Theo đó, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các bên về kiến thức, kỹ năng “thực chiến”, áp dụng kỹ thuật - khoa học công nghệ và năng lực, nguồn lực, đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật, Đèo Cả và Trường đại học Đông Á bên trao đổi phối hợp đào tạo, thực tập nghề nghiệp và vị trí việc làm cho sinh viên ở các ngành Xây dựng, Điện tử - Tự động hoá, Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo… của khối Kỹ thuật và các ngành thuộc khối Kinh tế từ năm 2024.
Dự kiến trong tháng 4/2024, Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả - trực thuộc Trường đại học Đông Á được Tập đoàn Đèo Cả và Trường Đại học Đông Á thống nhất thành lâp, ra mắt.
Qua đó, Tập đoàn Đèo Cả sẽ giới thiệu cán bộ là lãnh đạo chủ chốt tham gia vào Hội đồng sáng lập và Ban điều hành của Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả. Viện sẽ kết hợp nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức thực hiện các công trình giao thông của Tập đoàn Đèo Cả và thế mạnh đào tạo của Trường đại học Đông Á. Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả này sẽ tiếp nhận, đào tạo kiến thức, kỹ năng “thực chiến”, áp dụng kỹ thuật - khoa học công nghệ mới về lĩnh vực giao thông vận tải cho học viên.
Đối tượng đào tạo ưu tiên sinh viên, học viên Trường đại học Đông Á, nhân sự Tập đoàn Đèo Cả và đối tác. Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả sẽ triển khai tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn từ cấp độ đại học như kỹ sư thực hành (kỹ sư đường bộ, đường sắt - metro…) đến cấp cao học, nghiên cứu sinh.
Theo thỏa thuận hợp tác trên, hai bên cũng thống nhất thành lập phân hiệu Trường đại học Đông Á tại tỉnh Bình Dương với quy mô đáp ứng nhu cầu đào tạo kỹ sư ứng dụng thực hành cho Tập đoàn Đèo Cả, các đối tác của Tập đoàn Đèo Cả và cho ngành giao thông vận tải trong nước.
Các chương trình đào tạo được Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Trường đại học Đông Á xây dựng trên cơ sở kiến thức hàn lâm đan xen thực tiễn công việc, để tri thức mới tiếp cận được vận dụng giải quyết những công việc tại Tập đoàn và phục vụ nhu cầu phát triển thực tế của ngành giao thông nước nhà.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho hay: Cùng với sự phát triển của tập đoàn, Đèo Cả chú trọng đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực thi công, quản lý, vận hành, khai thác các công trình giao thông.
Việc hợp tác lần này nằm trong chiến lược phát triển chất lượng đội ngũ ngành GTVT nói riêng và các chương trình đào tạo nhân lực nói chung. Hợp tác hai bên mang lại những hiệu quả thiết thực, trên nền tảng kinh nghiệm “thực chiến” của Tập đoàn Đèo Cả để đào tạo thực hành chuyên sâu.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định Đèo Cả đặt yêu cầu cao về chất lượng hợp tác đào tạo. Kết quả cần phải cung ứng được nguồn lao động tri thức, mà cụ thể là đội ngũ công nhân lành nghề hơn, đội ngũ kỹ sư thực chiến hơn, đội ngũ làm quản lý điều hành chuyên nghiệp hơn, đáp ứng để Tập đoàn tự chủ nguồn nhân lực, giảm thiểu rủi ro trong “vay mượn” nhân lực…
“Từ lâu, Đèo Cả đào tạo ngay trên công trường, đây là môi trường thực tiễn sinh động và hiệu quả nhất. Đến nay, Đèo Cả hầu như phổ cập trình độ Thạc sĩ trở lên, đội ngũ nhân lực của tập đoàn có đặc trưng riêng về kỹ năng và thực chiến”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch HĐQT Trường đại học Đông Á cho hay: Trường ấn tượng trước một Tập đoàn Đèo Cả với đội ngũ cán bộ, nhân sư đông đảo, chuyên nghiệp, có văn hóa, bản sắc, chiến lược cụ thể. Hai bên gặp nhau bởi sự tương đồng về tầm nhìn, sứ mệnh, như khẩu hiệu “đi là phải đến”, “kiên định, bền vững”…
Mong muốn của Trường đại học Đông Á là sinh viên có cơ sở thực tập, ứng dụng thực tiễn và được tuyển dụng sau đào tạo.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, gần 40 năm năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả có 20 đơn vị thành viên với gần 8.000 lao động, trở thành đơn vị hàng đầu về giao thông với mục tiêu vươn tầm quốc tế.
Đến nay, Đèo Cả đã hoàn thành hơn 25km hầm đường bộ, hơn 300km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cây cầu lớn với tổng mức đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng và quản lý 15 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.
Không chỉ đường bộ, cao tốc, Đèo Cả chính thức góp mặt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hàng không và đường sắt bằng việc thi công 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, thi công 2 hầm đường sắt Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, là nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất - kích hoạt triển khai tuyến đường sắt Vũng Áng (Việt) - Viêng Chăn (Lào).
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân lực được Đèo Cả chú trọng thời gian qua với việc thành lập Trung tâm Huấn luyện Thực hành Đèo Cả, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả từ năm 2023.
Mới đây, tháng 1/2024, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro, đón đầu nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt - metro.
Đặc biệt, tập đoàn này hướng tới thành lập Trường đại học Đèo Cả sau các quá trình đẩy mạnh hợp tác với nhiều trường đại học trong và ngoài nước.
Ban giám hiệu Trường đại học Đông Á cho hay, trường đào tạo hàng ngàn sinh viên mỗi năm, có 4 cơ sở đào tạo, gần chục cơ sở, xưởng thực hành, 53 phòng thí nghiệm thực hành chuyên môn… Đồng thời, liên kết hợp tác với hơn 30 trường ĐH, viện nghiên cứu tại các nước: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…
Đáng kể, Trường đại học Đông Á là đối tác chiến lược tiếp theo trong mạng lưới hơn 500 doanh nghiệp trong nước và quốc tế hợp tác đào tạo và việc làm cho sinh viên các ngành của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận