Làm báo cùng Giao thông

Đêm lá hát

22/02/2015, 16:15

Mã A Sìn chỉ học hết lớp 9, nhưng thổi khèn thì cả một vùng rộng lớn không ai là không biết.

401
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn bên bếp lửa

Mã A Sìn chỉ học hết lớp 9, nhưng thổi khèn thì cả một vùng rộng lớn, cách mấy con suối, cách mấy ngọn đồi, không ai là không biết.

Năm ấy có dân công các nơi về giúp mở đường lên Sìn Hồ, Mã A Sìn cũng có mặt, cũng là dân công mở đường như ai. Chẳng lương bổng gì cả. Cấp trên phát cho cây choòng, cây cuốc và mỗi ngày một ký gạo. Vậy là tốt lắm rồi. Cơm gạo trắng phải ngon hơn ngô chứ. Nhưng tại sao lại không nửa gạo nếp nửa ngô nhỉ. A Sìn ăn xôi từ nhỏ. Lớn lên ăn xôi càng khỏe. Ăn khỏe hơn cả trong ca dao ấy chứ:

Nhớ em anh ăn không ngon
Vài ba nắm nếp to bằng bí ngô

Câu ca ấy Mã A Sìn học được từ anh Cầm Hưng, Cầm Hưng là đại tá quân đội, từng xuôi ngược chiến trường Nam tiến đến tận rừng đất đen, sông nước đen ở Cà Mau. Đại tá chắc phải nắm cả sư đoàn. Nếu có một sư đoàn thì chắc con đường sẽ mở nhanh hơn. Bộ đội có thuốc nổ, nổ một tiếng là đá băng, đất đổ. Tha hồ mở đường vượt qua mấy chục cái cổng trời không được.

Buổi chiều, khi đã ăn cơm trong lán với dân công, A Sìn lững thững xách khèn ra suối Nậm Nu ngồi thổi.

Dòng suối chỉ có một lạch nước nhỏ, nhưng rất rộng. Dọc hai bên lạch nước là những bãi đá cuội đủ màu, đủ kiểu. Nước suối chảy mạnh, xô đẩy những hòn cuội va vào nhau, phát ra những tiếng lanh canh. Trời chiều lặng gió. Tiếng khèn cất lên khàn khàn, đùng đục. Âm điệu vẳng lên nghe buồn buồn như gió bấc thổi dài sườn sượt trên sườn non. A Sìn cũng chẳng biết vì sao mình lại thổi lên những âm điệu buồn như thế. Có gì phải buồn đâu. Tổ của A Sìn phá được nhiều đá nhất, san được nhiều đất nhất. Nhưng xưa nay vẫn vậy, cứ sập buông lãng đãng chiều tà, tiếng khèn của A Sìn bao giờ cất lên cũng đườm đượm buồn một cách vô cớ. Có một dòng chảy nào đó của tuổi đương thì làm thành mạch ngầm trong cảm thức của A Sìn. Mạch ngầm ấy trào qua hơi thở, trào qua những ngón tay, cất lên thành âm hưởng của những mùa đang gọi:

Mặt trời lên, mặt trời chiếu rọi mặt trăng
Mặt trăng lên, ánh trăng soi lối
Cuộc tình duyên đôi ta đêm nay say đắm
Mai anh đi đường anh
Hãy trao những gì cho em
Để lòng em theo anh suốt cuộc đời.

402
 

Có tiếng ai cất lên bên kia con suối. Mã A Sìn không nhìn lên cũng biết người ấy còn rất trẻ. Chỉ có tuổi trẻ mới hát say sưa và mê đắm làm vậy. Tiếng khèn đang từ khàn đục, trầm buồn, chuyển sang da diết, thiết tha. Giọng hát cũng theo đó mà vút lên rạo rực. Nắng đã nhạt lắm. Đã chuyển sang đỏ lịm. Rồi tím sẫm. Rừng bắt đầu chờm chợp vào đêm. Gió núi lay mình thức giấc. Tiếng suối chảy nghe trong văn vắt. Người bên kia suối không hát nữa mà bắt đầu thổi đàn môi. Tiếng đàn môi thanh mảnh, rung rung như thổn thức.

A Sìn đặt khèn xuống, cất tiếng hát bổi hổi:

Mặt trăng lên, ánh trăng soi ngả
Cuộc tình duyên đôi ta đêm nay xoắn xuýt
Mai anh đi lối anh, anh trao cho em tất cả
Để hồn em luôn ở cùng hồn anh

Bóng tối đã trùm xuống từ lúc nào. Rừng đen sậm. Dòng suối cũng đen sậm. Chỉ nghe tiếng chim họa gọi khắc khoải ở đâu đó. Mã A Sìn biết rằng, từ nay anh sẽ khó xa được dòng suối này.

Chiều hôm sau. Và những chiều sau đó nữa, Mã A Sìn thường đem khèn ra suối. Cô gái lạ ngồi ở bên kia. Họ hát như chỉ để mà hát. Nhưng không hẳn thế. Trái tim của chàng trai họ Mã đã bắt đầu run rẩy. Rừng trở nên huyền bí hơn. Dòng suối trở nên u ẩn hơn. Thế giới rộng lớn đến vô tận vô cùng. Cuối buổi hát, ngước nhìn lên, chỉ thấy một vạt sao trời cao vòi vọi, lóng lánh đến kỳ lạ. Đó là những hạt kim cương khảm vào da trời ngọt lịm.

403
 

Hai:

Đã có toán dân công khác đến thay thế. Chiều nay là buổi chiều cuối cùng ở công trường. Nếu có trở lại cũng phải một năm nữa, một mùa hoa mơ, hoa mận nữa.

Mã A Sìn bận bộ đồ được giặt sạch sẽ và đã được phơi nắng suốt cả một ngày.

Anh giắt con dao găm ngang bên hông bằng một sợi dây rừng. Lưỡi dao bằng thép do Mã A Sìn tự rèn lấy. Cán dao bằng sừng trâu do Mã A Sìn tự chuốt lấy. Vỏ dao bằng gỗ lim cũng do Mã A Sìn tự làm lấy. Thêm một chai rượu, một chai măng chua ngâm chung với ớt.

Vẫn trên mỏm đá ấy, bên bờ suối ấy, nhưng hôm nay A Sìn đến sớm hơn. Mặt trời phía bên kia cánh rừng hắt những sợi nắng dìu dịu sang. Phía bên kia sẫm hơn, nhưng đã thấy cô gái ngồi trên mỏm đá quen thuộc của mình từ lúc nào. Bộ váy xòe của cô hình như mới hơn và đẹp hơn. Một vạt nắng hắt xuống người cô đỏ thắm.

Mã A Sìn nâng khèn dạo một khúc Sli. Khúc Sli bay vút lên. Nắng chập chờn, chập chờn. Dòng suối róc rách, róc rách. Cây rừng như nghiêng hết lá cành xuống con suối.

Tiếng khèn của Mã A Sìn vừa dứt, tiếng đàn môi của cô gái đã cất lên. Xao xuyến tới nao lòng.

A Sìn cất tiếng hát theo lời đàn môi day dứt:

Chim mi ăn quả ho rừng
Mỏ chim nhuộm màu đỏ thắm
Ta càng thổ lộ tâm tình
Tim gan ta càng tan nát
Ta nói đây, nếu mình không ăn lời ta
Rồi mai mình đi lấy chồng
Mình sẽ gặp dòng sông nước mắt.

Tiếng đàn môi từ bên kia con suối rung lên thổn thức. Mặt trời đã chìm khuất sau những rặng núi đá nhấp nhô xa vời. Rừng sẫm màu huyền bí. E ấp vầng trăng non nhú lên phía cung đường đang mở. Cung đường đang mở về phía Sìn Hồ. Nhưng phải còn lâu lắm mới xong được. Bản H’mông của Mã A Sìn ở đó. Chon von mấy mái nhà chìm trong sương chiều, sương sớm. Con đường chưa mở xong, đường về bản vẫn còn xa hun hút. Nhớ nhau chỉ biết leo lên mỏm núi đá mà thổi khèn, thổi sáo, mà gởi lời cho gió đưa đi:

Chim gua mổ quả dứa dại
Mỏ chim nhuốm màu xanh tươi
Ta càng thổ lộ tâm can
Nỗi lòng ta càng tơi bời
Ta nói đây, nếu mình không tỏ lời ta
Rồi mai mình đi lấy chồng
Mình sẽ bơi trong vực cuộc đời.

Một ngọn gió giật mình thức giấc. Nhiều ngọn gió giật mình thức giấc. Cả cánh rừng bắt đầu xào xạc chuyển mình. Vi vút. Vi vút tiếng vọng của muôn muôn mùa trăng oà ập dội về. Gió đưa tiếng hát của cô gái ngân lên, tan loãng vào ánh trăng dìu dịu:

Buổi chợ vừa tan
Anh bước đi trong men say chuyếnh choáng
Mùi thơm thắng cố còn vương trên đường
Chợt tiếng sáo blei vọng ngân nga
Và gió đưa một chút hương hoa
Thoang thoảng thầm kín
Từ nơi đâu tiếng lòng gọi anh hãy đến tìm em hãy đến với em.

Mảnh trăng cong như lá diều bằng thép xanh biếc, tưởng chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào là có thể ngân rung lên thành giai điệu. Vòm trời căng vồng lên sức thanh xuân của rừng, của núi. Tiếng khèn đã tắt. Tiếng đàn môi cũng đã tắt. Gió cũng không thổi nữa. Dòng suối cũng như lắng lại. Cô gái đã đến với Mã A Sìn tự lúc nào. Họ ngồi với nhau trên mỏm đá. Người ở đầu này, người ở đầu kia. Lặng lẽ, nhỏ nhoi như hai dấu chấm giữa núi rừng thanh vắng.

Họ uống với nhau như đã có hẹn từ mấy mùa hoa ban về trước. Rượu ngô do mẹ của Mã A Sìn cất lấy. Men rượu càng uống càng nồng nàn, nồng nàn. Chỉ có một chai nhưng cũng đủ để thức trắng tới hừng đông. Chỉ có một chai thôi nhưng cũng đủ để bày tỏ cùng nhau nỗi niềm ấp ủ.

Cô gái là Vương Khương Linh, là giáo viên cấp 1 ở một bản Lô Lô nằm dọc theo con đường đang mở. Vương Khương Linh biết Mã A Sìn từ giữa năm học cuối tại Trường Sư phạm Lào Cai, khi cô cùng đội văn nghệ nhà trường tham dự cuộc thi nghệ thuật quần chúng. Hai người quen nhau được ba ngày thì chia tay. Thời gian mỏi cánh chim rừng. Thời gian mài mòn đá núi. Thời gian dệt nên bao vuông thổ cẩm. Khi Mã A Sìn xuất hiện ở công trường, dù không nói nên lời, nhưng cây khèn và lá đàn môi đã hẹn hò với nhau bên bờ suối. Lời khèn thổn thức, lời đàn thiết tha, đã gắn họ với nhau suốt một đêm trăng bên bờ suối. Tình yêu bùng cháy đỏ như hoa thằng đăng. Tình yêu bật chồi như những mụt măng lớn nhanh vùn vụt.

404
 

Ba:

Mã A Sìn về công tác ở Sở Giao thông gần nửa năm thì cưới Vương Khương Linh. Cưới hôm trước, hôm sau A Sìn đã mượn một con ngựa để đưa vợ về thăm quê. Là bởi con đường về Sìn Hồ vẫn chưa xong, do con đường là quyết tâm của tỉnh tự làm lấy bằng sức người, tự chứng minh bằng tình người của đồng bào các dân tộc anh em.

Chỉ hơn một trăm cây số, nhưng núi cao, đá sắc, vực khe thăm thẳm, họ phải đi suốt hai ngày một đêm. Đói thì dừng lại ăn cơm lam với muối vừng, ruốc thịt. Khát thì xuống suối, dùng tay vốc nước lên mà uống. Rừng núi thênh thang, ở đâu cũng là thiên đường của đôi lứa. Lúc khỏe thì hai người sóng bước bên nhau. Lúc thấm mệt thì Mã A Sìn đặt Vương Khương Linh lên lưng ngựa, cầm cương dẫn ngựa vượt núi, qua khe. Mệt quá thì buộc ngựa gốc cây, dừng lại kể cho nhau nghe về cổ tích của rừng, của núi, bàn với nhau về chuyện tương lai đôi lứa. Họ cứ thế mà sóng bước bên nhau, đi thẳng lên miền cao nguyên của đá.

Đêm nửa đường, hai người dừng lại trên đỉnh cổng trời, dưới gốc một cây pơ mu đại thụ, bên một cánh rừng sa mu vun vút như kiếm tủa.

Trăng tròn như bánh xe luân hồi treo lơ lửng. Cây pơ mu vươn cao lừng lững trên nền trời lộng gió. Đêm chuyển từ mát lạnh sang rét ngọt. Trời trong văn vắt như được làm bằng pha lê.

Con ngựa leo núi cả ngày thấm mệt, dim mắt đứng ngủ ngay dưới gốc cây. Mã A Sìn và Vương Khương Linh ngồi thức trò chuyện với nhau dưới vòm lá cây pơ mu đại thụ. Họ nói với nhau về con đường sẽ mở vòng theo sườn núi. Nói với nhau về những cây cầu sẽ bắc vồng qua khe, qua suối. Họ nói với nhau về ngôi nhà sàn sẽ dựng ở đâu đó cho cả cuộc đời.

Lá hát xạc xào trên đầu họ. Gió đưa lời họ bay dào dạt theo những triền núi, lan toả vào màn đêm ren rét dịu ngọt. Mà đêm thì mỗi lúc mỗi trong hơn, mỗi lạnh hơn. Hơi lạnh phả từ trời cao xuống. Hơi lạnh phả từ vách đá ra. Họ phải dựa vào nhau đế sưởi ấm cho nhau. Càng khuya càng rét thon thót, như xui khiến hai người phải cuộn lấy nhau mà sưởi ấm cho nhau.

Lạnh quá. Lời nói không muốn thốt ra nữa. Chỉ có vòng tay mới nói được lời ấm nóng. Hai người trẻ tuổi tìm đến một tảng đá, ngồi dựa lưng vào đó. Theo thói quen, Mã A Sìn áp vành tai vào vách đá. Lạ quá! Dường như có tiếng chân ngựa nặng nhọc đang leo gần đến đỉnh núi. Ai lên cổng trời vào giờ này nhỉ?

- Khương Linh này, có người lên núi đấy!

Đúng là có người lên núi thật.

Một người Giáy dẫn đường. Bốn người Kinh và hai con ngựa thồ. Đó là đoàn cán bộ khảo sát mở tuyến cho những cung đường mới. Do thồ nặng nên mãi chín giờ tối họ mới lên đến đỉnh dốc cổng trời. Gặp được vợ chồng Mã A Sìn họ mừng lắm.

Anh cán bộ lớn tuổi, vừa nắm tay Mã A Sìn lắc lắc, vừa nói:

- Mã A Sin cũng làm cán bộ giao thông à? Vậy thì tốt quá! Phải liên hoan trên đỉnh cổng trời thôi!

Bữa liên hoan chỉ có hai bi đông rượu ngô với mấy trái ngô nướng, nhưng vẫn cứ kéo dài ra mãi. Dài ra mãi. Bởi vì anh cán bộ lớn tuổi người Kinh biết thổi sáo, biết hát Sli, hát lượn. Ba anh cán bộ người Kinh khác cũng biết hát bài hát của người Thái, người Dao, người Tày, người Cao Lan, người Thanh Y, người Sán Dìu... Vương Khương Linh hát bài “Con trâu sắt”, bài “Trước ngày hội bắn”. Mã A Sìn hát bài “Suối Mường Hum chảy mãi”, “Tình ca Tây Bắc”. Người Giáy dẫn đường cũng hát. Những chiếc lá trên vòm cây pơ mu cũng rung lên xạc xào giai điệu của cao nguyên núi đá. Vầng trăng như nghiêng xuống lắng nghe mê mẩn. Những vì sao rung lên nhấp nháy như nhảy múa.

Khi giọt rượu cuối cùng đã hết, người cán bộ lớn tuổi nắm tay A Sìn, nói:

- Ta kết nghĩa anh em, nguyện suốt đời mở đường cho Tây Bắc nhé!

A Sìn ôm chặt hai vai anh cán bộ gật đầu.

Một ngọn gió lớn ùa tới. Vòm lá pơ mu rung lên xào xạc.

405
 

Bốn:

Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi. Lâu tới mức những con đường Tây Bắc đã mấy lần được sửa đi sửa lại. Lâu tới mức những cây cầu sắt cũng mấy lần phải sửa đi, sửa lại, và cuối cùng được thay bằng cầu bê tông. Lâu tới mức, các con của Mã A Sìn và Vương Khương Linh đã lớn lên, đã thành cán bộ tiếp tục đi mở đường cho Tây Bắc. Lâu tới mức, anh cán bộ người Kinh đã nghỉ hưu, đã thành già làng, đã thành người kể huyền thoại về những cung đường băng rừng, vượt núi.

Nhưng với Mã A Sìn thì nó như chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua. Bởi vì nếu không có đêm lá hát trên cổng trời đó, chắc gì Mã A Sìn đã gắn bó cả đời với những con đường Tây Bắc. Bởi vì khi hai vợ chồng trở lại Lào Cai, cán bộ cấp trên gửi giấy xuống, điều động Mã A Sìn về đoàn văn công của tỉnh, cả Vương Khương Linh nữa, nhưng họ đều từ chối. Dù yêu tiếng khèn, tiếng sáo đến đâu, Mã A Sìn cũng không thể buông bỏ lời thề với người cán bộ đã kết làm anh em ngay trên đỉnh dốc cổng trời.

Với Mã A Sìn, đó là lời hứa đêm lá hát.

Mà lời hứa... đó là sự thủy chung của cả đời người.

Ghi chú: Tất cả thơ được dẫn đều rút từ cuốn “Tần ngần trước văn chương” của nhà thơ Mã A Lềnh - Sa Pa.

(Tặng nhà thơ Pờ Sảo Mìn - anh Tạ Đình Bảng - anh Ngô Đức Vũ)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.