Kinh tế

Đi tìm lời giải chứng khoán “bốc hơi” 20 tỷ USD trong 2 ngày

07/02/2018, 06:34

VN-Index sụt giảm chung cuộc thêm 37,11 điểm, tương đương 3,54% trong phiên ngày 6/2, khiến 20 tỷ USD “bốc hơi”...

4

Đà giảm cổ phiếu các nhóm ngành cập nhật lúc 9h48 ngày 6/2 - Đồ họa: zing.vn

Cả thị trường trắng bên mua

Hiện tượng trắng bảng bên mua kéo dài nhiều phiên chỉ xảy ra vào thời điểm thị trường khủng hoảng cách đây 10 năm. Còn tình trạng mất thanh khoản ở một vài cổ phiếu thời gian qua chỉ xảy ra khi doanh nghiệp khủng hoảng. Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch ngày 5 - 6/2 thị trường đã chứng kiến cả 2 tình trạng này.

Cụ thể, phiên giao dịch sáng 6/2, toàn sàn giao dịch TP.HCM (HSX) có tới 291 mã giảm, trong đó 117 mã giảm sàn, 207 mã giảm từ 5% trở lên. Cả sàn chỉ có 22 mã tăng. Sàn giao dịch Hà Nội (HNX) cũng chìm trong sắc đỏ khi có 189 mã giảm, trong đó 63 mã giảm sàn, 128 mã giảm trên 5%, chỉ có 28 mã tăng giá.

Đáng chú ý, đến phiên giao dịch 6/2, không chỉ các mã có vốn hóa lớn bị bán tháo mà tình trạng này lan sang hàng trăm mã cổ phiếu khác bất chấp lớn, nhỏ. Các chỉ số chứng khoán chính trên hai sàn đều giảm thê thảm. Giảm mạnh nhất là VN-Index tại thời điểm gần 10h sáng khi chỉ số này rời xa mốc 1.000 điểm và lập đáy tại 983,06 điểm, giảm 5,87%. Đây là mức giảm cao nhất tính theo phiên kể từ năm 2008 tới nay.

Dù hồi lại trong phiên giao dịch buổi chiều lên trên ngưỡng 1.000 điểm nhờ hoạt động bắt đáy gia tăng nhưng chỉ số VN-Index cũng mất tới 37,11 điểm (tương đương 3,54 %) khi tạm đứng ở 1.011,6. Toàn sàn này có 262 mã giảm/45 mã tăng. HNX-Index cũng “hồi” về 224,37 điểm, giảm 8,29 điểm (tương đương giảm 3,56%). Sàn này có 180 mã giảm/48 mã tăng.

Hai phiên mất 20 tỷ USD

Sau hai phiên giảm sâu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ước tính VN-Index mất hơn 12%. Điều quan trọng mà ông Hưng tính toán là vốn hóa thị trường đã “bay” mất khoảng 20 tỷ USD. Ông Hưng phân tích, lý do giảm điểm của chứng khoán Việt Nam là ngoài bị ảnh hưởng giảm mạnh từ thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã tăng điểm mạnh, giá các cổ phiếu có vốn hóa lớn lên nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng loạt các công ty lớn Nhà nước thoái vốn nên ông Hưng cho rằng, có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá đã sắp đến ngày phải nộp tiền và sắp nghỉ Tết. Vì vậy, “mọi người muốn thoát danh mục để giảm chi phí margin (đòn bẩy tài chính)… cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường”.

Vàng hưởng lợi do chứng khoán giảm sâu

Trước đó, chứng khoán Mỹ đêm 5/2 theo giờ Việt Nam chứng kiến chỉ số Dow Jones sụt giảm kỷ lục 4,6% và chỉ số công nghiệp S&P 500 cũng giảm 4,1%. Diễn biến này lan sang các thị trường chứng khoán châu Á.

Sáng 6/2, chỉ số Dow Asia giảm mạnh 4,21%, chỉ số chứng khoán của Nhật Bản rơi 6,6%, Hồng Kông sụt gần 5%... Trong bối cảnh cả giá dầu cũng đang sụt giảm gần 1,2%, giá vàng được hưởng lợi nhất khi dòng vốn tháo chạy khỏi các kênh khác và chạy sang kim loại quý như một tài sản trú ẩn.

Chuyên gia tài chính Quách Mạnh Hào cho rằng, diễn biến thời gian qua trên thị trường chứng khoán là “cuộc chơi của dòng tiền nóng” khi dòng tiền này vào khiến thị trường tăng nhanh và cũng chính dòng tiền này khiến thị trường giảm sâu như hiện nay. “Sự điều chỉnh của thị trường đơn giản là để phản ánh thực trạng kỳ vọng vào nền kinh tế. Nhà đầu tư quen với khái niệm “cổ phiếu có game” thì cũng nên hiểu rằng, thị trường có game của nó. Và nếu nó là game, hãy chấp nhận nó như một sự may rủi”, ông Hào nói.

Thị trường giảm giá khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại đáng kể, nhiều người suy nghĩ lo ngại khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính. “Là một người trong cuộc, quan điểm cá nhân của tôi là không lo ngại và trong một chừng mực nào đó đợt giảm giá cũng có tác động tích cực, giúp nhà đầu tư thận trọng tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường”, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nói.

Điều đáng chú ý là trong lúc thị trường giảm sâu đã xuất hiện nhiều giao dịch bắt đáy. Những giao dịch này bắt đầu từ cuối phiên giao dịch sáng và gia tăng mạnh trong phiên buổi chiều 6/2. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên thị trường giảm điểm vẫn liên tục mua ròng đều đặn trên 200 tỷ đồng kể từ phiên 31/1.

Riêng phiên giao dịch “đỏ lửa” ngày 6/2 giao dịch của khối ngoại tăng vọt gấp đôi với giá trị mua ròng đạt gần 4.200 tỷ đồng. Đây là phiên có giá trị mua ròng cao nhất của khối này kể từ 6/11/2017. Ông Nguyễn Duy Hưng nhận định, thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, thị trường giảm là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cho mình những cổ phiếu có nền tảng tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.