn một năm ban hành, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đã khác - cao hơn rất nhiều so với trước, trong khi nhiều nguồn điện lớn trong Quy hoạch điện VIII chậm tiến độ.
"Tăng trưởng kinh tế năm 2025 phấn đấu đạt trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số. Mức tăng này đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12-16%", ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long.
Hiện, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc đến hết năm 2024 (không tính nguồn điện mái nhà hiện hữu) khoảng 79 GW, ông Nguyễn Văn Dương, đại diện Viện Năng lượng, Bộ Công thương cho biết, chỉ mới đạt khoảng 53% tổng công suất đặt dự kiến đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII (khoảng 150 GW). Điều này khiến hệ thống điện có dự phòng thấp.
Cụ thể, nếu so với kế hoạch thực hiện QHĐ VIII (giai đoạn 2023-2025), việc xây dựng nhiệt điện than đạt 100%, điện gió trên bờ đạt 19%, thủy điện vừa và lớn đạt 42%, thủy điện nhỏ đạt 36%.
Tính chung việc xây dựng các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT), đến hết 2024 chỉ đạt từ 19-42% so với kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII giai đoạn đến 2025.
Trong khi, các nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2026-2030 như nhiệt điện LNG, nhiệt điện khí nội, nguồn điện linh hoạt, pin lưu trữ, thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi đều chậm tiến độ…
Do vậy, theo ông Dương, việc đảm bảo cấp điện cho hệ thống cho các năm 2026-2029 sẽ chủ yếu dựa vào các nguồn có khả năng xây dựng nhanh như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, pin tích năng và nguồn nhiệt điện linh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Dương, đại diện Viện Năng lượng.
Dự phòng khi không thể phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận
Bộ Công thương hiện đang xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII sửa đổi, lần này, có 3 điểm mới được giới chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm là: bổ sung tái phát triển điện hạt nhân; tăng mạnh nguồn điện mặt trời; lùi thời gian phát triển điện gió ngoài khơi sau giai đoạn 2030, thay vì đến 2030 như trước đây.
Với điện hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã được Thủ tướng giao EVN, PVN làm chủ đầu tư. Dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035, với quy mô đạt 6.000-6.400 MW.
Còn giai đoạn đến 2050, đại diện Viện Năng lượng cho biết, hệ thống cần bổ sung khoảng 4,5-5 GW điện hạt nhân tại miền Bắc và 0-3 GW tại miền Trung (chủ yếu là điện hạt nhân dạng modul quy mô nhỏ SMR) để cung cấp nguồn điện nền, có thể tăng thêm trong kịch bản phụ tải cao đặc biệt và một số kịch bản độ nhạy.
Song, để nguồn điện hạt nhân có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác và vào vận hành trong giai đoạn 2031-2035, đại diện Viện Năng lượng lưu ý, trên cơ sở tối ưu về chi phí, suất đầu tư điện hạt nhân cần xem xét giảm xuống mức khoảng 4.000 USD/kW.
Hiện, Việt Nam đã xác định được 8 vị trí tiềm năng phát triển điện hạt nhân, với công suất mỗi vị trí khoảng 4-6 GW.
Theo ông Dương, trong kịch bản độ nhạy khi tìm được vị trí xây dựng điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ, thì mô hình tính toán lựa chọn phát triển thêm công suất điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ giai đoạn đến 2045 với quy mô khoảng 900 MW và tăng lên 4.800 MW giai đoạn đến năm 2050.
Do đó, đại diện Viện Năng lượng đề xuất, xem xét vị trí Hà Tĩnh hoặc vị trí mới tại Bắc Bộ (là vị trí được mô hình tính toán tối ưu lựa chọn) làm địa điểm dự phòng cho trường hợp không thể phát triển nguồn điện hạt nhân tại vị trí Ninh Thuận. Điều này nhằm cung cấp nguồn điện nền tại chỗ cho trung tâm phụ tải miền Bắc, góp phần giảm nhu cầu truyền tải liên vùng miền.
Viện này cũng đề xuất, sớm lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân theo Luật Quy hoạch và Luật Năng lượng Nguyên tử để chuẩn xác quy mô, xác định công nghệ, địa điểm, thời điểm, đặc biệt với công nghệ lò dạng modul quy mô nhỏ SMR.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận