Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng lây lan nhanh, người tiêu dùng đang có tâm lý quay lưng lại với thịt lợn. Cụ thể, tính tới ngày 5/3, giá thịt lợn tại thị trường 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã giảm nhẹ từ 5- 10 nghìn đồng/kg.
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, người chăn nuôi và người dân không nên hoang mang vì bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. "Người chăn nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp “sinh học” như vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch. Về phía người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, dán dấu, lăn dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật. Không nên tẩy chay mặt hàng thịt lợn”, ông Phạm Văn Đông kêu gọi.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên heo với tỉ lệ chết lên đến 100%. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó, người dân không nên tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
“Khác với bệnh cúm, tả lợn châu Phi không lây trực tiếp sang người, nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu khuẩn...
Đây là những bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe con người khi tiếp xúc và sử dụng sản phẩm chưa được nấu chin. Đặc biệt, với bệnh tai xanh và liên cầu khuẩn ở heo, vi khuẩn này tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng phát khi những người tiếp xúc trực tiếp bị trầy xước hoặc có vết thương. Các cơ sở y tế hằng năm đều ghi nhận hàng chục trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn heo dẫn đến xuất huyết, nhiễm độc tiêu hóa, viêm não, viêm màng nào hoặc để lại di chứng suốt đời”, ông Phu cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận