Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Tiêm vaccine cho người dân (ảnh minh họa)
Bộ Y tế thông tin, ngày 3/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.922 ca nhiễm mới, trong đó 28 ca nhập cảnh và 14.894 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 8.499 ca, tăng 2.536 ca.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (241.084 ca), Bình Dương (126.408), Đồng Nai (26.314), Long An (23.785), Tiền Giang (10.290).
Liên quan đến tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM cho hay, Kế hoạch 2715 ngày 15/8 của UBND thành phố có mục tiêu kiểm soát dịch ở 7 quận huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, 5, 7 và 11 trước 31/8.
Thời gian qua, các quận huyện đã có kế hoạch thực hiện để hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra.
"Hôm qua, quận 7 và Củ Chi tổ chức sơ kết thực hiện kế hoạch này, công bố cơ bản kiểm soát được dịch trên địa bàn", ông Hải nói và cho biết, với 5 quận, huyện còn lại là Phú Nhuận, 5, 11, Cần Giờ và Nhà Bè thành phố sẽ có tổ thẩm tra dựa trên các tiêu chí của Bộ Y tế về số ca mắc mới, vùng xanh đỏ để đánh giá đạt hoặc chưa đạt, sau đó đến các quận huyện còn lại.
Theo ông Hải, việc quận 7 và huyện Củ Chi công bố kiểm soát Covid-19 không có nghĩa 2 địa phương này sẽ nhanh chóng được nới lỏng các biện pháp phòng dịch mà phải chờ đánh giá chung các quận huyện. Trên tổng thể kết quả đánh giá toàn thành phố, tổ thẩm tra sẽ đề xuất các giải pháp tiếp theo.
"Chưa thể nói thời điểm các quận huyện được nới lỏng. Thành phố đang cố gắng phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết của Chính phủ. Nghĩa là từ nay đến đó phải tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp", ông Hải nói.
Theo tiêu chí để TP HCM kiểm soát được Covid-19 của Bộ Y tế, một địa bàn (cấp thành phố, huyện, xã) kiểm soát được dịch khi đáp ứng được hai nhóm điều kiện.
Thứ nhất, số ca mắc mới trong cộng đồng theo tuần giảm liên tục so với 2 tuần trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch; tỷ lệ dương tính bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR trong ngày tại cộng đồng giảm trong vòng 14 ngày; không ghi nhận, chuỗi lây nhiễm mới trong vòng 7 ngày.
Thứ hai, địa phương phải giảm từ 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; từ 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; từ 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.
Lắp đèn UV khử khuẩn cho toàn bộ thang máy chung cư
Ban quản lý khu đô thị Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) vừa thống nhất với cư dân lắp đèn UV khử khuẩn cho toàn bộ thang máy trong các tòa tháp tại đây.
Thang máy được xem là không gian kín, nhiều bề mặt kim loại là nơi virus SARS-CoV-2 bám dính lâu, có nhiều chỗ thường xuyên tiếp xúc như nút bấm trên bảng điều khiển, thanh vịn...
Nhiều chung cư, tòa nhà đã phải lên lịch khử khuẩn thang máy bằng dung dịch cồn liên tục. Tuy nhiên, biện pháp truyền thống này cũng có nhiều hạn chế như không thể thực hiện xuyên suốt, cồn có thể làm hỏng, chập điện bảng điều khiển...
Sau khi lựa chọn nhiều giải pháp, Ban quản lý tại đây đã đề xuất lắp đèn UV khử khuẩn. Toàn bộ thang máy tại các tòa nhà sẽ được lắp thiết bị từ ngày 1-8/9.
Trả lời phỏng vấn Zing, chị Lê Ngọc Trân (cư dân Masteri Thảo Điền) cho biết: “Thông tin được ban quản lý gửi đến cho toàn bộ cư dân, riêng cá nhân tôi rất ủng hộ biện pháp này. Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, với người dân tại chung cư thì thang máy là nguồn lây nhiễm nhiều nguy cơ nhất. Nếu có biện pháp này thì tôi khá yên tâm”.
Ngoài ra, theo thông tin từ Ban quản lý chung cư này, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cư dân, đèn UV khử khuẩn chỉ bật sáng khi thang máy không có người.
Bên cạnh Masteri Thảo Điền, Ban quản trị và Ban quản lý của Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) cũng đang thử nghiệm đèn UV khử khuẩn tại một vài thang máy.
Hiện, Ban quản trị tại đây còn đang đợi thêm sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia về ảnh hưởng của loại đèn này khi sử dụng đối với sức khỏe.
Song song với việc khử khuẩn, Vinhomes Central Park hiện cũng tăng cường thêm các biện pháp chống dịch. Để tránh tình trạng có nguồn lây nhiễm không mong muốn từ các shipper, đơn hàng giao nhận của cư dân sẽ được giao tại chốt kiểm soát, các tình nguyện viên phụ trách giao đến tận cửa cho cư dân.
“Chúng tôi muốn thực hiện các biện pháp chống dịch tốt nhất có thể. Ở chung cư phân phối dân cư phức tạp, nên việc giao nhận tại chốt do tình nguyện viên đảm nhận sẽ phần nào giảm thiểu khả năng tiếp xúc của cư dân với nguồn lây nhiễm từ bên ngoài”, đại diện Ban quản trị Vinhomes Central Park cho biết.
Các tình nguyện viên đăng ký đều đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, ngoài ra cứ 3-4 ngày phải thực hiện test nhanh toàn bộ.
Sau khi tiêm, người dân được phát phiếu xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
TP.HCM đã được phân bổ 9,1 triệu liều vaccine
Bộ Y tế vừa quyết định cấp thêm hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca và Pfizer cho TP.HCM, nâng tổng số vaccine được phân bổ cho thành phố lên hơn 9,1 triệu liều.
Tính đến nay, số vaccine TP.HCM được nhận chiếm gần 32% tổng số vaccine đã phân bổ trên cả nước. Theo Bộ Y tế, với gần 7 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên, thành phố dự kiến được phân bổ gần 13,8 triệu liều vaccine.
Đến nay, TP.HCM đã được phân bổ hơn 65% kế hoạch.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến nay, TP.HCM đã tiêm khoảng 6,1 triệu liều vaccine Covid-19 (đạt 66% so với số vaccine được phân bổ). Thống kê cho thấy 86,2% dân số trên 18 tuổi ở thành phố đông dân nhất cả nước đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Trong kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 tại TP.HCM vừa được ban hành hôm 31/8, việc tiêm vaccine cho người dân chia làm 4 giai đoạn. Tổng cộng số lượng vaccine cần sử dụng cho 4 đợt từ ngày 29/8 đến 31/12 là hơn 8,1 triệu liều. Trong đó, sử dụng cho mũi 1 khoảng 1,4 triệu liều; sử dụng cho mũi 2 khoảng hơn 6,7 triệu liều.
Trong đó, giai đoạn 1 (29/8 - 15/9), thành phố cần hơn 2,7 triệu liều để tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người để đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên. Thời gian này, thành phố tiêm nhắc mũi 2 cho hơn 2 triệu người đã tiêm mũi 1, gồm: 733.000 người cần tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer; 485.000 người tiêm Moderna; 31.000 người tiêm Pfizer; 840.000 người tiêm Vero Cell. Số này sẽ tiêm trong thời gian 6-10/9.
Giai đoạn 2 (16/9 - 30/9), thành phố cần hơn 1,3 triệu liều vaccine để phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Đồng thời, tiêm nhắc mũi 2 cho khoảng 656.900 người đã tiêm mũi 1, gồm: 500.000 người cần tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer; 18.200 người tiêm Moderna; 700 người tiêm Pfizer; 138.000 người tiêm Vero Cell.
Giai đoạn 3 (1/10 - 15/10), thành phố tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.
Giai đoạn 4 (16/10 - 31/12), tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 (từ 29/8 đến 30/9) theo loại vaccine phù hợp.
Để đủ vaccine tiêm theo kế hoạch này, ngoài việc tiếp nhận nguồn vaccine từ Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố được giao phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất UBND TP.HCM đàm phán và mua vaccine. Thành phố tiếp tục vận động nguồn vaccine được tài trợ từ các đơn vị, tổ chức.
Liên tục cập nhật thông tin tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM
TP.HCM mời F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch
Thành phố sẽ tuyển dụng và trả lương cho các F0 được điều trị khỏi tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19, theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Thông tin được bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 2/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 226.622 ca nhiễm và trải qua 11 ngày siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".
Theo ông Nam, tính đến ngày 1/9, hơn 116.300 ca Covid-19 ở thành phố đã khỏi bệnh, xuất viện. Đây là nguồn lao động rất quý vì sau khi được điều trị những người này đã có kháng thể, có thể miễn nhiễm tạm thời đối với nCoV.
Do đó, thành phố tính toán tuyển dụng và trả lương cho lực lượng này để chăm sóc những bệnh nhân Covid-19.
Trước khi tuyển dụng, họ sẽ được xét nghiệm, để bố trí vào những vị trí phù hợp như hỗ trợ điều dưỡng, khử khuẩn để nhân viên y tế làm công tác chuyên môn "Thành phố trân trọng mời gọi các F0 xuất viện tham gia chống dịch", ông Nam nói.
Liên quan việc lấy mẫu cho shipper, ông Nam cho biết từ 30/8 đến nay, các trạm y tế lưu động đã xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 cho các shipper mỗi sáng. Trong 4 ngày, ngành y tế đã xét nghiệm 6.731 mẫu và phát hiện 64 ca dương tính.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi "có tiếp tục sử dụng giấy đi đường sau ngày 6/9" hay không, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết việc này phụ thuộc vào quyết định của UBND thành phố.
Trước đó, thông tin về công tác chống dịch 24 giờ qua, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM cho biết hiện có hơn 41.000 bệnh nhân đang điều trị; 217 ca tử vong trong ngày 1/9, giảm 86 ca so với ngày 31/8. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 9.724 ca tử vong do Covid-19.
Đến nay, hơn 6,3 triệu người trên 18 tuổi tại TP.HCM đã tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó 6 triệu người tiêm mũi 1, hơn 350.000 người tiêm hai mũi. Gần 685.700 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm vaccine.
Đội ngũ y, bác sĩ điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Bộ Y tế.
TP.HCM đã có 232.585 ca nhiễm COVID-19 được công bố
Trong ngày 2/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.963 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 232.585 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
TP.HCM đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương đối tượng F0 khỏi bệnh để tham gia vào các công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị. Vì những đối tượng này sau khi điều trị khỏi bệnh đã có nồng độ kháng thể trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành y tế, có thể hỗ trợ điều dưỡng, khử khuẩn… tạo điều kiện cho nhân viên y tế tập trung thực hiện công tác chuyên môn, điều trị cho bệnh nhân.
Trong ngày 2/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Quận 7 đã tổ chức lễ công bố kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn quận. Thời gian qua, Quận 7 đã kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong từng giai đoạn chống dịch. khẩn trương khoanh vùng phong tỏa, thần tốc truy vết xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất; sàng lọc, kiểm soát để thu dung điều trị kịp thời, giảm tối đa trường hợp tử vong.
Hôm nay là ngày thứ 12 thành phố siết chặt giãn cách xã hội, người dân “ai ở đâu thì ở đó”. Để sớm kiểm soát được dịch bệnh, TP.HCM đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 và xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm người bệnh, đưa vào quản lý, điều trị.
Diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM
TP hiện đang điều trị 40.979 bệnh nhân, trong đó có 2.522 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.720 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 197 trường hợp tử vong trong ngày, giảm 106 trường hợp so với ngày 1/9.
Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19: Nguyên tắc của tiêm vắc xin phòng COVID-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 31/8/2021 là 6.219.536 mũi, tăng 91.192 mũi vắc xin so với ngày 30/8/2021, trong đó tổng số mũi 1 là 5.876.039, mũi 2 là 343.497, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 683.077.
Xét nghiệm COVID-19: Tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân ở khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam”. Khu vực “vùng xanh” và “vùng vàng” sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho “vùng vàng” và mẫu gộp 10 cho “vùng xanh”. Tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ shipper miễn phí từ 5h - 6h tại địa phương.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR từ ngày 27/4 đến 01/9, đã lấy 1.584.389 mẫu, (trong đó có 976.037 mẫu đơn, 608.352 mẫu gộp), với 5.661.626 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 6.534 mẫu, trong đó có 3.595 mẫu đơn và 2.939 mẫu gộp.
Tình hình chăm sóc, theo dõi, điều trị F0 tại nhà
Thành phố đã tổ chức hơn 411 Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai phát túi thuốc A,B,C cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà. Thực hiện giám sát hoạt động tại các Trạm Y tế lưu động.
Bà Đặng Thị Lên sống một mình trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật được lực lượng y tế đến khám và tiêm vắc xin tại nhà.
Tiêm vắc xin tại nhà cho người già yếu, di chuyển khó khăn, “không để ai bỏ lại phía sau”
Với tinh thần không để ai bỏ lại phía sau, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường 3 (quận 3) cùng lực lượng y bác sĩ của Trung tâm y tế quận 3, lực lượng quân y, phòng khám đa khoa tư nhân, sinh viên ngành y đã triển khai tiêm tại nhà cho những người già trên 65 tuổi, di chuyển khó khăn, không có điều kiện tới các điểm tiêm tập trung.
Đội tiêm gồm một cán bộ y tế phụ trách chính, một bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm, một bác sĩ khám sau tiêm, một nhân viên tiêm chủng cùng các lực lượng hỗ trợ hậu cần và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.
Trước khi tiêm, người dân sẽ được thăm khám tình trạng sức khỏe hiện tại, tư vấn về việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Sau khi tiêm xong, người nhà và người được tiêm sẽ được hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm, hướng dẫn sử dụng thuốc nếu có.
Với hoạt động này, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường mong muốn sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn bộ cư dân trên địa bàn, tạo sự an tâm, tin tưởng của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Từ sáng sớm, cả đội đã chuẩn bị dụng cụ cần thiết, đi từng con hẻm trên con đường Bàn Cờ (Quận 3) để tiêm vắc xin cho những người lớn tuổi.
Hai quận, huyện ở TP.HCM công bố kiểm soát được dịch
Ngày 2/9, huyện Củ Chi và quận 7 (TP.HCM) cùng công bố kiểm soát được dịch Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng người dân địa phương về thành tích này.
Ngày 2/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Củ Chi tổ chức hội nghị sơ kết đợt ra quân thần tốc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát dịch Covid-19 từ ngày 15/8 đến 31/8 và phương hướng, nhiệm vụ duy trì kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, giữ vững “vùng xanh” trên địa bàn từ ngày 1/9 đến 15/9.
Tại buổi sơ kết, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện và đề nghị chuyển lời chúc mừng của ông tới nhân dân, hệ thống chính trị huyện Củ Chi vì đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, làm chủ được màu xanh trên quê hương "đất thép thành đồng".
Thủ tướng cũng chỉ đạo huyện Củ Chi tiếp tục tăng cường xét nghiệm để phát hiện, truy ra F0 và kịp thời điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp trở nặng, tử vong. Ông Phạm Minh Chính yêu cầu huyện tăng tốc hơn nữa việc tiêm chủng vì chỉ bao phủ vaccine mới có thể tạo miễn dịch trong cộng đồng.
Huyện Củ Chi cũng cần tiếp tục hỗ trợ, trao túi an sinh, chăm lo cho người dân một cách tốt nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng trong thời gian sớm nhất, huyện Củ Chi sẽ là vùng xanh an toàn.
Phó chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ đề nghị huyện phấn đấu đến ngày 15/9 đảm bảo 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và đến ngày 30/9 hơn 70% người dân được tiêm mũi 2
Từ ngày 15/8 đến 31/8, huyện Củ Chi ghi nhận 2.327 ca mắc Covid-19. Đến ngày 31/8, huyện có 1 xã thuộc vùng có nguy cơ cao; 3 xã thuộc vùng có nguy cơ và 17/21 xã bình thường mới. Tính đến ngày 31/8, 93,32% người dân trên 18 tuổi của huyện đã được tiêm mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 3,86%.
Huyện đã xét nghiệm đạt 300%, qua 3 vòng các khu vực đỏ, cam, vàng và gần đạt 200% vùng xanh. Qua đó, 17.439 mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp 10 và 85.194 mẫu test nhanh đã được lấy.
Cũng trong sáng 2/9, Bí thư Quận 7 Võ Khắc Thái cho biết Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận 7 đã tổ chức lễ công bố kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn quận.
Từ 23/8 đến nay, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên địa bàn quận giảm mạnh. Trước đây, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 có từ 4-5 ca tử vong/ngày. Nhưng đến nay, con số này giảm xuống còn 2 ca/ngày. Ngày 1/9, quận 7 không ghi nhận ca tử vong.
Tính đến 25/8, quận có 191 tổ dân phố vùng đỏ, 47 tổ dân phố vùng cam, 100 tổ dân phố vùng vàng và 409 tổ dân phố vùng xanh. Số dân trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi vaccine tính đến 31/8 là 223.846 người, đạt tỷ lệ 93,94%. Số người trên 65 tuổi đã tiêm mũi 1 là 15.957, đạt tỷ lệ 97,07%. Tổng số người nước ngoài đã tiêm là 4338/17.693, đạt tỷ lệ 24,52%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận