Thời sự

Đi xa hơn ở biển Đông, Trung Quốc sẽ bị cô lập

22/02/2016, 08:08

Đó là khẳng định của PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - chiến lược, Bộ Công an...

15
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương

Đó là khẳng định của PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - chiến lược, Bộ Công an khi trao đổi với Báo Giao thông về việc thời gian gần đây Trung Quốc liên tiếp thực hiện các hoạt động quân sự bành trướng trên biển Đông, đe dọa an ninh khu vực.

Trung Quốc đi ngược lại những cam kết của chính mình

Bất chấp cam kết của chính mình cũng như phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vừa ngang ngược triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này của Trung Quốc?

Điều đầu tiên quan trọng nhất là phải khẳng định rằng Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý đối với quần đảo Hoàng Sa nói chung và đảo Phú Lâm nói riêng. Trong lịch sử gần 400 năm, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa, điều này vẫn còn lưu trong hàng chục cuốn sách, hàng trăm tư liệu còn lại của Việt Nam. Cả trong văn hoá vật thể và phi vật thể tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và dọc bờ biển từ Bình Định đến Huế, chúng ta còn đến 8-9 miếu thờ các đội hùng binh Hoàng Sa…

"Việt Nam có 3 yếu tố mà Trung Quốc không bao giờ có. Đó là: pháp lý, đạo lý và quan trọng hơn cả là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đây mới là sức mạnh trong mọi thời đại".

PGS.TS, Thiếu tướng
Lê Văn Cương

Như vậy cả trong thư tịch lịch sử và văn hoá vật thể, phi vật thể đã chứng minh rằng Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cách đây 400 năm.

Điều thứ hai là ở Trung Quốc có gần 100 bản đồ, trong đó có khẳng định khu vực trên biển của Trung Quốc từ thời nhà Tống đến thời nhà Thanh đều chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam mà không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc có 15 cuốn sách với 30 bản đồ do chính người Trung Quốc viết và vẽ nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; Tập bản đồ vĩ đại nhất của châu Âu xuất bản năm 1827 được cộng đồng quốc tế thừa nhận là lãnh thổ Trung Quốc trên biển chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam chứ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Hiệp định Geneve năm 1954 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam…

Tham chiếu vào tất cả hệ thống luật pháp quốc tế, hành động của trung Quốc là trái pháp luật và không ai thừa nhận cả. Vì vậy, dù lãnh đạo Trung Quốc có nói hàng triệu lần Trung Quốc có cơ sở pháp lý đối với Hoàng Sa cũng vô nghĩa. Quan điểm này đã hoàn toàn bị cộng đồng quốc tế bác bỏ.

Việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm của Hoàng Sa là hành động cực kỳ nguy hiểm. Âm mưu, ý đồ của họ là gắn với hạm đội Nam Hải - hạm đội mạnh nhất của quân đội Trung Quốc ở đảo Hải Nam, cùng căn cứ quân sự ở đảo Hoàng Sa với hai sân bay đang xây dựng ở đảo chữ Thập, Gạc Ma để tạo thành một hệ thống phòng thủ và tấn công ở thế chủ động, thực chất là quân sự hoá biển Đông, để từng bước độc chiếm, khống chế biển Đông.

Không những vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước luật biển 1982, vi phạm Tuyên bố giữa các bên về ứng xử trên biển Đông (COC), hành động của Trung Quốc còn đi ngược lại những điều mà họ đã cam kết. Hành động “tráo trở” ấy sẽ làm thế giới không ai tin họ, thể hiện một quốc gia không có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Thách thức dư luận quốc tế

Việc làm trên của Trung Quốc được thực hiện trong bối cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ đang diễn ra tại Sunnylands, bang California. Ông có cho rằng hành động của Trung Quốc đang thách thức dư luận quốc tế?

Loạt hoạt động của Trung Quốc đều là việc lớn chứ không phải việc nhỏ, và chắc chắn đã được lãnh đạo Trung Quốc bàn bạc kỹ chứ không phải vô cớ, ngẫu nhiên.

Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chia sẻ những quan ngại sâu sắc trên biển Đông, đồng thời cũng nhấn mạnh các quốc gia cần ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế? Ông nghĩ gì về quan điểm trên?

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ý kiến của Thủ tướng nêu ra trong năm ngoái và năm nay về biển Đông đều rất đúng đắn, hợp lòng dân.

Về việc xây dựng lòng tin mà Thủ tướng nhấn mạnh trong lời phát biểu của mình cũng rất quan trọng, nhưng việc xây dựng lòng tin đối với các quốc gia không phải bằng con số không. Chỉ có lòng tin trên cơ sở từng quốc gia phải thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm những điều mình đã cam kết trong luật pháp quốc tế chứ làm sao có lòng tin được khi hàng ngày luôn có những hành động gây hấn với nước khác, làm sao có lòng tin khi bất chấp luật pháp quốc tế, chà đạp lên hiến chương Liên hiệp quốc được.

Sáng 17/2, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ cũng đã đưa ra Tuyên bố chung với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy kết nối thương mại và đưa ra lập trường chung về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Theo ông, tuyên bố này có ý nghĩa như thế nào? Liệu nó có “răn đe” được hoạt động bành trướng của Trung Quốc?

Tuyên bố chung này có ý nghĩa rất tích cực, đúng đắn, thể hiện sự thống nhất về nhận thức và quan điểm của Hoa Kỳ và 10 nước ASEAN. Tuyên bố này được cộng đồng quốc tế đón nhận với thái độ rất tích cực, phù hợp với việc thúc đẩy xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung.

Việc 10 nước ASEAN cùng Hoa Kỳ ra bản Tuyên bố chung này chứng tỏ đã có sự thống nhất cao về nhận thức, nếu không có sự thống nhất cao về nhận thức quanh vấn đề biển Đông, về nhu cầu phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải chung cho các nước trong khu vực thì không thể có tuyên bố chung này được. Một ý nghĩa quan trọng hơn là nó gửi thông điệp gián tiếp tới Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào muốn thay đổi hiện trạng, muốn có những hành động làm xấu đi tình hình an ninh biển Đông thì phải cân nhắc. Nó có tác dụng răn đe với bất cứ quốc gia nào có hành động đi ngược lại xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển. Trong điều kiện hiện nay, không một quốc gia nào đủ quyền lực, đủ sức muốn làm gì thì làm.

Âm mưu vươn ra thế giới

Mục đích thực sự của nhà cầm quyền Trung Quốc là muốn độc chiếm biển Đông hay còn một mục tiêu sâu xa hơn nữa trong vấn đề này, thưa ông?

Bước đầu tiên là khống chế biển Đông, thông qua đó để đẩy Mỹ ra khỏi phía Tây Thái Bình Dương, vươn ra Thái Bình Dương để đối đầu với Mỹ, đi vòng quanh Nam Á để đối phó với Ấn Độ, tiến tới vùng Trung Đông là vùng trung tâm nguồn năng lượng của thế giới. Ý đồ của họ là toàn cầu chứ không phải chỉ dừng lại ở biển Đông. Biển Đông chỉ là việc trước mắt thôi, còn về lâu dài, họ muốn vươn ra cả thế giới.

Theo ông, Trung Quốc sẽ có những hành động tiếp theo như thế nào trên biển Đông trong năm 2016 và xa hơn nữa?

Năm nay có thể là năm thuận lợi nhất đối với Trung Quốc theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vì năm 2016, Hoa Kỳ tập trung vào việc bầu cử trong nước, bằng mọi cách giữ kinh tế ổn định, tạo thể cân bằng trong việc bầu cử…Về đối ngoại, ưu tiên của Mỹ năm nay sẽ là thực thi Thỏa thuận Hạt nhân của nhóm P5+1 với Iran vì đó là dấu ấn rất quan trọng của ông Obama bên cạnh việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Một hướng ưu tiên nữa là tìm cách vừa hợp tác, vừa cùng với Nga giải quyết vấn đề Syria. Biển Đông vì thế sẽ không là lĩnh vực ưu tiên nên trong năm nay, chính quyền Hoa Kỳ sẽ không làm vấn đề gì gay gắt với Trung Quốc. Lợi dụng điều đó, rất có thể năm nay Trung Quốc sẽ tập trung hoàn chỉnh sân bay quân sự ở đảo Gạc Ma và đảo chữ Thập, đưa máy bay, tàu chiến, tàu ngầm đến đây kết hợp với hệ thống tên lửa ở đảo Phú Lâm và hạm đội quân sự mạnh ở đảo Hải Nam, tạo thành hệ thống quân sự có khả năng trên thực tế khống chế biển Đông.

Cảm ơn ông!

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên hợp quốc

Cuối tuần qua, trả lời câu hỏi của Báo Giao thông trước thông tin Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19/2/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh:

“Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hảihàng không ở biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”.

“Ngày 19/2/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Cùng ngày, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên”, ông Bình nói.

Xuân Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.