Đi chùa đầu năm thế nào cho đúng là điều rất nhiều người băn khoăn (Ảnh minh hoạ) |
Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sắm lễ cũng như những nguyên tắc cơ bản khi đến cửa Phật ngày đầu năm.
Lưu ý khi sắm lễ mặn
Trả lời báo Người đưa tin, chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh cho hay, thực ra việc sắm lễ không có quy định nào chung cho tất cả mọi người. Tùy theo điều kiện cũng như hoàn cảnh của mỗi gia đình mà chúng ta có cách sắm lễ phù hợp. Tuy nhiên khi đến chùa, người hành lễ không nên mang theo những đồ mặn như thịt lợn, thịt trâu, thịt bò, giò, chả… Theo truyền thống chúng ta chỉ nên sắm các lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè…
Lưu ý: Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Lễ mặn (nhưng thường chỉ đơn giản: gà, giò, chả, rượu, trầu cau…) cũng thường được đặt tại ban thờ hay điện thờ (nếu xây riêng) của Đức Ông
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.
Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại
Nguyên tắc ra, vào
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Sau đó, du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì Chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ.
Năm bước hành lễ khi đi chùa
1. Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước.
2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
Trang phục
Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn, màu sắc trang nhã… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa.
Đối với nam có thể mặc comple, quần âu, hoặc mặc áo nghiêm túc, không lố lăng. Còn nữ có thể mặc áo dài, hoặc mặc áo quần bình thường, gọn gàng, đảm bảo sự kín đáo, truyền thống.
Cầu nguyện
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Vào đình, đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm.
Nguyên tắc cầu nguyện chúng ta nên cầu cho chúng sinh trước, sau đó cầu cho gia đình, dòng họ và cuối cùng chúng ta cầu cho bản thân mình. Như thế vừa thể hiện được tâm đức cũng như tấm lòng thành kính của bản thân trước phật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận