GS. Nguyễn Minh Thuyết |
“Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, đào tạo đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo việc làm, đãi ngộ…” là những đề xuất của GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trước thực trạng vị thế ngành Sư phạm ngày một giảm sút.
Báo động vị thế người thầy
Năm nay đầu vào của ngành Sư phạm chỉ 3 điểm/môn, giáo sư có đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thực ra cũng không phải trường đại học (ĐH) sư phạm nào cũng lấy điểm thấp và không phải điểm chuẩn của ngành đào tạo nào trong trường sư phạm cũng thấp. Tuy nhiên, so với các ngành khác, điểm đầu vào ngành Sư phạm thật sự thấp. Điều này thể hiện sự lựa chọn rất thực tế của thí sinh và phần nào phản ánh vị thế của người thầy trong xã hội hiện này là “thấp”. Hiện nay, hệ trường có điểm chuẩn cao nhất, thậm chí là 30 điểm, thí sinh vẫn trượt cũng không phải là những ngành có điểm chuẩn cao nhất thường thấy như Y, Dược mà là Học viện An ninh, ĐH Phòng cháy chữa cháy, còn Sư phạm đứng gần cuối bảng. Thí sinh lựa chọn những ngành này vì sinh viên các ngành đó ra trường chắc chắn có việc làm, thu nhập cao… Đó cũng là chuyện bình thường. Trong khi đó, sinh viên sư phạm ra trường chưa chắc có việc làm, hoặc nếu có cũng rất phập phù. Như một số địa phương, mỗi chủ tịch UBND huyện mới lên lại loại một loạt giáo viên hợp đồng cũ và thay vào đội ngũ giáo viên hợp đồng mới… Điều này càng khiến tâm lý vào ngành Sư phạm rất bấp bênh, bởi quyền tuyển người vào ngành giáo dục không thuộc ngành giáo dục.
Điểm đầu vào thấp như vậy liệu có ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra của đội ngũ giáo viên tương lai không, thưa giáo sư?
Nếu đào tạo như một số nước phát triển thì chất lượng đầu vào chỉ được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhưng không quyết định chất lượng đầu ra. Bởi ở nước ngoài, điều kiện đào tạo tốt hơn, sàng lọc cũng tốt hơn, 100 người vào thì chỉ khoảng 50 - 60 người đủ điều kiện ra trường là nhiều. Tuy nhiên, với nước mình thì chất lượng đầu vào ảnh hưởng rất lớn, thậm chí quyết định chất lượng đầu ra. Do vậy, nếu tuyển thấp như thế này rất khó đào tạo ra giáo viên có chất lượng. Quá trình học không giỏi, năng lực có hạn như vậy ra trường chắc gì các cơ quan tuyển dụng đã nhận…
Tôi chỉ e là thí sinh vào các trường học với đầu vào quá thấp sẽ phí thời gian học tập. Tốt nhất, các bạn trẻ nên xem xét khả năng, điều kiện của mình để chuyển hướng, có thể học nghề hoặc nếu vẫn quyết tâm vào ĐH thì nên rèn luyện, nâng cao trình độ năm sau thi… Còn trường nào tuyển thấp như vậy cũng đánh mất đi uy tín của trường.
Có ý kiến cho rằng, đầu vào ngành Sư phạm thấp là hậu quả của chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ của ngành giáo dục. Vậy, giáo sư có bình luận gì về ý kiến này?
Như đã đề cập phía trên, việc ít người chọn ngành Sư phạm rõ ràng là vấn đề xã hội, vấn đề chính sách. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu nhưng khách quan mà xét thì từ chính sách tuyển dụng, đãi ngộ,… đều cho thấy giáo dục chưa phải hàng đầu. Đến hàng hai, hàng ba cũng chưa. Ngày trước, thầy giáo, cô giáo nghèo nhưng vị trí xã hội họ cao, được trọng vọng, nhưng nay vị trí xã hội đó đang bị hạ thấp. Giáo viên bây giờ cũng là một viên chức như mọi viên chức, thậm chí còn bị “soi” nhiều hơn viên chức khác. Có hai “công cụ” quan trọng của thầy cô để điều hành là “điểm và phạt” thì bị tước hết rồi, dạy bảo học trò rất khó. Thậm chí, ở một số nơi, nếu thầy cô nào tiếp tục sử dụng hai công cụ này có khi còn bị phụ huynh xông vào lớp mắng chửi, đánh đập nữa. Nếp tôn sư trọng đạo đã suy, thì ngành Sư phạm ế ẩm không có gì đáng ngạc nhiên.
Chính sách tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên chưa thỏa đáng khiến nhiều người có ý định lựa chọn nghề này mang tâm lý bấp bênh - Ảnh: IT |
Nhà nước phải lo việc cho sinh viên sư phạm
Vậy, để đào tạo đạt chuẩn đầu ra, các trường sư phạm cần phải làm gì, thưa giáo sư?
Từ năm 2006 đến nay, quá nhiều trường đại học, trong đó có các trường sư phạm được mở ra nên cung vượt cầu, khả năng cải thiện tình hình rất khó. Thực tế, không có trường tư nào mở ngành Sư phạm, hầu hết chỉ đổ xô vào những ngành hot, dễ xin việc, mang lại thu nhập cao… Điều này cho thấy vị thế thực của ngành Sư phạm. Chủ yếu là các trường công. Đã mở ra thì buộc họ phải tuyển sinh, đào tạo. Hiện nay, vấn đề cần giải quyết là phải quy hoạch lại mạng lưới trường ĐH nói chung, trong đó có ngành Sư phạm. Bởi, giữ nguyên như hiện nay là không ổn.
Bên cạnh đó, phải tìm một phương án bố trí đội ngũ nhân lực ở trường sư phạm nếu quy hoạch lại… Ví dụ, các trường sư phạm chuyển hướng, tập trung tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục sắp tới, trong đó có đào tạo văn bằng hai cho giáo viên,…
Theo giáo sư, cần phải làm gì để thu hút người tài đến với ngành giáo dục?
Tôi nghĩ rằng, ngành giáo dục chỉ nên tuyển sinh, đào tạo chỉ tiêu vừa đúng, vừa đủ, không nên chạy theo số lượng. Hiện, việc dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên không khó, hoàn toàn có thể tính toán được trong vòng 10-20 năm số lượng giáo viên cho từng môn học để đào tạo có địa chỉ. Khi chỉ tiêu đào tạo được xác định rõ ràng, Nhà nước cần đảm bảo việc làm cho sinh viên ra trường và những người tốt nghiệp cũng cần chấp nhận đi công tác ở mọi vùng miền trong nước. Hiện, ngành Sư phạm vẫn đang miễn học phí cho sinh viên, chính sách này vốn rất có hiệu quả trong những năm đầu triển khai và thu hút được nhiều người giỏi. Lúc đó, điểm chuẩn các trường sư phạm rất cao. Tuy nhiên, chính sách này nhanh chóng mất hiệu lực, bởi việc miễn học phí trong 4 năm học sư phạm không giải quyết được vấn đề gì lớn trong khi ra trường, để kiếm được việc làm cũng có thể tốn khoản phí mà sau này rất khó trả món nợ chạy việc. Tôi nghĩ Nhà nước cần đảm bảo được công ăn việc làm mới có thể thu hút người giỏi đến với ngành Sư phạm.
Cảm ơn giáo sư!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngày 17/8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc làm việc về công tác đào tạo ngành sư phạm. Theo Phó Thủ tướng, tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào của một số trường sư phạm thấp không phải tất cả là do chất lượng đào tạo kém. Nguyên nhân chính là sinh viên sư phạm ra trường khó tìm việc. Bởi thực tế nơi nào, ngành nào đào tạo ra có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định thì sẽ nhiều người đăng ký vào. “Các đồng chí phải xem lại ngay chỉ tiêu các trường sư phạm. Nếu đào tạo sinh viên ra mà không xin được việc sẽ như thế nào? Không thể nói cái gì thiếu thì đào tạo còn thừa thì không quan tâm. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT”, Phó Thủ tướng nói. |
Năm 2018, sẽ có điểm sàn riêng với các trường sư phạm Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước diễn ra chiều 16/8. Theo đó, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Đây là một quy định khá đặc thù vì theo kế hoạch, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ không còn quy định điểm sàn chung cho đại học mà điểm “đầu vào” do các trường tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Nhìn bức tranh chung về tuyển sinh ngành Sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành này, thậm chí nhiều trường đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngoại trừ ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP HCM có điểm chuẩn khá cao, còn lại các trường khác chỉ lấy bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15,5 điểm. Tuy nhiên, với khối cao đẳng sư phạm thì hầu hết điểm đầu vào “thảm” với trung bình 3 điểm/môn. Điều đáng nói là điểm chuẩn ngành Sư phạm quá thấp trong bối cảnh mặt bằng điểm thi năm nay tăng cao. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận