Dịch tả lợn Châu Phi nguy hiểm như thế nào?
Nhận định về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các chuyên gia cho hay: Đây là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do loại viirus độc lực cao gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm trên mọi loại lợn. Ngay sau khi thâm nhập vào cơ thể lợn, virus này sẽ tự nhân lên rất nhanh chóng, lùa vào đường huyết và gây nhiễm trùng huyết rất nặng - lợn sốt cao tới 42 độ C. Virus di trú đến tất cả các cơ quan, tổ chức của cơ thể lợn, tại đó chúng gây ra các ổ viêm xuất huyết, hoại tử.
Thời gian ủ bệnh thường 5 - 10 ngày. Bệnh xuất hiện đột ngột, lợn sốt cao, sốt tới 42 độ C, kéo dài liên tục trong 4 ngày liền. Tuy nhiên, trong thời gian lợn sốt cao, chúng vẫn linh hoạt đi lại, ăn uống bình thường gây cảm giác như lợn hoàn toàn khỏe mạnh, khiến người chăn nuôi không để ý.
Bệnh tả lợn Châu Phi lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người
Đáng nói, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh. “Chúng tôi khẳng định với bệnh dịch này không có chuyện điều trị mà phải tiến hành tiêu hủy. Tại một số địa phương, đã có các đơn vị bán thức ăn chăn nuôi tư vấn có thể khám chữa, điều trị bệnh và lấy mẫu thử virus này. Tuy nhiên, Cục Thú y khuyến cáo không nên thực hiện bởi hành vi này có thể làm lây lan mầm bệnh rộng hơn”, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú Y) Long nhấn mạnh.
Ngay khi vào Việt Nam, tốc độ lây lan của dịch tả lợn Châu Phi là rất nhanh và khó kiểm soát. Ví như, tại Hưng Yên, chỉ từ 2 ổ dịch ban đầu ở TP.Hưng Yên và huyện Yên Mỹ được phát hiện ngày 1/2, đến ngày 27/2, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 35 hộ, 9 thôn của 7 xã ở TP.Hưng Yên, các huyện Yên Mỹ, Ân Thi và Kim Động. Đã có 1.628 con lợn dương tính với bệnh được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tính tới nay, bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231con. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định.
Dịch tả lợn Châu Phi có lây sang người không?
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, người chăn nuôi và người dân không nên hoang mang vì bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. "Người chăn nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp “sinh học” như vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch. Về phía người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, dán dấu, lăn dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật. Không nên tẩy chay mặt hàng thịt lợn”, ông Phạm Văn Đông kêu gọi.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên heo với tỉ lệ chết lên đến 100%. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó, người dân không nên tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
“Khác với bệnh cúm, tả lợn châu Phi không lây trực tiếp sang người, nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu khuẩn...
Đây là những bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe con người khi tiếp xúc và sử dụng sản phẩm chưa được nấu chin. Đặc biệt, với bệnh tai xanh và liên cầu khuẩn ở heo, vi khuẩn này tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng phát khi những người tiếp xúc trực tiếp bị trầy xước hoặc có vết thương. Các cơ sở y tế hằng năm đều ghi nhận hàng chục trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn heo dẫn đến xuất huyết, nhiễm độc tiêu hóa, viêm não, viêm màng nào hoặc để lại di chứng suốt đời”, ông Phu cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận