Tưởng đơn giản, hóa phức tạp
Hơn 1 năm trước, khoảng 18h ngày 30/6/2021, Phạm Quốc Th. (SN 2000, trú huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cùng với Trần Văn T. và 6 người khác cùng nhau ăn nhậu tại thôn Sur B, xã IaHla, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Sau đó, T. hỏi mượn Th. chiếc xe máy để đi việc riêng. Mặc dù biết T. đã uống bia nhưng vì bạn bè quen biết nên Th. đã đồng ý cho mượn.
Sau đó, T. không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy đi mượn đến đoạn đường liên xã thì tự tông vào trụ điện bê tông bên đường, tử vong.
Chiếc Chevrolet gây tai nạn được lái xe mượn của một người bạn
Th. đã bị TAND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đưa ra xét xử về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tuyên phạt mức án 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Tương tự, Nguyễn Văn T. (SN 1992, trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cũng đã phải nhận mức án 2 năm tù giam về hành vi trên.
Ngày 30/1/2015, khi đang làm công việc lái xe thuê với mức lương 5 triệu đồng/tháng, Tú gặp anh Đoàn Văn Th. cùng là người làm công với mình, bèn giao xe ô tô cho anh Th. lái dù biết anh này không có giấy phép lái xe hạng C theo quy định. Hậu quả, chiếc xe đã gây tai nạn nghiêm trọng, toàn bộ 5 người trên xe đã thiệt mạng.
Không đến mức vướng vòng lao lý nhưng cũng chỉ vì cho bạn mượn xe, mà anh D. (ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) bị mất việc. Theo đó, anh D. làm công việc lái xe tải nhỏ giao hàng cho một công ty vận tải tại Hà Nội. Hết ca làm việc, khi trở về nhà, người bạn cùng phòng trọ mượn xe anh D. đi đón người thân.
Người bạn này không có GPLX, vượt đèn đỏ và chiếc xe bị tạm giữ 7 ngày. Ngay khi bị giữ xe, người bạn bỏ về quê, không giải quyết vi phạm. Anh D. phải nhiều lần về quê tìm bạn, đến cơ quan công an đóng phạt và gần một tháng sau mới hoàn tất thủ tục nhận lại xe, thì cũng là lúc nhận được quyết định nghỉ việc từ công ty.
Còn anh B. (trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm tài xế xe ôm công nghệ. Khi người bạn mượn xe “đi thăm người ốm”, anh B. vui vẻ đưa chiếc xe Honda AirBlale của mình cho bạn.
Hôm sau, công an mời anh B. lên thông báo bạn anh bị bắt khi đi cướp giật trên phố bằng chính chiếc xe Honda AirBlale này. Anh B. phải đi gặp công an nhiều lần để chứng minh mình không liên quan đến vụ cướp nhưng chiếc xe Honda AirBlale vẫn bị tạm giữ vì đó là tang vật vụ án.
Tránh rắc rối cách nào?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tá Lưu Trung Thủy, Đội CSGT số 10, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay, vẫn còn có những trường hợp giao xe, cho người khác mượn xe nhưng chủ sở hữu không quan tâm đến việc người mượn, người được mình giao xe có đủ điều kiện điều khiển hay không.
Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cho mượn ô tô, xe máy rồi sau đó người mượn vi phạm giao thông, xảy ra TNGT, thậm chí chở hàng cấm, hàng lậu... khiến chủ xe gặp rất nhiều rắc rối.
“Do đó, chủ phương tiện khi giao xe phải kiểm tra xem người mình giao phương tiện có đủ điều kiện điều khiển hay không. Thậm chí, trước khi giao xe, chủ xe nên yêu cầu người mượn xe viết cam kết, đi đâu, làm gì, thời gian bao lâu, không được sử dụng rượu bia, ma túy, vi phạm pháp luật... trong quá trình mượn tránh rắc rối”, Trung tá Thủy khuyến cáo.
Đồng tình với việc nên làm cam kết hoặc hợp đồng khi giao xe cho người khác để tránh các rắc rối phát sinh, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM nêu thực trạng, hiện nhiều chủ xe tới tiệm sửa xe, rửa xe, khách sạn, nhà hàng... thường đưa xe cho nhân viên mà không cần hợp đồng giao nhận, không kiểm tra xem nhân viên đó có đủ điều kiện điều khiển xe hay không. Do đó, nếu nhân viên được giao xe gây TNGT thì chủ xe cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Ngay trong 2 vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây là vụ siêu xe Ferrari 488 bị tai nạn khi nhân viên sửa xe đưa xe về hãng hay vụ nhân viên quán bi-a lái siêu xe Mercedes S450 mất lái đâm ô tô BMW 730Li và hàng loạt xe máy ở Hà Nội, luật sư Hậu cho rằng, việc cẩn trọng khi giao xe, có hợp đồng giao nhận chặt chẽ, đầy đủ sẽ giúp cho chủ xe tránh được những phiền phức, thiệt hại xảy ra.
“Pháp luật quy định rất rõ việc này, song trên thực tế, do thói quen và sự cả nể, hầu hết chủ xe dễ dàng giao xe mà không có biện pháp gì để bảo vệ mình tránh khỏi rắc rối”, luật sư Hậu nói.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nếu chủ xe giao xe máy cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 0,8 - 2 triệu đồng (nếu là chủ xe cá nhân); 1,6 - 4 triệu đồng (đối với chủ xe là tổ chức). Mức phạt khi giao ô tô cho người chưa đủ điều kiện là 4 - 6 triệu đồng (cá nhân); 8 - 12 triệu đồng (tổ chức).
Ngoài ra, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm.
Nếu hành vi đó gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm.
Nếu người mượn xe đủ điều kiện tham gia giao thông mà gây ra tai nạn thì chủ xe không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có thể chủ xe cũng phải liên đới trách nhiệm dân sự bởi theo quy định, xe máy, ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ xe hoặc người được giao xe gây ra thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi không có lỗi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận