Trao đổi với Báo Giao thông từ hiện trường, ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, các đơn vị đường sắt đang tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện, nỗ lực sửa chữa các vị trí bị hư hỏng nặng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, phải cấm đường không thể chạy tàu.
Các đơn vị đường sắt tập trung cứu chữa nền đường bị trôi tại cầu Mai Tùng tuyến Hà Nội - Đồng Đăng
Ông Khánh cho biết, do mưa lớn kéo dài từ đêm mùng 9 và ngày 10/5 đã gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường sắt tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương, nhiều điểm hư hỏng nặng, phải phong tỏa cấm đường không cho tàu qua.
Điển hình, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, sạt lở đất, đá lấp rãnh thoát nước và tràn vào đường sắt tại các vị trí: Km104+900, Km122+600, Km125+625, Km127+037, Km130+910, Km 133+410 nằm trên các khu gian Sông Hóa - Chi Lăng, Đồng Mỏ - Bắc Thủy và Bắc Thủy - Bản Thí.
Đoạn từ Km138+150 - Km139+000 thuộc khu gian Bản Thí - Yên Trạch, nước dâng cao ngập đỉnh ray 950mm, đất đá tràn vào lòng đường, phải cấm tàu lúc 6h04 ngày 10/5/2022. Nhiều điểm nước dâng cao ngập đỉnh ray, phải cấm tàu, trong đó đoạn từ Km142+500 - Km142+900 nằm trên khu gian Bản Thí - Yên Trạch nước dâng cao ngập đỉnh ray đến 500 mm.
Đặc biệt, tại cầu Mai Tùng Km117+957 nằm trên khu gian Đồng Mỏ - Bắc Thủy, phần nền đường sau mố phía Bắc bị trôi dài 11,5m, chiều cao từ mặt ray xuống đáy dòng chảy là 7,0 m, ray và tà vẹt liên kết bị treo lơ lửng.
Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố và mức độ hư hỏng, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các đơn vị đường sắt trên địa bàn cử cán bộ kiểm tra thực tế, xây dựng phương án cứu chữa khắc phục hậu quả thiệt hại, tập trung nhân lực, vật tư, vật liệu để tổ chức cứu chữa.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, chốt gác 24/24h, tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, kịp thời báo cáo những vị trí ngập lụt, sạt lở do ảnh hưởng của thời tiết gây ra.
Mố cầu Mai Tùng bị trôi nền đường kéo dài, ray, tà vẹt bị "treo" lơ lửng do mưa lớn, nước chảy xiết
Đến nay, hơn 30 vị trí bị ảnh hưởng trong khu vực đều đã được khắc phục. Duy có điểm nặng nhất tại cầu Mai Tùng Km 117+957 khu gian Đồng Mỏ - Bắc Thủy tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng vẫn phải phong tỏa cấm đường, các đơn vị đường sắt đang tập trung, nỗ lực sửa chữa.
“Để tiếp cận được điểm này chỉ có duy nhất đường độc đạo là đường sắt nên việc sửa chữa khó khăn, mất thời gian. Việc chở vật tư, vật liệu đến vị trí này buộc phải bằng phương tiện đường sắt và cũng chỉ tiếp cận được một đầu cầu. Trong khi trời vẫn đang mưa to.
Mặc dù vậy, tại đây cũng đã huy động gần 600 CBCNV, chia 3 ca làm liên tục luân phiên để thi công khắc phục thông đường nhanh nhất. Nếu thời tiết thuận lợi hơn, chúng tôi phấn đấu đến hết đêm nay, 12/5/2022 sẽ khắc phục xong, thông đường”, ông Khánh nói.
Về vận tải, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Đồng Đăng, Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, ngày 11/5, ga vẫn phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, xuất khẩu 70 toa và nhập khẩu 70 toa hàng hóa. Số toa xuất khẩu là số lưu lại ga trước khi mưa lũ, còn số toa đã nhập khẩu vẫn phải lưu lại ga chờ khắc phục xong sự cố đường sắt mới có thể về tuyến dưới.
“Các đơn vị vận tải đường sắt đã thông báo đến các thương nhân, doanh nghiệp, đơn vị về sự cố do mưa lũ để chủ động trong giao thương hàng hóa. Nhà ga cũng đã tổ chức chạy 6 đoàn tàu gửi hàng nhập về các ga Lạng Sơn, Yên Trạch, chờ thông đường kéo tiếp về các ga trên tuyến”, ông Khái cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận