Y tế

Dị ứng kháng sinh có nên tiêm vaccine Covid-19?

06/09/2021, 07:44

Theo PGS. TS. Đào Xuân Cơ, những người có tiền sử dị ứng, bệnh nền... hoàn toàn có thể tiêm phòng vaccine Covid-19.

Hỏi:

Tôi năm nay 35 tuổi, có tiền sử dị ứng thuốc penicilin nên rất lo lắng sẽ có bất trắc nếu tiêm vaccine Covid-19. Mong bác sĩ tư vấn, liệu trường hợp như tôi tiêm phòng có nguy cơ gì không?

Trần My An (Hà Nội)

img

Ảnh minh họa

PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc VN trả lời:

Trước hết, cần khẳng định những người có tiền sử dị ứng, bệnh nền... hoàn toàn có thể tiêm phòng vaccine Covid-19.

Tại BV Bạch Mai, chúng tôi đã tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 cho rất nhiều người có cơ địa dị ứng, tiền sử dị ứng thực phẩm, kháng sinh, thuốc.

Những người này đều bày tỏ lo lắng khi tiêm phòng, nhưng bác sĩ khám, sàng lọc, chỉ định tiêm vaccine đều an toàn.

Vì thế, không phải cứ dị ứng là không được tiêm vaccine. Do vậy, bạn nên đăng kí tiêm phòng, bác sĩ khám, sàng lọc sẽ tư vấn kỹ cho bạn trước khi tiêm.

Cũng cần nói rõ, không một vaccine nào an toàn 100%. Nhưng đa phần là các phản ứng thông thường đều có thể xảy ra ở tất cả mọi người, phần lớn là phản ứng sốt, ớn lạnh, sưng đau vị trí tiêm...

Đây là các phản ứng thông thường. Các triệu chứng này sẽ hết sau 2-3 ngày, chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây...

Các phản ứng nguy hiểm như sốc phản vệ có thể xảy ra, nhưng rất hiếm. Vì thế, sau tiêm, mọi người đều được theo dõi 30 phút để phòng nguy cơ này.

Ngoài ra, sau tiêm vaccine Covid-19 có thể có những phản ứng muộn có thể xảy ra đến 28 ngày sau tiêm. Đây là lý do Bộ Y tế khuyến cáo người sau tiêm cần theo dõi sức khỏe đến 28 ngày.

Liên quan đến các phản ứng sau tiêm vaccine, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3588/QĐ-BYT ngày 26/7, hướng dẫn người sau tiêm vaccine Covid-19 theo dõi sức khỏe tại nhà.

Nhưng nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu dưới đây (dù rất hiếm gặp), hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện: Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái, đỏ da, chảy máu, xuất huyết dưới da; Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.

Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.