Kỳ thi THPT Quốc gia xuất hiện “mưa” điểm 10 khiến nhiều người băn khoăn về điểm chuẩn vào đại học 2017 (Ảnh minh họa) |
Ngày hôm qua (6/7), Bộ GD&ĐT đã hoàn tất việc công bố điểm thi THPT Quốc gia 2017 trên cả nước. Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm nay xuất hiện “mưa” điểm 10. Điều này đã khiến nhiều người băn khoăn không biết điểm chuẩn vào đại học năm 2017 sẽ như thế nào?
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc có nhiều điểm 10 không phải là tín hiệu vui và điểm chuẩn vào đại học năm nay có thể tăng.
Trả lời báo Thanh tra, ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông chia sẻ: ““Mưa” điểm 10 tại kỳ thi THPT Quốc gia năm nay học sinh vui, nhưng tôi lại thấy… buồn. Đề thi không phân hóa được TS nên không chọn được học sinh giỏi. Anh nào cũng 10 thì đều vui vẻ cả, nhưng không chọn được người giỏi thực sự. Điểm thi cao, chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm cũng ảnh hưởng đến trượt - đỗ, như vậy kèm theo đó là câu chuyện may rủi”.
Đưa ra dự kiến về điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay, ông Lập cho rằng điểm chuẩn sẽ tăng từ 1 - 2 điểm. Phổ điểm năm nay tăng về phía từ 7 đến 10 điểm, ví dụ môn Toán năm 2016 là 5 - 6, năm nay là 7 - 8. Vì vậy, với các trường top trên, điểm chuẩn sẽ tăng lên một vài điểm, các trường top giữa tăng 1 - 2 điểm, nhưng các trường top dưới điểm chuẩn sẽ không tăng, và tuyển sinh tiếp tục khó khăn.
Chung nhận định, ông Lê Việt Anh - Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương Hà Nội nhận định: “Với mức độ đề thi và phương thức xét tuyển như năm nay, điểm trúng tuyển có thể cao hơn từ 0,5 - 1 điểm".
ĐH Kinh tế quốc dân - top trường có số nguyện vọng đăng ký nhiều và nguyện vọng 1 lên tới hơn 11.000 hồ sơ, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo dự tính, biến động về điểm chuẩn tại trường không nhiều. Những ngành năm ngoái nằm trong top đầu có điểm trúng tuyển cao như: Kinh tế quốc tế, Kế toán… thì năm nay vẫn như vậy.
Trong khi đó, trả lời báo VnExpress về điểm sàn và điểm chuẩn năm nay, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Theo kế hoạch ngày 12/7, hội đồng điểm sàn sẽ họp và đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học. Trong nhiều năm điểm sàn không dao động nhiều, luôn ở mức 14-15. Năm nay sẽ lấy bao nhiêu điểm thì phải chờ khi phân tích dữ liệu điểm thi cả nước, căn cứ vào kết quả của thí sinh và chỉ tiêu của các trường mới có thể quyết định. Tuy nhiên, điểm sàn năm nay không thể đột ngột thay đổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố phổ điểm môn thi và các tổ hợp xét tuyển đại học truyền thống trước khi ra điểm sàn. Điều này để thí sinh có thêm thời gian nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng phổ điểm, từ đó có quyết định chính xác nguyện vọng xét tuyển đại học".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đưa ra lời khuyên dành cho các thí sinh: "Trường hợp điểm thực tế không chênh lệnh nhiều so với điểm dự kiến đã đăng ký xét tuyển đại học trước đây, thí sinh không nên điều chỉnh nguyện vọng. Bởi nguyên tắc xét tuyển năm nay là theo điểm chứ không theo thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Tức là nếu thí sinh A đăng ký nguyện vọng thứ 10 vào trường B nhưng điểm thi cao hơn thí sinh C đăng ký nguyện vọng 1 vào trường này, thì A sẽ trúng tuyển.
Tuy nhiên, nếu phổ điểm của tổ hợp 3 môn dịch chuyển nhiều so với năm trước, có thể điểm chuẩn vào ngành/trường nào đó có xét tổ hợp này thay đổi chừng đó điểm. Thí sinh nên bình tĩnh phân tích để đạt được nguyện vọng mình mong muốn nhất".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận