Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay (ngày 14/8) mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh - xuất viện và trường hợp tử vong được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Cập nhật tin tức về dịch Covid-19 TP.HCM ngày 14/8 mới nhất
Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 13/8 đến 18h ngày 14/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.710 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, tại TP.HCM ghi nhận nhiều nhất với 4.231, tiếp đến là Bình Dương (2.029), Đồng Nai (1.023), Long An (653), Tiền Giang (461), Khánh Hòa (164), Cần Thơ (164), Đồng Tháp (118), Tây Ninh (97), Đà Nẵng (87), Bà Rịa - Vũng Tàu (77), Gia Lai (70), Vĩnh Long (57), Thừa Thiên Huế (57), Bến Tre (40), Hà Nội (40), Phú Yên (40), Bình Thuận (36), Quảng Ngãi (35), An Giang (33), Kiên Giang (32), Đắk Lắk (26), Bình Định (23), Ninh Thuận (22), Sơn La (17), Trà Vinh (16), Lâm Đồng (14), Nghệ An (12), Nam Định (8 ), Bình Phước (5), Quảng Trị (4), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (3), Hải Dương (3), Lạng Sơn (2), Thái Bình (2), Lào Cai (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (1), Quảng Bình (1) trong đó có 3.510 ca trong cộng đồng.Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca.
Tại TP.HCM tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).
Ngày 14/8, 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 96.985 ca.Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 579 ca.Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 14/8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 150.579 xét nghiệm cho 569.731 lượt người.Trong ngày 13/8 có 727.902 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.
Sáng nay (14/8), bản tin của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, theo kết quả sơ kết kết quả triển khai Chỉ thị 12-CT/TU thực hiện từ ngày 02-08/8, tình hình kiểm soát dịch có chiều hướng chuyển biến tích cực hơn. Thành phố đã triển khai tiêm vắc xin Vero Cell cho người đăng ký đồng ý tiêm với tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.
Thêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell về đến TP.HCM
Hôm nay (14/8), chuyến bay charter của Vietnam Airlines số hiệu VN5515 từ Bắc Kinh (Trung Quốc) chở khoảng 17 tấn vắc xin Vero Cell của Hãng Sinopharm, tương đương 1 triệu liều, đã đến Tân Sơn Nhất.
Tương tự các lô vắc xin trước đây, toàn bộ vắc xin được lưu trữ trong thùng container lạnh chuyên dụng, được nhân viên hàng hóa giám sát nhiệt độ thường xuyên.
Được biết lô vắc xin này nằm trong số 5 triệu liều vắc xin Vero Cell mà Bộ Y tế đồng ý để Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu.
Ngày 31/7, Sapharco đã tiến hành thủ tục nhập khẩu thông quan tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và tiếp nhận 4 lô vắc xin với tổng số lượng 1 triệu liều, bảo quản tại kho của công ty. Ngày 10/8, Bộ Y tế có văn bản đồng ý TP.HCM sử dụng 1 triệu liều vắc này.
Ngày 12/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã cấp phát 44.000 liều vắc xin Vero Cell đến các quận huyện. Trong ngày 13/8, TP đã tiêm được 17.916 liều vắc xin này cho người dân, tất cả đều an toàn.
Máy bay của Vietnam Airlines chở vắc xin tới sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VNA
Hôm nay 14/8, các quận, huyện tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Vero Cell cho người dân trên tinh thần tự nguyện.
Thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà từ 16/8
Bộ Y tế cho biết trên cơ sở trao đổi và thống nhất với TP.HCM, bộ và Tập đoàn Vingroup sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0, sau đó sẽ triển khai ở cộng đồng.
Chương trình được bắt đầu triển khai thí điểm tại TP.HCM từ ngày 16/8. Các trường hợp F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng, được cung cấp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe.
Ngoài ra, F0 còn được cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện có những tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với các F0 để họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Để đảm bảo việc triển khai chương trình an toàn, hiệu quả, Hội đồng đạo đức y sinh học đã thống nhất triển khai đánh giá tại cơ sở y tế trong thời gian từ ngày 16/8 đến 22/8 trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng.
1.671 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO
Tính đến 6h ngày 14/8/2021, có 143.014 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó: 142.618 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 396 trường hợp nhập cảnh.
Các cơ sở y tế đang điều trị 32.608 bệnh nhân, trong đó: có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.671 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13/8 có 2.175 bệnh nhân xuất viện. Điều tra, truy vết, khoanh vùng: trong ngày không phát hiện thêm ổ dịch mới. Hiện có 20 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.
Kết quả xét nghiệm phục vụ công tác điều tra, truy vết, mở rộng xét nghiệm: Kết quả xét nghiệm từ ngày 27/4 đến 13/8, đã lấy 1.215.069 mẫu, (trong đó có 720.850 mẫu đơn, 494.219 mẫu gộp), với 4.503.043 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 7.217 mẫu, trong đó có 6.838 mẫu đơn và 379 mẫu gộp.
Cấp phát thêm 118.000 liều vắc xin Vero Cell đến các quận huyện
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 với nguyên tắc dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. HCDC đã cấp phát thêm 118.000 liều vắc xin Vero Cell đến các quận huyện. Các quận huyện sẽ triển khai tổ chức triển khai tiêm dựa trên sự đồng thuận của người dân.
Các địa phương, cơ sở y tế tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú; giám sát, chăm sóc sức khoẻ các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Hiện thành phố đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.029 F0, trong đó có 11.994 trường hợp F0 mới và 23.035 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.432 người.
Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.456 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 12.516 người.
TP.HCM tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 140.000 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Tính đến ngày 13/8, tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 tại TP.HCM là 65.135 người.
Để khống chế và kiểm soát dịch bệnh, trong 30 ngày sắp tới, Thành phố sẽ tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột. Thứ nhất là chiến lược điều trị F0 tại nhà và cộng đồng với mục tiêu để kéo giảm ca diễn tiến nặng, tử vong thông qua rà soát và nắm chắc danh sách F0 điều trị tại nhà; tư vấv, theo dõi sức khỏe hàng ngày; có túi thuốc điều trị và phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn tiến nặng. Thứ hai là chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện theo hệ thống 5 tầng, mấu chốt được xác định là oxy và thuốc (theo chỉ định của Bộ Y tế).
Trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”, TP.HCM đã đưa ra hướng dẫn về công tác cung ứng thực phẩm cho người dân. Theo đó, điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực “vùng xanh” nào thì cung ứng cho người dân ở khu vực đó. Hàng tuần, chính quyền địa phương sẽ phát phiếu đi chợ cho hộ gia đình ghi rõ địa điểm, thời gian được đi mua thực phẩm. Bên cạnh đó, ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho cư dân “vùng xanh” và thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định hoặc khi có yếu tố dịch tễ.
Cũng theo HCDC, số ca nhiễm tại TP.HCM đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, thành phố cần quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch để giữ vững thành quả đang đạt được.
TP.HCM tiêm gần 18.000 liều vắc xin Vero Cell trong 1 ngày, tất cả an toàn
Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong ngày 13/8, TP.HCM đã tiêm được 93.993 liều vắc xin COVID-19, trong đó, có 17.916 liều của Sinopharm. Sáng nay 14/8, nhiều quận huyện tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Vero Cell.
Như vậy từ đầu đợt 5 (ngày 22-7) đến hết ngày 13/8, TP tiêm được 3.399.000 liều vắc xin cho người dân. Tất cả đều an toàn.
Theo sở, so với những ngày trước, tốc độ tiêm chủng của TP giảm đáng kể do đã tiêm gần hết số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ.
Trước đó, ngày 12/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã cấp phát 44.000 liều vắc xin Vero Cell đến các quận huyện. Hôm nay là ngày thứ 2 các quận, huyện triển khai tiêm vắc xin Vero Cell trên tinh thần tự nguyện.
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ngày 13-8, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết TP sẽ khai thác tiếp 1 triệu liều vắc xin của Sinopharm đã được Bộ Y tế kiểm định xong.
Ông Đức khẳng định, TP chỉ sử dụng vắc xin đáp ứng 2 điều kiện: được WHO thẩm định cấp phép sử dụng và Bộ Y tế thẩm định, cấp phép. TP xác định đảm bảo chất lượng thì sẽ đưa vắc xin đó đến với người dân, và mong người dân ý thức tầm quan trọng của vắc xin và tiếp nhận khi có vắc xin.
Toàn Thành phố có hơn 4,3 triệu người đã được tiêm vắc xin
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ngày 13/8, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết riêng đợt 5 và 6, toàn Thành phố đã tiêm được tổng số 3.291.872 liều vắc xin phòng COVID-19, cộng với số đã tiêm đợt trước, toàn Thành phố có tổng số hơn 4,3 triệu người được tiêm vắc xin, trong đó hơn 100.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Hiện tại toàn hệ thống tiêm chủng của Thành phố có sự tham gia của 87 bệnh viện và 1.200 đội tiêm tại các quận, huyện. Thành phố đã đẩy nhanh tốc độ tiêm, ngày cao điểm đạt 318.000 liều. Việc thực hiện tiêm chủng được triển khai rất linh động, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về di chuyển như người già, người khuyết tật…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số 650.000 người thuộc đối tượng được tiêm chủng chính trong đợt này gồm người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, Thành phố đã tiêm cho 456.391, đạt hơn 70% yêu cầu đặt ra.
Ông Dương Anh Đức cho biết hầu hết vắc xin do Bộ Y tế phân bổ đã được Thành phố tiêm hết. Như vậy Thành phố sẽ khai thác tiếp 1 triệu liều vắc xin Sinopharm đã được Bộ y tế thẩm định xong. Ông Dương Anh Đức khẳng định, Thành phố chỉ sử dụng vắc xin đáp ứng 2 điều kiện: được WHO thẩm định cấp phép sử dụng và Bộ Y tế thẩm định, cấp phép. Thành phố xác định đảm bảo chất lượng thì sẽ đưa vắc xin đó đến với người dân, và mong người dân ý thức tầm quan trọng của vắc xin và tiếp nhận khi có vắc xin.
Được biết, ngoài lô vắc xin Sinopharm, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh, đàm phán, tìm kiếm cơ hội, trong đó có 5 triệu liều Moderna. Tuy nhiên nhu cầu vắc xin Moderna trên thế giới rất cao nên việc mang được vắc xin này về trong tháng 10 hoặc trong năm 2021 là rất khó khăn.
TP.HCM yêu cầu các quận, huyện đăng ký thời hạn, tiến độ tổ chức cho chợ hoạt động lại
UBND TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn về việc xây dựng phương án tổ chức chợ truyền thống hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn đến các sở, ngành và UBND các quận, huyện.
Theo văn bản này, UBND TP giao Sở Công thương theo dõi, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và UBND các quận huyện xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống trên địa bàn và các điểm bán lương thực thực phẩm thiết yếu.
Đối với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, UBND TP yêu cầu bám sát các hướng dẫn của Sở Công thương, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương khẩn trương thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án tổ chức hoạt động lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống hoặc triển khai phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động.
Ngoài ra, UBND các quận huyện phải đăng ký thời hạn, tiến độ triển khai, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để Sở Công thương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.
Chỉ đạo đơn vị y tế phối hợp các đơn vị quản lý chợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh, ngẫu nhiên đối với tiểu thương, người mua hàng tại chợ/điểm bán; thực hiện phun xịt, khử khuẩn định kỳ đối với điểm bán hiện đang hoạt động.
Thông tin từ nhiều quận, huyện cho biết, mô hình mở lại chợ với quy mô nhỏ từ 10-20 gian hàng kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống đang được triển khai nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều điểm chợ vẫn còn gặp khó để mở bán trở lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt các chợ nằm trong khu dân cư đông đúc đang phải tạm ngưng trong thời gian dài.
Do đó, để hỗ trợ nguồn cung thực phẩm cho người dân, nhiều quận huyện cho biết sẽ tăng mạnh giải pháp bán hàng lưu động, hàng online, bán hàng theo nhóm.
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện TP có 40 chợ đang hoạt động và 197 chợ tạm ngưng (tính cả 3 chợ đầu mối) trong tổng số 237 chợ. Như vậy, TP có thêm 8 chợ được hoạt động lại so với thời điểm cuối tháng 7. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quận huyện đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.
Bác thông tin "người dân Q.12 bỏ về hết khi tiêm vắc xin Trung Quốc"
Chiều 13/8, nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán hình ảnh, thông tin với nội dung “Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết”. Tuy nhiên, thông tin, hình ảnh này sau đó được xác định là không chính xác.
Thông tin không chính xác được chia sẻ trên mạng xã hội chiều 13/8.
Tối cùng ngày, Báo Thanh Niên dẫn trao đổi với ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND Q.12 khẳng định đây là thông sai sự thật.
"Hôm nay Q.12 không tổ chức tiêm vắc xin trong cộng đồng. Thông tin lan truyền trên mạng là thông tin không đúng sự thật. Những hình ảnh đăng trên facebook cũng không nằm trong các điểm tiêm vắc xin của Q.12”, ông Đức thông tin.
Ông Nguyễn Văn Đức cho biết đã chỉ đạo Công an Q.12 xác minh đồng thời phối hợp với Công an TP.HCM làm rõ thông tin, xác minh đối tượng để xử lý theo quy định.
Lãnh đạo UBND Q.12 khuyến cáo người dân nên thận trọng, tỉnh táo, không tiếp nhận và chia sẻ các thông tin không chính thống trên mạng xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận