Xã hội

Dịch Covid-19 TP.HCM ngày 27/9: TP.HCM "mở cửa" thế nào từ 1/10?

27/09/2021, 20:00

Dịch Covid-19 ngày 27/9 tại TP.HCM: Trong dự thảo chỉ thị mới, TP HCM cho phép mở nhiều hoạt động như đám cưới, thể thao, hớt tóc, thương mại...

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 27/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

Trong dự thảo chỉ thị mới, TP.HCM cho phép mở nhiều hoạt động đi kèm với yêu cầu cụ thể về vaccine và xét nghiệm.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa gửi các quận huyện trên địa bàn đề nghị góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

img

TP.HCM vẫn duy trì 12 chốt cửa ngõ ra vào thành phố sau ngày 1/10

Theo dự thảo, từ 0h ngày 1/10, TP.HCM từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch" của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19.

Cụ thể, thành phố dự kiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được tổ chức ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) tập trung tối đa 10 người; 50 người nếu 100% người tham gia tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi Covid-19.

Tổ chức, cá nhân có Thẻ xanh Covid-19 được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch của ngành y tế và các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trên các lĩnh vực.

Cụ thể các nhóm ngành nghề, dịch vụ được hoạt động, gồm: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện.

Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y. Công trình giao thông, xây dựng.

Ngành nghề dịch vụ thương mại: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; các cơ sở kinh doanh dược, vật tư, trang thiết bị y tế, dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa.

Cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng dầu, hóa chất, điện nước, nhiên liệu, sửa chữa; dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; tiện ích công cộng như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải; trạm thu phí; vệ sinh môi trường; quan trắc và xử lý môi trường;

Hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại thành phố; tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics và bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp...), chứng khoán.

Bưu chính, viễn thông; xuất bản báo chí; hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; doanh nghiệp lịch; cửa hàng sách; đường sách; thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật; nhiếp ảnh; đồ dùng, dụng cụ học tập, cửa hàng mắt kính; công nghệ thông tin; thiết bị tin học; cửa hàng điện máy;

Kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa; trung tâm thương mại, siêu thị (bao gồm siêu thị mini), cửa hàng tiện lợi; cửa hàng tạp hóa; cơ sở bán lẻ hàng hóa; nhà hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán mang đi trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép bán tại chỗ); chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Các cơ sở cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất; cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, bảo tàng được hoạt động tối đa 30% công suất và điều kiện khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật: sự kiện, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức quy mô tối đa 30% công suất và điều kiện 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19...; hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động tối đa 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vaccine hoặc, khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 50 người.

Đám cưới được tổ chức tối đa 50 người, đám tang tối đa 20 người dự. Cả 2 hoạt động này phải có giám sát của nhân viên y tế địa phương.

Đối với hoạt động giáo dục, thành phố tiếp tục dạy học trực tuyến. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn.

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ trường hợp cơ quan thẩm quyền cho phép); hoạt động của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

TP.HCM tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra, vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn cửa ngõ giáp ranh các tỉnh. Chốt kiểm soát kiểm tra phương tiện, người đi đường bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Thành phố tăng cường kiểm soát lưu động tại điểm mật độ đi lại cao.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt đường thủy tối đa 50% công suất. Vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động nhưng đảm bảo biện pháp phòng dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh.

Shipper vận chuyển hàng hóa bằng xe máy và người vận chuyển hàng hóa bằng xe máy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký với UBND quận, huyện được phép hoạt động. Nhóm này phải tiêm đủ liều vaccine, hoặc khỏi bệnh Covid-19; được xét nghiệm định kỳ.

TP.HCM phối hợp các địa phương tổ chức việc đi lại cho các nhóm ưu tiên gồm: công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh... Thành phố cũng kiến nghị mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 371.660 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại TP.HCM được ghi nhận giảm mạnh, có 131 ca tử vong trong ngày 26/9 trong khi cuối tháng 8/2021, con số này lên đến hơn 350 trường hợp.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM trong ngày 27/9.

TPHCM sắp mở cửa lại chợ truyền thống

Tại buổi họp báo chiều 27/9, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, nhằm chuẩn bị cung ứng hàng hóa cho Thành phố, Sở đã làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ; cũng như hỗ trợ các đơn vị thực hiện tiêm vắc xin.

Theo Sở Công thương TP.HCM, đơn vị này đã đưa các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm vào hoạt động. Cụ thể, đã có 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đi vào hoạt động. Mỗi ngày có khoảng 300 tấn hàng về các chợ này để phục vụ người dân trên địa bàn TP.HCM.

Theo lộ trình dự kiến mở cửa trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch của TP.HCM (nhất là kể từ sau ngày 1/10), nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa được tạo điều kiện thông thoáng hơn, nhu cầu “đi chợ hộ” sẽ tiếp tục giảm, khả năng gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP nên Sở Công thương đặc biệt xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa hoạt động đối với các chợ truyền thống trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch COVID-19; đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

“Sở Công Thương đã đề nghị UBND các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát, xây dựng phương án hoạt động phù hợp để tổ chức hoạt động chợ trở lại trong điều kiện an toàn. Sở cũng phối hợp hiệp hội doanh nghiệp, UBND quận huyện, khu công nghiệp - khu chế xuất TP để hướng dẫn tổ chức xây dựng phương án hoạt động sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn khi mở cửa trở lại” - bà Kim Ngọc cho biết.

Thêm 2,6 triệu liều vắc xin Đức tặng về đến TP.HCM

Ngày 27/9, lễ bàn giao lô 2,6 triệu liều vắc xin nói trên đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, đại diện Bộ Y tế, và Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner.

Theo thông cáo của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, hôm 26/9, lô vắc xin gồm 2,6 triệu liều của Hãng AstraZeneca nói trên đã về đến TP.HCM. Lô vắc xin này được viện trợ từ nguồn dự trữ của Đức, như đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

"Đối tác chiến lược ngay cả trong đại dịch, Đức hỗ trợ bổ sung 2,6 triệu liều vắc xin cho Việt Nam" - Đại sứ quán Đức tại Việt Nam viết trong thông cáo.

Đây là lô vắc xin thứ hai từ Đức viện trợ cho Việt Nam trong vòng hai tuần qua. Cùng với lô vắc xin được vận chuyển qua cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX hôm 16/9, Chính phủ Đức đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 3,45 triệu liều vắc xin COVID-19.

"Sự hỗ trợ này thể hiện tinh thần đoàn kết của chúng tôi với người dân tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với mối quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam mà hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập trong năm nay.

Nước Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19" - Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner phát biểu.

150.000 F0 tại TP.HCM vẫn được chăm sóc, điều trị dù chưa có mã số bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo thống kê, TP có gần 150.000 F0 chưa được cấp mã số quốc gia. Tuy nhiên, tất cả đều có trong danh sách và được cấp thuốc, chăm sóc, điều trị.

Trả lời phóng viên về việc Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân cho các F0 được phát hiện qua test nhanh, bác sĩ Châu cho biết theo quy định của Bộ Y tế, để xác định một trường hợp là F0 cần xác định bằng kỹ thuật RT-PCR. Dùng test nhanh có hạn chế là độ nhạy và đặc hiệu không cao.

Tuy nhiên, tháng 8 và tháng 9 vừa qua, số ca bệnh tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, về khoa học, một trường hợp có biểu hiện lâm sàng của mắc Covid-19 qua test nhanh thì cần được xác nhận nhiễm để điều trị thay vì chờ kết quả RT-PCR. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có công văn cho phép công nhận người có kết quả test nhanh dương tính là F0.

Thời gian qua, TP.HCM đã ghi nhận tất cả trường hợp test nhanh dương tính là F0 và quản lý đúng quy định, đảm bảo điều kiện cách ly, phát gói thuốc A-B-C để chăm sóc tại nhà. Tất cả bệnh nhân này đều có trong danh sách của TP.HCM và được cấp thuốc, điều trị.

Tuy nhiên, các trường hợp này chưa được cấp mã số quốc gia. Do đó, vừa qua, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế bổ sung các trường hợp này vào danh sách quốc gia. Theo thống kê của TP.HCM, có gần 150.000 F0 thuộc nhóm này.

Số lượng 150.000 ca này là những trường hợp đã được tiếp nhận, đã lập danh sách và được điều trị tại nhà, theo dõi đầy đủ.

Số ca tử vong và nhập viện do dịch COVID-19 ngày càng giảm sâu

Trong những ngày qua, số ca mắc mới, bệnh nhân nặng và tử vong có xu hướng giảm dần, trong khi số bệnh nhân xuất viện tăng lên nhanh.

Cụ thể, trong ngày 25/9, thành phố ghi nhận 3.512 bệnh nhân nhập viện, giảm mạnh so với những ngày trước đó.

Số bệnh nhân nặng đang thở máy giảm còn 1.918 ca trong ngày 25/9, trong khi con số này vào ngày 23/9 là 2.037 ca; ngày 21/9 là 2.174 ca. Số bệnh nhân tử vong do COVID-19 cũng ghi nhận giảm mạnh, có 131 ca tử vong trong ngày 26/9; trong khi cuối tháng 8/2021, con số này lên đến hơn 350 trường hợp.

Tương quan với các chỉ số này là số bệnh nhân xuất viện ghi nhận ngày càng nhiều. Trong ngày 25/9, TP.HCM có 3.495 bệnh nhân xuất viện, tăng 700-800 ca so với cách đây 5-6 ngày.

Điểm tích cực trong công tác phòng, chống dịch cũng thể hiện qua tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện qua các đợt xét nghiệm cộng đồng ngày càng giảm.

Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, thành phố bắt đầu bước vào đợt cao điểm xét nghiệm từ ngày 22/9.

Trung bình mỗi ngày thành phố lấy khoảng 1 triệu mẫu xét nghiệm. Qua 8 ngày, ngành y tế đã lấy mẫu 2 đợt cho tất cả các vùng và tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 cũng giảm dần qua từng đợt.

Cụ thể, ở “vùng xanh,” nếu như ngày 22/9 tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện là 0,2%, thì đến ngày 25/9 chỉ còn 0,1%; vùng "cận xanh" ngày 22/9 là 0,3%, giảm còn 0,2% vào ngày 25/9; riêng ở "vùng vàng" không thay đổi là 0,2 %.

Đáng chú ý, ở khu vực "vùng cam" chỉ ghi nhận 0,3% số ca dương tính với SARS-CoV-2, trong khi ngày 22/9 tỷ lệ này là 0,6%. Tương tự, kết quả xét nghiệm ở khu vực "vùng đỏ" cho thấy tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 giảm mạnh chỉ còn 0,4%, từ mức 0,7% ngày 22/9.

img

Vận tải hàng hóa thiết yếu vẫn sẽ được ưu tiên

TP. Hồ Chí Minh xây dựng phương án hoạt động sau ngày 30/9

Xây dựng phương án hoạt động sau ngày 30/9, trong đó vận tải hàng hóa thiết yếu sẽ được ưu tiên. Nguyên tắc chung là người ngồi trên xe phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ đúng quy định 5K.

Với số lượng doanh nghiệp nhiều, Thành phố dự thảo kế hoạch đón công nhân, lao động trở lại làm việc với mục tiêu là tạo điều kiện cho lao động nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.

+ Công tác xét nghiệm toàn thành phố trong 6 đợt có kết quả như sau: Đối với vùng cam và đỏ, thực hiện lấy mẫu bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tỷ lệ dương tính giảm từ 3,7% trong đợt 1 xuống còn 1,1% trong đợt 6.

Đối với vùng xanh, cận xanh và vàng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình. Tỉ lệ dương tính vùng xanh - cận xanh và vùng vàng lần lượt giảm từ 0,9% và 1,8% trong đợt 1 xuống còn 0,7% và 0,9%.

Từ ngày 16/9, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cho phép 3 địa phương cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh là quận 7, huyện Cần giờ, Củ Chi được nới lỏng một số hoạt động. Người dân được đi chợ mỗi tuần một lần, một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh đảm bảo tiêu chí phòng dịch được hoạt động... Việc thí điểm là cơ sở để thành phố áp dụng cho địa phương khác sau khi Covid-19 được khống chế.

Sau 10 ngày 'mở cửa', quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ vẫn kiểm soát được dịch và dự kiến nới lỏng thêm một số hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong đợt xét nghiệm diện rộng từ ngày 22 - 25/9, tỷ lệ dương tính chung các vùng nguy cơ toàn TP. Hồ Chí Minh giảm từ 0,4% xuống 0,2% trên tổng số mẫu được lấy. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 26/9.

img

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế. Ảnh minh hoạ: Phú An.

TP.HCM sẽ có chỉ thị mới về việc mở cửa nền kinh tế

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, UBND TP vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế. Dự kiến, chỉ thị về việc mở cửa nền kinh tế trong tình hình có dịch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 26/9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, TP sẽ có chỉ thị về việc mở cửa nền kinh tế trong tình hình dịch bệnh được áp dụng từ ngày 1/10. Tuy nhiên, tất cả sự chuẩn bị sẽ tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại TP.HCM như địa lý, dân số... vì vậy, Chủ tịch UBND TP đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng, phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.

Ông Phạm Đức Hải cho biết, công văn xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa nền kinh tế sau 1/10, Thành phố có đưa ra 2 đề nghị. Thứ nhất là cho phép TP áp dụng quy định riêng để thực hiện quyết định của Thủ tướng về việc mở cửa nền kinh tế và thứ 2 là quan tâm, ưu tiên vaccine cho TP.HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đảm bảo độ phủ vaccine khi mở cửa nền kinh tế.

"Để đáp ứng cơ chế riêng khi TP.HCM mở cửa nền kinh tế, TP cũng cần đặt 5 tiêu chí đầu tiên mà Bộ Y tế đặt ra. Tuy nhiên đến nay, TP chưa thể nói bất cứ điều gì khi hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn còn là dự thảo. Khi nào dự thảo bắt đầu ký, TP sẽ họp báo để công bố việc triển khai chỉ thị mới trước 0 giờ ngày 1/10”, ông Phạm Đức Hải nói.

Liên quan đến các vấn đề về rào chắn giao thông sau ngày 1/10, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, khi TP ban hành chỉ thị mới về mở cửa nền kinh tế, khi đó TP cũng có dự kiến tháo gỡ rào chắn giao thông trên đường sau ngày 1/10.

"Hiện nay các cơ quan, ban ngành TP.HCM đang họp bàn về dự thảo chỉ thị mới được áp dụng sau ngày 1/10, trong đó có các lộ trình tháo gỡ rào chắn giao thông. Ngoài ra, Sở cũng đang tham mưu về tổ chức giao thông trong thành phố và giao thông liên vùng sau ngày 1/10. Tuy nhiên, tất cả giải pháp đang là dự thảo và cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Đối với vấn đề lưu thông liên vùng, Sở cũng cần có ý kiến của các tỉnh, thành để phối hợp chặt chẽ hơn", ông Phan Công Bằng nói.

img

Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế với trụ sở đặt tại Trung tâm hành chính quận 7.

Trung tâm chỉ huy phòng chống COVID-19 và khôi phục kinh tế đầu tiên ở TPHCM

Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế vừa được khánh thành hôm nay 26/9.

Ngày 26/9, Quận ủy, UBND quận 7 chính thức khánh thành và đưa vào vận hành Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế quận 7 với trụ sở đặt tại Trung tâm hành chính quận (số 7, đường Tân Phú, phường Tân Phú, quận 7). Tham dự lễ khánh thành có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Nội dung điều hành của Trung tâm bao gồm: ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và khôi phục kinh tế; khôi phục kinh tế (nhận diện “Hộ kinh doanh xanh”, “Doanh nghiệp xanh”, “Cá nhân xanh” và “Tổ dân phố xanh”, cấp mã QR code); chăm lo an sinh xã hội (đúng đối tượng, thông tin chế độ, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện); tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh qua hệ thống tin nhắn, email; giám sát việc chấp hành giãn cách xã hội, thực hiện 5K (thông qua hệ thống camera giám sát tại Khu chế xuất và trên đường phố).

Trung tâm chỉ huy đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, mọi mặt của Quận ủy - UBND quận 7 với 1 Phó Chủ tịch UBND quận làm Giám đốc.

Việc thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế quận 7 được đánh giá là 1 trong 4 trụ cột quan trọng của công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế gắn với cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn tập thể lãnh đạo quận 7 và đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm chỉ huy.

Ông nói: “Nếu như cuộc chiến chống COVID là cuộc chiến mang tính chất lịch sử chưa từng có thì các bạn có mặt trong chiến dịch này, đó cũng là một thời khắc lịch sử. Đóng góp bất cứ thứ gì trực tiếp, gián tiếp bằng công sức hay sự hy sinh thầm lặng đều mang ý nghĩa lịch sử".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.