Giữa Sài Gòn, trong những thời điểm gian khó nhất, những việc làm của họ khiến nhiều người cảm phục, trân quý.
Một trong hai tàu cao tốc thuộc sở hữu của Công ty Greenlines DP chở rau, củ quả từ Tiền Giang về cung cấp cho người dân TP.HCM ngày 19/7/2021
Một miếng khi đói…
Đêm khuya cuối tháng 7, chúng tôi nhận được thông tin từ Facebook: “Em tên Trần Nhật Lệ, là sinh viên quê Quảng Ngãi đang học tại TP.HCM. Hiện, nhà trọ em đang trong khu vực phong tỏa, rất khó tiếp cận nguồn lương thực”. Cuối tin có kèm số điện thoại và địa chỉ nhà trọ…
Sau khi xác minh, chúng tôi đã chuyển thông tin này đến anh Võ Văn Môn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Tư vấn đầu tư Kiến Phát, quận 12. Anh Môn được rất nhiều người biết đến với hoạt động thiện nguyện mà anh đã làm, sẵn lòng đến bất cứ đâu, giúp đỡ bất cứ ai đang cần.
Khoảng 13h ngày 1/8, chiếc xe du lịch 7 chỗ đỗ trước chốt phong tỏa tại đường số 2, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) - nơi Lệ cùng 18 người nữa ở trọ.
Anh Môn và người đồng hành mặc đồ bảo hộ phòng, chống dịch bước xuống xe rồi vội vã mở cốp sau, xách 18 túi nhu yếu phẩm gồm: Gạo, thịt, rau, mắm… đặt ngay tại chốt.
Sau đó, anh Môn điện thoại cho Lệ ra nhận đồ, dặn dò giữ gìn sức khỏe rồi vội lên xe, đi tiếp xuống đường Long Thuận (phường Long Phước, TP Thủ Đức). Ở đó, 40 hộ dân cũng đang mắc kẹt trong tình trạng thiếu thốn như khu trọ của Lệ.
Tới chốt phong tỏa trên đường Long Thuận, anh Môn xuống xe và tự tay ôm từng bao gạo, bó rau, hũ thịt xếp xuống lề đường cho bà con nhận và chở về. Chị Nguyễn Hạnh, một người dân đến nhận quà nói: “Mừng quá, không chỉ có gạo nấu cơm mà còn có cả rau, mắm, thịt nữa! 5 ký gạo giúp nhà tôi ăn cả tuần”.
Anh Võ Văn Môn tự tay ôm những bao gạo 50kg để trao tặng cho người dân tại phường Long Phước (TP Thủ Đức). Ảnh: Quang Phương
Trong suốt nhiều tháng đợt cao điểm của dịch Covid-19 tại TP.HCM, anh Môn cùng 3 nhân viên của mình tận dụng 2 xe bán tải và xe 7 chỗ chở thực phẩm, hàng ngày miệt mài chuyển đến khu phong tỏa hỗ trợ người dân.
“Ngày đi trao quà, đêm về lại nhận được những tin nhắn của người dân ở khắp nơi thông báo họ đang bị phong tỏa vì dịch, không đi chợ được nên trằn trọc mãi. Cuối cùng, tôi trao đổi với người em sống tại Quảng Ngãi, nhờ anh em ngoài đó làm thịt heo rồi luộc chín ngâm mắm; làm cá ngừ chiên, nướng ngâm nước mắm… rồi gửi vào TP.HCM. Trong này, tôi mua gạo, rau, mì gói… rồi phân thành từng phần, hàng ngày chở đến cho người dân có nhu cầu”, anh Môn kể.
Biết được việc làm ý nghĩa của anh, bạn bè, đồng nghiệp cũng xắn tay vào hỗ trợ thêm gạo, mì gói… Hàng ngày, anh cùng các tình nguyện viên đi trao quà, tối về lên danh sách người nhận, tổng hợp các địa điểm gần nhau… để ngày mai đi trao tiếp. Ban đầu, anh chỉ dự tính trao 1.000 phần quà nhưng đến tháng 10 con số đã lên đến hơn 6.000 phần với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Trách nhiệm với cộng đồng
Một thành viên “Biệt đội F0” trên đường chở bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu
Anh Môn là một trong hàng nghìn người đã không tiếc tiền của, công sức để san sẻ với người dân đang sống tại TP.HCM trong những thời điểm họ khó khăn nhất.
Không chỉ góp sức, chia sẻ tiền bạc, đồ ăn, nhiều người còn đóng góp theo những cách khác cho công cuộc chống dịch.
Một trong số đó là anh Đinh Quốc Huy (36 tuổi), chủ khách sạn Ambassador, quận 1, TP.HCM. Trong những ngày dịch hoành hành, anh đã nhường toàn bộ khách sạn làm chỗ ở miễn phí cho các y, bác sĩ, công an tham gia công tác phòng, chống dịch. Anh Huy cùng nhân viên còn làm đồ ăn miễn phí cho người có nhu cầu với tên gọi “khách sạn cộng đồng”.
“Là người kinh doanh, ai không mong lợi nhuận. Nhưng thời điểm đó tôi cũng là một công dân của thành phố, nếu thành phố không trụ được tôi cũng không thể làm được gì hơn. Khách sạn để trống là một sự lãng phí, vậy nên tôi nghĩ mình phải làm gì đó để cùng nhau vượt qua khó khăn”, anh Huy chia sẻ.
Cùng suy nghĩ như anh Huy, chủ khách sạn Bảo Long (quận Gò Vấp) cũng đã nhường toàn bộ 30 phòng cho đoàn bác sĩ bệnh viện Thái Nguyên ở, khi đoàn vào TP.HCM chống dịch hồi tháng 7/2021.
Anh Vũ Đức Nhuận, quản lý khách sạn Bảo Long cho hay, để phục vụ những vị khách đặc biệt này, mỗi ngày khách sạn phải chi trả chi phí điện, nước và lương nhân viên 3 triệu đồng.
“Có tốn kém, nhưng tinh thần là cùng chung tay chống dịch”, anh Nhuận nói.
Chị Thu Hà, một thành viên của đoàn chia sẻ, cả đoàn ai cũng bất ngờ khi được bố trí chỗ ăn ở tại khách sạn Bảo Long: “Ai cũng vui vẻ nhiệt tình, cứ thiếu gì là các em nhân viên hỗ trợ. Chúng tôi đi chống dịch về tới khách sạn là luôn có nước nóng, sữa, mỳ gói, trái cây để sẵn trong phòng. Hơn hai tháng ở đây, với tôi rất nhiều kỷ niệm”.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp vận tải, họ cũng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với thành phố theo những cách riêng.
Khi vào giai đoạn căng thẳng nhất, hệ thống y tế quá tải, xe cứu thương không đủ để chở người bệnh, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đã cho hoán cải 200 xe taxi thành xe cứu thương và lập “Biệt đội F0” chuyên chở những F0 từ nhà tới bệnh viện.
Từ khi chiến dịch bắt đầu đến khi kết thúc, “Biệt đội F0” của Mai Linh đã vận chuyển, cứu giúp được 15.000 ca bệnh tại TP.HCM. Tổng chi phí để duy trì chiến dịch hết 10 tỷ đồng.
“Trong chiến tranh có lính cảm tử quân thì trong thời dịch có “Biệt đội F0”. Họ là những tài xế nhưng như chẳng khác nào người lính cảm tử, sẵn sàng ôm bình oxy chạy nhanh nhất đến nhà để tiếp hơi thở cho bệnh nhân. Thậm chí, cõng những bệnh nhân F0 từ trên lầu ra xe đưa đi cấp cứu nhanh nhất mà không sợ lây bệnh. Họ biết nguy hiểm nhưng sẵn sàng xông pha, chính tôi phải cảm phục họ”, ông Huy nói.
Hai năm qua, mỗi lần dịch bùng phát là tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu của Công ty Greenlines DP phải ngưng hoạt động. Trong năm 2021, tàu phải ngưng 6 tháng, khó khăn mọi bề. Thế nhưng suốt hai năm qua, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Greenlines DP đã đưa cả chục máy phát điện đi cho các bệnh viện dã chiến thuê với giá... 0 đồng.
Giữa năm 2021, khi cả thành phố thiếu rau xanh do tắc vận chuyển từ miền Tây, ông Hải cho nhân viên tháo toàn bộ ghế của 5 tàu cao tốc triệu đô, “mở luồng xanh đường thủy” để vận chuyển miễn phí rau củ từ miền Tây về cung cấp cho người dân. Mỗi chuyến tàu chở 20 tấn hàng, bằng 30 - 40 chuyến xe tải nhỏ.
“Doanh nghiệp phát triển là nhờ người dân, vì vậy doanh nghiệp không thể đứng yên khi người dân, thành phố gặp khó khăn”, ông Hải chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận