Theo đại diện UBND huyện Đắk Song, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch rừng phòng hộ dọc tuyến quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh), đoạn qua huyện Đắk Song là 416,29ha. Hiện diện tích có rừng là 232,45ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 13,88ha; diện tích rừng trồng 218,57ha.
Diện tích chưa có rừng là 183,84ha, trong đó có 33,173 ha trồng thông chưa thành rừng. Diện tích rừng và đất quy hoạch rừng phòng hộ dọc tuyến QL14 giao cho UBND huyện Đắk Song quản lý 370,26ha, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý 46,03 ha.
Hiện nay, diện tích rừng đã bị phá rừng, lấn chiếm lấy đất sản xuất là 42,027ha (đất trồng nông nghiệp và cây công nghiệp, nhà ở). Ngoài ra, có tổng số cây thông bị ken, đầu độc chưa bị xâm canh, lấn chiếm là 3.089 cây.
>>> Video: Cận cảnh rừng thông cảnh quan quốc lộ 14 bị "đầu độc" bằng thuốc diệt cỏ:
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, nguyên nhân rừng bị đầu độc là do tuyến đường QL14 đoạn qua địa phận huyện Đắk Song được sửa chữa nâng cấp, việc lưu thông, đi lại được thuận tiện, dẫn đến nhu cầu hoạt động kinh doanh buôn bán, làm nhà ở dọc QL14 của người dân được tăng cao.
Từ đó dẫn đến việc người dân muốn mua đất dọc QL14 để làm nhà ở, buôn bán, kinh doanh ngày càng nhiều, giá đất bị đẩy lên cao. Vì vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, dựng nhà, lều quán, trồng cây trái phép trên diện tích rừng và đất rừng diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý kịp thời.
“Rừng phòng hộ cảnh quan QL14 kéo dài dọc tuyến, điều kiện đi lại dễ dàng, dễ tiếp cận. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng đêm khuya lén lút vào rừng sau đó sử dụng khoan điện để khoan lỗ đổ hóa chất vào thân cây làm cây thông chết từ từ.
Ngoài ra, công tác tổ chức quản lý, bảo vệ và mật phục để bắt các đối tượng vi phạm chưa được thực hiện hiệu quả; hầu hết các vụ vi phạm về phá rừng, ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng thông đều không bắt được đối tượng để xử lý, khi phát hiện thì cây thông đã có dấu hiệu bị chết.
Chính quyền địa phương cấp huyện, xã, các cơ quan chức năng chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng; việc quản lý đất đai, quản lý dân cư còn thiếu chặt chẽ, tình trạng dân di cư tự do đến địa phương diễn ra phức tạp”, ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song chỉ rõ.
Theo UBND huyện Đắk Song, từ năm 2010 đến nay, tại khu vực dọc QL14 (từ xã Trường Xuân đến thị trấn Đức An, huyện Đăk Song) lực lượng Công an huyện Đắk Song phối hợp với Hạt kiểm lâm và các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý 155 vụ vi phạm. Trong đó, phá rừng trái pháp luật 135 vụ; lấn chiếm rừng 6 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 14 vụ.
Cơ quan Công an điều tra khởi tố 6 đối tượng thực hiện 2 vụ hủy hoại rừng với tổng số cây thông bị hủy hoại là 936 cây trị giá hơn 603 triệu đồng, trên tổng diện tích 30.175m. Đến nay, tình trạng hủy hoại rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 trên địa bàn huyện Đắk Song cơ bản đã được ngăn chặn, không phát sinh vụ mới.
Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh, thời gian qua rừng thông cảnh quan dọc tuyến quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh, qua địa bàn huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) bị đổ hóa chất "đầu độc" khiến thông chết hàng loạt. Hàng trăm cây thông với hàng chục năm tuổi, có đường kính từ 20 đến 50cm chết khô trải dài hai bên đường.
Chạy dọc tuyến đường từ TP Gia Nghĩa về huyện Đắk Song, những vạt rừng thông xanh ngắt ngày nào đã biến mất, thay vào đó là những mảng rừng vàng úa, loang lổ với màu xanh của những cây thông may mắn còn sót lại.
Sau khi Báo Giao thông phản ánh, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản số 5064/UBND-KGVX do bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kí yêu cầu UBND huyện Đắk Song trả lời, phản hồi thông tin liên quan đến bài viết “Cả rừng thông ven quốc lộ 14 bị đầu độc: Vì sao khó bắt nghi phạm?”.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận