Xã hội

Hàng loạt rừng thông phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị bức tử

09/05/2019, 15:18

Nhiều năm qua, nhiều diện tích rừng thông phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bị xâm chiếm. Diện tích đất rừng cứ dần teo tóp...

img
Hơn 100 cây thông bị đổ hóa chất đã chết tại thời điểm đất nền ở TP. Pleiku và xã Ia Dêr (Ia Grai) tăng cao.

Tại Gia Lai, nhiều năm qua tình trạng người dân “đầu độc” rừng thông hàng chục năm tuổi xảy ra khá phổ biến. Theo cơ quan Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, nhiều địa phương như Mang Yang, Pleiku, Ia Grai… lực lượng chức năng đã phát hiện việc lấn chiếm rừng thông để lấy đất sản xuất và nhiều mục đích khác hiện chưa nắm rõ.

Đẽo vỏ khiến thông chết để lấy đất trồng cây nông nghiệp

Rừng Phòng hộ Bắc Biển Hồ thuộc địa phận của 3 địa phương TP Pleiku, Chư Păh, Ia Grai nhiều năm qua xuất hiện tình trạng người dân đẽo lớp vỏ thân cây thông để chết rồi chiếm đất để trồng cây nông nghiệp khá tràn lan. Người dân dùng dao rựa đẽo lớp vỏ bên ngoài của cây thông trong mùa khô sau một thời gian cây thông không có dinh dưỡng nuôi cây từ rễ lên nên chết dần. Có trường hợp, người dân dùng khoan khoan lỗ vào gốc cây rồi đổ hoá chất khiến cây đột tử hàng loạt.

Nghi lấy vỏ thông trồng lan

Cuối tháng 4/2019, UBND Ia Grai đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Gia Lai về một vụ phá rừng thông tại lô 1, khoảng 11, tiểu khu 309, xã Ia Đer, rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thuộc địa phận xã Ia Dêr, lực lượng chức năng phát hiện gần 600 cây thông ba lá (trồng năm 1978) bị cạo, vạc vỏ 2-3m từ mặt đất lên. Trong đó gần 80 cây thông bị chết.

Một lãnh đạo UBND huyện Ia Grai cho biết, qua kiểm tra lực lượng chức năng nghi ngờ cây thông bị vạc vỏ về để lấy chất trồng phong lan.

Ông Nguyễn Tất Thành - Phó phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cho biết qua kiểm tra và phát hiện trên 20 ha rừng thông phòng hộ đã bị người dân lấn chiếm. BQL đã phối hợp với chính quyền địa phương để tìm thủ phạm tàn phá rừng thông và phát hiện, xử phạt hành chính một số đối tượng. Trong đó, đa phần người dân đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều cách đã làm cây thông chết sau đó lấy diện tích này để trồng cà phê, chanh dây. Tuy nhiên, việc xử lý người dân hết sức khó khăn vì người dân đa phần là nghèo. Mới đây, BQL đã đề nghị UBND TP Pleiku phối hợp với chủ rừng thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra và cưỡng chế bằng cách nhổ bỏ cây nông nghiệp mà người dân lấn chiếm trên phần diện tích rừng thông đã bị phá.

“Ngoài việc kiên quyết xử lý không cho người dân lấn chiếm, nhổ bỏ cây nông nghiệp của người dân trồng vào, chúng tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ một phần kinh phí để phục hồi lại diện tích rừng thông bị lấn chiếm”, ông Thành cho biết thêm.

img
Hàng chục hộ dân đã xâm chiếm rừng thông phòng hộ Mang Yang trên quốc lộ 19 để làm nơi ở và kinh doanh.

Chiếm đất khoảng 30 năm

Còn tại rừng phòng hộ Mang Yang, tình trạng hàng chục hộ dân lấn chiếm đất đai khu vực mặt tiền đường Quốc lộ 19 xảy ra tới nay gần 30 năm. Theo báo cáo của UBND xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang), từ trước năm 2006, khu vực rừng thông xã này đã có 36 hộ dân sinh sống.

Các hộ này bắt đầu đến ở từ trước năm 1991, chủ yếu mưu sinh bằng nghề mở quán ăn, nước giải khát dọc theo tuyến quốc lộ 19. Trong đó, có 11 hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001, 15 hộ có giấy viết tay của UBND xã Hà Ra cũ xác nhận và 10 hộ không có giấy tờ. Hiện, khu vực này còn 31 hộ (giảm 5 hộ so với năm 2011) có nhà ở tạm bợ, lều bán đồ ăn, nước giải khát.

Năm 2011, UBND huyện Mang Yang phát hiện việc cấp giấy tờ đất đai trên phần đất rừng phòng hộ đã rút giấy quyền sử dụng đất của 11 hộ trên. Từ năm 2011 đến nay, chính quyền xã Đăk Ta Ley đã nhiều lần ra thông báo, tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tháo dỡ công trình trong khu vực rừng thông nhưng việc di dời gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên không thể thực hiện.

Nguyện vọng của người dân mong muốn được ở lại tại rừng thông ven quốc lộ 19 này để sinh sống và kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang-cho rằng, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Hầu hết các hộ này đều có thời gian sinh sống ở đây trên 25 năm. Có trường hợp sinh sống 30 năm nên xét về lý và tình rất khó xử lý. Hiện tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp xem xét từng trường hợp cụ thể, sao cho hài hòa giữa tình và lý để tham mưu xử lý, đưa ra phương án tối ưu nhất", ông Hùng cho hay.

Đầu độc thông chết có liên quan đến đất nền tăng

Năm 2017, 102 cây thông trên 40 năm tuổi tại Khoảnh 9, Tiểu khu 309, xã Ia Dêr sát cạnh đường Phan Đình Phùng (TP Pleiku nối dài đã bị khoan lỗ, bơm thuốc để triệt hạ. Tuy nhiên, tới nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Ông Nguyễn Tất Thành - Phó phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ nhận định, do sốt đất nền nên không loại trừ người dân “đầu độc” nhằm chiếm đất vào mục đích bán vì những năm gần đây, tình trạng người dân TP Pleiku và xã Ia Dêr (huyện Ia Grai khu vực lân cạnh thành phố Pleiku) nổi lên tình trạng sốt đất nền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.