Giao thông

Trả lời nhiều câu hỏi “nóng” về BOT Cai Lậy

18/08/2017, 06:05

Chiều qua (17/8), Bộ GTVT tổ chức họp báo về dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

1

Vị trí trạm thu giá BOT Cai Lậy vẫn nằm trong phạm vi dự án - Ảnh: Hoàng Phương

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ đã trả lời hàng loạt câu hỏi “nóng” về dự án này.

Trạm thu giá Cai Lậy đặt đúng trên phạm vi dự án

Vị trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT Cai Lậy đã chính xác? Tại sao trạm thu giá hoàn vốn dự án tuyến tránh Cai Lậy lại đặt trên QL1?... là những vấn đề được nhiều PV quan tâm. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trạm thu giá Cai Lậy đã đặt đúng trên phạm vi dự án. Cụ thể, theo Thứ trưởng, dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 có tổng chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư 1.398,2 tỷ đồng, bao gồm hai hợp phần. Hợp phần thứ nhất là cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến. Hợp phần thứ hai là đầu tư tuyến tránh TX Cai Lậy dài  12,1km và xây dựng 7 cầu (trong quá trình triển khai thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).

Trạm thu giá Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8. Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh TX Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường QL1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa QL1 trên 300 tỷ đồng.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính về vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ tại Km 1999+600 QL1. UBND tỉnh Tiền Giang sau đó có văn bản đề xuất thay đổi vị trí đặt trạm về vị trí hiện nay (Km 1999+300 QL1). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang. “Vị trí của trạm thu giá hiện tại nằm trên QL1 và vẫn nằm đúng trong phạm vi dự án”, Thứ trưởng Đông tái khẳng định.

Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, phải đặt trạm thu giá ở vị trí hiện nay, đồng thời phải gộp cả cải tạo nâng cấp hơn 26,4 km QL1 và làm mới 12,1km đường tránh thành một dự án mới đảm bảo phương án tài chính. Nếu chỉ làm riêng tuyến tránh Cai Lậy thì dự án không khả thi và sẽ không ai dám đầu tư. Hiện tại, có 8 trạm trên QL1 đang được đặt tương tự như ở Cai Lậy. “Không đặt trạm ở đấy sẽ không có dự án này”, ông Huyện nói và cho biết thêm: Việc thu phí bảo trì đường bộ hiện không đủ tiền để sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống đường quốc lộ hiện nay. Hiện, nhu cầu bảo trì, sửa chữa bảo dưỡng mỗi năm là 23 nghìn tỷ đồng trong khi thu Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ được khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

2

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi của các phóng viên

Dự án PPP phải hài hòa lợi ích

Liên quan đến câu hỏi liệu Nhà nước có bỏ ngân sách ra để mua lại trạm thu giá dịch vụ Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra mua lại”. 

Ngân sách đang rất khó khăn. Mục tiêu hiện tại là thu hút các nguồn vốn xã hội hoá cả trong nước và quốc tế đầu tư vào giao thông. Đây là hướng đi đúng, nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đã chạm ngưỡng trần nợ công. Thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông là cách làm hiệu quả nhất hiện nay để có đường tốt hơn, để việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Đa phần các nước hiện nay, đặc biệt là các nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đang phải thu hút vốn từ kênh tư nhân để đầu tư. 

“Nhà nước mà có tiền để bỏ ra làm được thì quá tốt. Nhưng ngân sách đang rất khó khăn. Theo kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, Bộ GTVT chỉ được phân bổ 30% số vốn so với tổng nhu cầu”, Thứ trưởng Đông nói và nhấn mạnh: Dự án PPP là phải hài hoà lợi ích các bên, không thể thiên về ai được. Lợi ích của Nhà nước là không phải bỏ tiền ra nhưng vẫn phát triển được hạ tầng. Nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận. Người dân có đường tốt hơn để đi lại, làm ăn. Sự hài hoà lợi ích các bên thể hiện qua tính khả thi của dự án, sự quan tâm của nhà đầu tư, qua phương án tài chính.

Thời gian thu giá bao lâu phải căn cứ trên phương án tài chính

Trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án, Bộ GTVT đã quyết định giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm. Tuy nhiên, từ đây, một số PV đặt câu hỏi sau khi giảm giá thì thời gian thu sẽ kéo dài bao lâu?

