Xã hội

Dịch Covid-19 ngày 6/2: Gia Lai có ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ 19

Tình hình dịch Covid-19 hôm nay ngày 6/2: Tối 6/2, Gia Lai có ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ 19. Bệnh nhân là F1 có địa chỉ ở P. Cheo Reo, TX Ayun Pa.

img

Cập nhật tình hình Covid-19 tại Việt Nam và thế giới tính đến 18h sáng ngày 6/2

Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Gia Lai, bệnh nhân H.D.T (50 tuổi, trú tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa). Như vậy, sau 1 ngày (ngày 5/2) không có ca mắc mới nào, Gia Lai đã có ca dương tính với SARS-CoV-2 thứ 19, vào ngày 6/2.

Tỉnh Gia Lai cũng cho biết, tính đến ngày 6/2, có gần 2.000 người dân được cách ly tại 17 khu tập trung. Trong đó, có 7 khu tập trung thuộc lực lượng quân sự, 10 khu còn lại thuộc các Trường dân tộc nội trú, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trường Chính trị các địa phương.

Chiều 6/2, có 4 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở Bắc Ninh và 3 địa phương khác

Bản tin 18h ngày 6/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có thêm 5 ca mắc mới COVID-19, trong 4 ca ở cộng đồng ghi nhận tại Bắc Ninh, Bình Dương, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh; 01 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Long An. Cụ thể:

Bắc Ninh ghi nhận 01 bệnh nhân (BN1977): là F1 BN1565, đã được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm ngày 28/01, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 06/02 bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Long An ghi nhận 01 bệnh nhân (BN1978): nam, 29 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Ngày 02/01/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VJ7139, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Long An. Kết quả xét nghiệm ngày 05/02/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.

TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 01 bệnh nhân (BN1979): Bệnh nhân nam, 27 tuổi, có địa chỉ tại phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện đang tiếp tục điều tra dịch tễ. Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình Dương ghi nhận 01 bệnh nhân (BN1980): Bệnh nhân nam, 21 tuổi, có địa chỉ tại phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, là F1 BN1979, hiện đang tiếp tục điều tra dịch tễ. Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Quảng Ninh ghi nhận 01 bệnh nhân (BN1981): Bệnh nhân nam, 22 tuổi, có địa chỉ tại xã An Sinh, TX Đông Triều, Quảng Ninh, là F1, liên quan ổ dịch khu công nghiệp thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm ngày 28/01, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 06/02 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

img

Nam nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19.

Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất nhiễm nCoV, Bộ Y tế họp khẩn tại TP.HCM

14h ngày 6/2, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn với lãnh đạo UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương liên quan ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa được ghi nhận là nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc họp diễn ra tại Viện Pasteur TP.HCM dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ngành y tế cần xác định nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19 là ổ dịch tại TP.HCM.

Phải xác định đây là ổ dịch tại TP.HCM

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết ông đã chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm lại để khẳng định nhân viên này dương tính với SARS-CoV-2 hay không.

Người này là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất nhưng địa chỉ cư trú tại tỉnh Bình Dương. Bộ Y tế quyết định làm việc với đại diện lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM và Bình Dương báo cáo quá trình truy vết và dự kiến các hành động tiếp theo để khoanh vùng và xử lý ca bệnh này.

"Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 là tất cả vùng dịch phải được khoanh vùng thần tốc. Đến nay, các tỉnh có dịch chúng ta đã khoanh vùng sớm, rất tốt. Tuy nhiên, trường hợp này còn liên quan sân bay Tân Sơn Nhất nên có nhiều đặc điểm rất khác. Điều này đặt ra giải pháp truy vết, chống dịch tại sân bay thế nào để khoanh vùng dịch sớm nhất. Giả sử Tân Sơn Nhất phong tỏa toàn bộ thì rất khó khăn", ông Tuyên nhận định.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chúng ta phải xác định đây là ổ dịch tại TP.HCM. Lãnh đạo Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cần chịu trách nhiệm phối hợp TP.HCM để kiểm soát, xử lý dịch theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.

img

Truy vết để cắt chuỗi lây nhiễm

Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết cơ quan này đã phối hợp cảng vụ hàng không miền Nam lấy mẫu toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.

Đến trưa 5/2, HCDC đã lấy được 5.900 mẫu bệnh phẩm. Tối cùng ngày, cơ quan này phát hiện một mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Trong thời gian làm việc tại sân bay, bệnh nhân nghi mắc Covid-19 được quét thân nhiệt hàng ngày. Qua điều tra, HCDC cho biết một tháng trước, người này về cư trú tại Bình Dương, chưa phát hiện yếu tố dịch tễ khác.

Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi từ ngày 2/2 và không đi làm. Ngày 3/2, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Quân y 175 được đưa vào khu sàng lọc. Đến 5/2, nhân viên này đến sân bay Tân Sơn Nhất lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện thành phố sẽ cố gắng truy vết các trường hợp tiếp xúc để cắt chuỗi lây nhiễm. Đối với khu vực sân bay, HCDC đã gộp và lấy mẫu gần hết số lượng nhân viên. Đây là trường hợp duy nhất phát hiện dương tính với nCoV.

Theo báo cáo của Bệnh viện Quân y 175, 21 người tại đây được xác định là F1. Ngoài ra, bệnh viện tiếp tục truy vết, sàng lọc F2, số lượng chưa xác định cụ thể. Cơ sở y tế này đã khử khuẩn toàn bộ khu vực bệnh nhân đi qua.

“Không nghĩ đến việc đóng cửa sân bay”

Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết thời gian qua đơn vị này đã phối hợp và thực hiện vai trò điều phối chuyến bay quốc tế đúng theo quy trình, phân luồng, kiểm soát chặt lối đi riêng. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM phối hợp điều phối việc này.

Liên quan trường hợp dương tính này, lãnh đạo cảng hàng không đã tổ chức họp ngay trong đêm để truy vết, khoanh vùng, yêu cầu khử khuẩn toàn bộ sân bay.

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chất vấn về việc sân bay Tân Sơn Nhất cần đóng cửa không? Trả lời thứ trưởng, vị đại diện cho biết cơ quan không nghĩ đến việc đóng cửa. Bởi đơn vị này đã phối hợp Sở Y tế TP.HCM chủ động rà soát, không xảy ra bất cứ sai sót nào. Ca bệnh này chỉ là xét nghiệm sàng lọc. Đến nay, các hoạt động khác liên quan phòng, chống dịch không có bất kỳ sự cố nào tại sân bay.

Về khu vực phong tỏa, Cảng vụ hàng không miền Nam đánh giá quyết định này chưa cần thiết. Cũng theo HCDC, nhiều ngày qua bệnh nhân không làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất (ngày 2-5/2) và khu vực này đã được khử khuẩn toàn bộ.

img

Tỉnh Quảng Trị chính thức quyết định không bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ảnh minh họa

Quảng Trị: Không bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán

Ngày 6/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở VHTT&DL, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cũng yêu cầu Sở VHTT&DL, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức các hoạt động phù hợp để tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón Xuân, chào Năm mới Tân Sửu 2021.

Trước đó, ngày 25/1/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 14 về việc tổ chức bắn pháo hoa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cụ thể, bắn pháo hoa tầm thấp tại Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Quảng Trị trong thời gian bắn 15 phút đêm Giao thừa (từ 0h đến 0h15 ngày 12/2/2021, tức 1/1/2021 Âm lịch). Số lượng bắn 60 giàn, từ nguồn kinh phí xã hội hóa đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Sơn La dừng các hoạt động tập trung đông người

Ngày 6/2, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành chỉ thi số 09/CT-UBND về việc tăng cường các biện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Văn bản nêu rõ, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Hạn chế tối đa tổ chức liên hoan tất niên, chúc tết, gặp mặt đầu xuân, thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người.

img

Các hoạt động lễ hội, tập trung đông người sẽ bị dừng.

Tạm dừng hoạt động tại các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở làm đẹp, trung tâm thể dục, thể thao, các cơ kinh doanh dịch vụ (Quán bar, karaoke, game, gym…) từ 0h ngày 7/2 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết và chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi hoạt động kinh doanh vận tải.

Thống nhất việc đón trả khách trên địa bàn các tỉnh nhằm kiểm soát tốt nhất lịch trình di chuyển của hành khách phục vụ công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm các nhà xe liên tỉnh đón trả khách không đúng nơi quy định.

Hải Dương: 3 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, được xuất viện

Chiều 6/2, tại Bệnh viện dã chiến ở Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, đại diện một số đơn vị y tế và chính quyền địa phương đã chúc mừng ba bệnh nhân đầu tiên được điều trị khỏi Covid-19 sau nhiều lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đó là các anh D.M.T (SN 1996) ở Bến Tắm (TP Chí Linh); N.T.D (SN 1989) ở Trúc Thôn, xã Cộng Hòa Chí Linh; chị H.T.H (SN 1974).

3 trường hợp nêu trên là công nhân ở khu chế biến Bến Tắm và khu công nghiệp Cộng Hoà, TP Chí Linh (Hải Dương). Tất cả đều vào viện ngày 29/1/2021 và không có triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu và X-quang phổi bình thường; xét nghiệm SARS-CoV-2 bốn lần vào các ngày 31/1, 2/2, 3/2 và 5/2 đều âm tính.

Lập biên bản gia đình F1 ở Hải Dương không khai báo y tế

Ngày 6/2, phường Hải Tân (thành phố Hải Dương) đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 2 trường hợp F1 là vợ chồng không khai báo y tế. Đó là anh Phạm Văn Đạt và chị Nguyễn Mỵ Lương, trú tại số 759 Lê Thanh Nghị, phường Hải Tân (thành phố Hải Dương).

Trước đó ngày 24/1, gia đình anh Đạt gồm 4 thành viên đã tham gia liên hoan tất niên tại một gia đình ở ngõ 19, phố Phạm Cự Lượng (phường Hải Tân). Tại tiệc tất niên có anh T.V.G là bệnh nhân mắc Covid-19 tham dự.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống Đài Truyền thanh phường về trường hợp này nhưng gia đình anh Đạt vẫn không chủ động khai báo y tế.

Qua rà soát, truy vết, phường Hải Tân phát hiện và đưa gia đình anh Đạt gồm 4 người đi cách ly y tế tập trung tại ký túc xá Trường THCS Lê Qúy Đôn (thành phố Hải Dương).

Lấy mẫu xét nghiệm 60.000 công nhân tại huyện Cẩm Giàng

Ngày 6/2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) cho biết: Từ ngày 6-9/2, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương sẽ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 60.000 công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện.

Theo dự kiến, với 60.000 công nhân được xét nghiệm này, cơ quan y tế sẽ có kết quả, trả cho người xét nghiệm trước ngày 11/2. Các công nhân có kết quả âm tính sẽ được cấp giấy xác nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho những người ở tỉnh ngoài về quê ăn Tết.

Đến ngày 6/2, huyện Cẩm Giàng ghi nhận 11 người dương tính với SARS-CoV-2. Huyện rà soát được 428 trường hợp F1 đều đã được cách ly tập trung, 2.549 trường hợp F2, 2.668 người được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Trên địa bàn huyện có 8 chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh với 122 người, 5 chốt cấp huyện với 58 người và 70 chốt cấp xã quân số 529 người làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện ra, vào địa bàn.

Bình Dương thêm 1 ca COVID-19, phong tỏa khu chung cư giáp TP.HCM

Ngày 6/2, UBND TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã họp khẩn với các phường để triển khai phong tỏa khẩn cấp khu chung cư Ehome 4 tại phường Vĩnh Phú, vì có 1 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Chung cư Thuận An gần sát TP.HCM với hàng ngàn dân đã được phong tỏa trưa nay.

Lực lượng quân sự, công an, dân phòng… đã chăng hàng rào, người dân ở nguyên tại chỗ, không được ra ngoài. Nhiều người dân đã nhờ người ngoài từ bên ngoài để tiếp tế đồ đạc.

Đây là bệnh nhân thứ sáu lây nhiễm trong cộng đồng tại Bình Dương. Bệnh nhân là L.T.A., 28 tuổi, thường trú tại khu C2 của Chung cư Ehome 4, tỉnh Bình Dương. Hiện bệnh nhân đã được cách ly tại Củ Chi, TP.HCM.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP Thuận An họp khẩn ban chỉ đạo của thành phố để triển khai nhiệm vụ tới cơ quan chức năng; yêu cầu cơ quan chức năng triển khai các biện pháp cách ly, tham mưu ra quyết định phong tỏa, giữ khoảng cách và quy cách khi giao đồ trong khu cách ly…

Hiện các F1, F2 của bệnh nhân đang được xác định.

Trưa nay (6/2), Hải Phòng kiểm soát người ra vào thành phố

Từ 12h trưa 6/2, thành phố Hải Phòng sẽ kiểm soát tất cả các công dân ra và vào thành phố. Đây được cho là biện pháp mạnh nhằm thắt chặt kiểm soát việc ra vào thành phố Cảng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập. Nhất là trong bối cảnh các địa phương lân cận đã xuất hiện nhiều ca bệnh và nhiều trường hợp từ vùng có dịch đã tìm cách trốn tránh kiểm soát y tế để vào thành phố.

Theo đó, TP Hải Phòng yêu cầu công dân vào thành phố: Phải có Giấy xác nhận của UBND cấp xã tại nơi đi, trong đó nêu rõ lý do, lịch trình vào thành phố. Đối với công dân ra khỏi thành phố: Phải có Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về lý do, lịch trình đi và khi trở lại.

Chỉ cho phép vào thành phố đối với các công dân từ các địa phương không có dịch khi đã có xác nhận của UBND cấp xã nơi đi và bảo đảm các quy định về phòng chống dịch.

Chỉ cho phép ra khỏi thành phố đối với các công dân đã có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Khi quay trở lại phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đến. Trường hợp quay trở lại mà qua các vùng có dịch thì phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định và người bị cách ly phải chịu các chi phí để thực hiện cách ly.

Yêu cầu các chủ phương tiện, chủ hàng bố trí nơi ăn, nghỉ tập trung cho các lái xe liên tỉnh.

Đồng thời, TP Hải Phòng cũng tăng cường lực lượng công an, quân sự tại các Chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố để kiểm soát công dân ra khỏi thành phố. Thực hiện cách ly y tế tập trung đối với các công dân đến thành phố từ tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh; các công dân đến từ các vùng có dịch tại các tỉnh, thành phố khác đến thành phố theo hướng dẫn của ngành y tế.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc cấp giấy xác nhận đối với các trường hợp nêu trên và chịu trách nhiệm về việc xác nhận.

TP Hải Phòng cũng lập thêm Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại chân cầu Nghìn để kiểm soát việc qua lại từ tỉnh Thái Bình.

Sáng 6/2, không có ca mắc mới Covid-19, hơn 80 nghìn người cách ly

Bộ Y tế thông tin, Việt Nam có tổng cộng 1087 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay 394 ca.

12 giờ qua không ghi nhận ca mắc mới. 80.113 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Điện Biên, đoàn công tác gồm 12 cán bộ do PGS. TS. Đào Xuân Cơ - Phó giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia đầu ngành về Hồi sức tích cực, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Kỹ thuật y sinh, cùng các chuyên gia khác giàu kinh nghiệm về phòng chống dịch Covid-19 đã lên đường đến hỗ trợ tỉnh Điện Biên dập dịch.

Cùng địa phương, đoàn đã quyết định chọn Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên làm bệnh viện dã chiến với quy mô 200-250 giường bệnh trong đó có 15-20 giường bệnh hồi sức với đầy đủ hệ thống oxy, khí nén, máy thở...điều trị người bệnh Covid-19.

Đồng thời họp bàn, thống nhất hàng loạt các biện pháp khẩn cấp, các kế hoạch triển khai, phương án ứng phó những tình huống xấu nhất có thể xảy ra tại tỉnh Điện Biên.

Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang tiếp tục bố trí nhân lực, thiết bị chi viện cho công tác phòng dịch của tỉnh Điện Biên trong đó có 01 xe trang thiết bị đang trên đường lên Điện Biên, 01 xe xuất phát sáng sớm mai chở theo thiết bị và 5-6 kỹ sư y sinh có nhiều kinh nghiệm của bệnh viện Bạch Mai trong xây dựng bệnh viện dã chiến.

Lịch trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 thứ 23 của Hà Nội

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, bệnh nhân thứ 23 của Hà Nội là F1 (vợ) của BN1866, F2 của BN 1814 (người về từ Hải Dương). Bệnh nhân thứ 23 này xét nghiệm lần 1 âm tính. Đến ngày 4-2 có biểu hiện sốt, ho, xét nghiệm lần thứ 2 ngày 5-2 mới dương tính với Covid-19.

Bệnh nhân tên N.T.K (sinh năm 1973; có địa chỉ ở số 12, ngõ 86, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Bệnh nhân này là vợ của BN1866 (nam, sinh năm 1970).

Sáng 27-1, BN1866 cùng vợ đến phòng công chứng số 3 có địa chỉ tại số 6 phố Duy Tân từ khoảng 8h30 đến 9h40 để làm hợp đồng mua nhà với F0 (BN1814, nữ, sinh năm 1971; giáo viên tại Trường THCS Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Ngày 1-2, bệnh nhân N.T.K được lấy mẫu lần 1 kết quả âm tính. Ngày 2-2, bệnh nhân chuyển cách ly tại khu cách ly Trường Đào tạo nghề Thành An.

Đến ngày 4-2, bệnh nhân K xuất hiện triệu chứng gai rét, sốt 38,1 độ C, lấy mẫu xét nghiệm lần 2, chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn.

Ngày 5-2, bệnh nhân K có kết quả dương tính với COVID-19.

Như vậy, tại Hà Nội, tính đến 8h ngày 5-2, thành phố đã ghi nhận 23 ca bệnh tại 6 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Đông Anh, Mê Linh.

img

Cảng HKQT Nội Bài đã có 16 trường hợp F1 liên quan đến hành khách là bệnh nhân F0 đi Nhật Bản qua sân bay Nội Bài và bệnh nhân là nhân viên an ninh hàng không tại sân bay Vân Đồn.

Bình tĩnh ứng phó, tránh gây sốc

Chiều 5/2, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, qua thực tiễn chống dịch 10 ngày qua, thấy rất cần bình tĩnh ứng phó. Kể cả những địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch như Gia Lai, thì Trung ương và những địa phương có kinh nghiệm khác sẽ hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh.

Do đó, khi ban hành các quy định phòng chống dịch cũng như triển khai công tác ứng phó dịch bệnh, các địa phương cần tránh ban hành những quy định hay những việc làm gây sốc cho xã hội.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của chính quyền cơ sở, ông Vinh yêu cầu các địa phương, đặc biệt ở tuyến cơ sở phải kiểm soát được người ra vào địa bàn.

Kiểm soát chặt các phương tiện vận tải công cộng

Tuy nhiên qua thực tiễn chuyến xe từ Điện Biên (xe khách đường dài) bắt thả khách dọc đường, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đặc biệt lo ngại, thời gian gần tết, người dân đi lại nhiều.

Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là vận chuyển hành khách công cộng (taxi, xe khách, máy bay…). Phải xử lý thật nghiêm những xe khách chở quá số người quy định, không tuân thủ quy định phòng chống dịch; đề nghị người dân đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương phải tăng cường chỉ đạo, xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm và phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ: Công Thương, Văn hoá, thể thao và du lịch, Giao thông vận tải... đều cho biết, việc tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn) và cam kết theo đúng quy định của các cơ sở y tế, trường học, phương tiện giao thông, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng nhà máy xí nghiệp... vẫn làm rất chậm.

Đơn cử, về cập nhật thông tin của các trung tâm thương mại, nhà hàng ở 63 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, có 14 tỉnh cập nhật tương đối đầy đủ, 38 tỉnh cập nhật nhưng còn thiếu nhiều thông tin, 24 tỉnh thiếu dữ liệu về nhà hàng, 11 tỉnh chưa cập nhập.

"Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc quyết liệt, sâu sát hơn nữa, có như vậy chúng ta mới có thể truy vết, khoanh vùng được ngay những ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng", ông An nói.

Người không sinh sống trong khu vực phong tỏa vẫn được đi lại bình thường

Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vừa qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, "sợ nên làm quá, siết chặt" để dân không dám về quê.

PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.

img

Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).

Tất cả những người sinh sống trong khu vực phong toả là "nội bất xuất, ngoại bất nhập", trừ những trường hợp đặc biệt (như bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu) mới được ra khỏi khu vực phong toả và được kiểm soát chặt chẽ.

Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).

Các địa phương "không được ngăn sông cấm chợ", không được "làm quá" yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp sát với các địa phương, từ các mô hình phong tỏa trong phong tỏa được thực hiện ở TP Chí Linh (Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn ở Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.

Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn việc "phong toả trong phong toả", cố gắng khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm hàng hoá cho bà con được lưu thông trong dịp Tết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.