Chính trị

Dịch Covid-19 ngày 3/3: Khả năng cách ly của Việt Nam như thế nào?

03/03/2020, 18:37

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "chống dịch như chống giặc", thực hiện các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Dịch Covid-19 khiến du lịch Việt Nam mất khoảng 7 tỷ USD

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Nội dung quan trọng nhất của phiên họp là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Dũng cho biết dịch Covid -19 gây hậu quả nghiêm trọng tới nền kinh tế, làm đình trệ chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nặng nề tới giao thông vận tải đặc biệt là hàng không, du lịch, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; Khách quốc tế tăng 4,8% (mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020); Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%, mức tăng cao nhất trong 7 năm qua).

Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách (giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ).

“Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Tuy vậy, qua một số chỉ tiêu có thể nhận thấy kinh tế vẫn có những mảng sáng như ngành ngân hàng tạm thời tái cơ cấu hạn trả nợ. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng với những con số ấn tượng.

Tại cuộc họp báo, ông Mai Tiến Dũng nêu một số thông tin như Việt Nam có 3 trường đại học lọt top các trường đại học hàng đầu thế giới, có các khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới.

Đối với việc chống dịch, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để rơi vào tình trạng bị động. Thủ tướng chỉ đạo tập trung vào tái cơ cấu sản xuất, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục thông thoáng để khởi động lại các dự án. Thủ tướng đã có Chỉ thị đưa ra 6 nhóm giải pháp nhằm khôi phục phát triển kinh tế trong đó có vốn, tài chính nhằm khôi phục phát triển kinh tế hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "chống dịch như chống giặc", thực hiện các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế", người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Bài học cách ly ở Sơn Lôi đang phát huy hiệu quả

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về giải pháp ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh đã có thành công bước đầu và đã có nhiều bài học. Hiện, dịch bệnh đã lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đều có các kịch bản.

Ví dụ khi dịch lan ra ở Hàn Quốc, ta áp dụng biện pháp phù hợp như yêu cầu tất cả hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát. Sau đó ta làm việc với hàn Quốc về việc miễn thị thực. Tiếp đó, ta tiến hành cách ly tất cả hành khách đi qua, đến từ vùng dịch. Chúng ta cũng chỉ định 3 sân bay đón khách về từ vùng dịch như sân bay Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ, dừng đón khách hàn Quốc ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trước đây có khoảng 70 chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam nhưng nay còn rất ít.

Về hiệu quả việc cách ly, ông Long nhấn mạnh trong phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như phòng, chống dịch Covid-19 thì cách ly là cực kỳ quan trọng, giúp không lan rộng dịch ở Việt Nam. Bài học cách ly ở Sơn Lôi - Vĩnh Phúc giúp không phát sinh ca bệnh mới. “Chúng ta đã thực hiện rất hiệu quả”, ông Long nhận định.

Về khả năng cách ly, hệ thống quân đội có trên 60 điểm với khoảng hơn 30.000 chỗ cách ly. Hiện chúng ta điều phối cách ly ở các địa phương và đã có hơn 10.000 người đang được cách ly, vẫn có thể cách ly được thêm lượng người nữa...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Long cho biết, đã tính tới phương án giảm lượng cách ly ở khu vực này bằng hình thức phải giám sát về y tế, phiếu hỏi để chứng minh được rằng người được hỏi không đi qua vùng dịch. Thứ hai, đã làm việc với gia đình, với chính quyền địa phương, với những đối tượng không đi qua vùng dịch phải tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà để giảm cách ly tập trung, tránh tình trạng quá tải. Hiện nay vẫn đảm bảo cách ly trong những khu vực cách ly tập trung.

"Nếu như ở một quốc gia nào có tình trạng phát dịch tăng nhanh, chúng tôi lập tức sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch lan tại Việt Nam", ông Long nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.