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư Nguyễn Danh Huy cho biết, việc tính toán phương án tài chính phụ thuộc vào chi phí, lưu lượng xe. Tuy nhiên, do dự án mới đưa vào khai thác nên lưu lượng xe chưa ổn đỉnh. “Chúng tôi đang chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, tính toán cụ thể để đưa ra thời gian chính thức, sau đó mới đàm phán với nhà đầu tư và tổ chức tín dụng”, ông Huy nói và ước tính dự kiến thời gian thu giá dịch vụ kéo dài khoảng 12 -14 năm. “Thực chất, nếu thu cao, thời gian thu ngắn hơn. Nếu thu thấp hơn, thời gian thu dài hơn. Bài toán này có nhiều yếu tố tác động. Ngay cả khi chốt phương án, thời gian thu rồi, hàng năm, hoặc 2 năm một lần chúng tôi vẫn tiếp tục rà lại mức độ tăng trưởng của lưu lượng xe qua trạm để điều chỉnh thời gian thu. Đây là nguyên tắc của hợp đồng BOT”, ông Huy nói thêm. 

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: “Thực chất sau khi giảm giá chúng tôi đang phải điều chỉnh phương án tài chính. Tôi nói dự án PPP phải hài hoà là như thế. Mức giá phải phù hợp để đảm bảo phương án khả thi, khả năng thu hồi vốn”.

Nói thêm về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy, Thứ trưởng Đông thông tin: “Hình thức thu giá ở đây là thu theo lượt nên không tránh được bất cập. Đi 5 - 10km cũng thu giống như đi 30 - 40km. Điều này khác hẳn việc thu kín trên các tuyến cao tốc, đi kilomet nào tính tiền kilomet đấy”. 

Đây cũng là một trong những lý do chúng tôi quyết định giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) và loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; Giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.

Chuyển cầu thành cống là hoàn toàn bình thường

Trả lời câu hỏi của PV về việc người dân phản đối không phải chỉ vì mức giá cao mà họ còn cho rằng vị trí trạm đặt sai. Sắp tới, nếu lái xe tiếp tục dùng tiền lẻ thì Bộ sẽ xử lý thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Những gì không vi phạm pháp luật, người dân được quyền làm. Nếu vi phạm, phải xử lý hành chính đã có cơ quan chức năng tại địa phương xử lý. Đảm bảo trật tự an toàn trên tuyến là trách nhiệm của địa phương”. “Với trạm Cai Lậy, tôi muốn nhấn mạnh, không thể đơn thuần giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính được mà còn căn cứ hợp đồng giữa các bên, bao gồm hợp đồng Bộ GTVT ký với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký với tổ chức tín dụng. Thậm chí, nhà đầu tư thấy không thoả mãn hợp đồng có thể khởi kiện lại cơ quan quản lý. Tất nhiên, đây là việc không ai muốn”. 

Đối với thắc mắc về việc theo thiết kế ban đầu có 7 cây cầu, sau đó lại chỉ còn 5 cầu, 2 cây cầu “biến mất”, theo Thứ trưởng Đông, đây là việc hoàn toàn bình thường trong thi công xây dựng. Lúc đầu thiết kế có 7 cầu, trong đó có 2 cầu bản, dài 6m, tuy nhiên sau đó cân nhắc thực tế đã được chuyển thành cống. “Thiết kế ban đầu chưa phải là cuối cùng. Trong quá trình thực hiện dự án sẽ rà soát và thay đổi sao cho hợp lý. Ở trường hợp này là phù hợp về mặt thiết kế kỹ thuật và đảm bảo thoát nước tốt”, Thứ trưởng nói. 

“Tất nhiên, việc nghiệm thu sẽ căn cứ trên cơ sở khối lượng. Hiện tại, chủ đầu tư đang làm công tác hoàn công, trình bộ thẩm định lại khối lượng để xem xét đưa vào quyết toán”, Thứ trưởng Đông thông tin. 

Nhà đầu tư đang thực hiện quyết toán dự án

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, hiện nhà đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 đang hoàn thiện các thủ tục để quyết toán dự án. “Theo quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong vòng 6 tháng, kể từ khi ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ thoả thuận với nhà đầu tư việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư xây dựng công trình dự án.

Liên quan đến câu hỏi vì sao dự án chưa quyết toán đã được thu giá, ông Hiếu cho biết theo quy định hiện hành, dự án chỉ cần hoàn thành bàn giao sử dụng là đã được thu phí, không cần chờ quyết toán xong.

Về lợi nhuận của dự án, theo thông tin của Báo Giao thông, lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên vốn chủ sở hữu bỏ ra và được khống chế ở mức 11,5%/năm trở xuống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.