Thiên đường thuế: Hàng tỷ USD vào túi các doanh nghiệp lớn mỗi năm |
Thiệt hại từ chạy đua giảm thuế
Tổ chức Oxfam vừa đưa ra báo cáo “Cuộc đua thuế”. Báo cáo cho biết cách thức các thiên đường thuế đang dẫn dắt cuộc đua xuống đáy toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp làm thất thoát của các quốc gia hàng tỷ USD cần cho công cuộc xóa nghèo đói và bất bình đẳng.
Các thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới gồm: Bermuda, Quần đảo Cayman, Hà Lan, Thụy Sỹ, Singapore, Ireland, Luxembourg, Curaçao, Hồng Kông, Cộng hòa Síp, Bahamas, Jersey, Barbados, Mauritius và quần đảo British Virgin. Vương quốc Anh không xuất hiện trong danh sách, nhưng bốn vùng lãnh thổ thuộc quốc gia này lại có tên trong danh sách: Quần đảo Cayman, Jersey, Bermuda và quần đảo British Virgin. |
Esme Berkhout, Cố vấn chính sách thuế của Oxfam nói: “Thiên đường thuế đang giúp các doanh nghiệp lớn chiếm đoạt từ các quốc gia hàng tỷ USD mỗi năm. Các doanh nghiệp đang tiếp tay cho một hệ thống kinh tế vô cùng bất công, khiến hàng triệu người mất đi hầu hết các cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn.”
Báo cáo của Oxfam cũng chỉ ra rằng, các quốc gia trên khắp thế giới đang cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút đầu tư. Ưu đãi thuế tốn kém và không hiệu quả đang được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Kenya tốn 1,1 tỷ USD một năm – gần gấp đôi toàn bộ ngân sách cho y tế của quốc gia này vì các ưu đãi thuế..
Khi đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia cân đối tài chính bằng cách giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế, như thuế giá trị gia tăng, mà phần lớn do người nghèo chi trả.
Việt Nam: FDI tăng nhưng lợi nhuận không được giữ lại
Ở mức độ toàn cầu, các chuyên gia ước tính thiệt hại từ những hoạt động lợi dụng các thiên đường thuế gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển hàng năm, trong đó có Việt Nam.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đến từ các thiên đường thuế càng ngày càng thường xuyên hơn, tăng 47% chỉ trong vòng một năm. Oxfam cho hay, một số thiên đường thuế nói trên đang tăng cường các hoạt động và ngày càng trở thành nguồn đầu tư thường xuyên tại Việt Nam như Singapore, BVI, Jersey, Luxembourg, Quần đảo Cayman hoặc Bermuda.
“Không có cơ chế quản lý phù hợp sẽ dẫn đến rủi ro là lợi nhuận của các khoản đầu tư này sẽ không được giữ tại Việt Nam”, báo cáo cho hay. Bên cạnh đó, dù ưu đãi thuế được sử dụng rộng rãi nhưng có ít bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế giúp tăng đầu tư hoặc tăng trưởng kinh tế.
Oxfam đã đưa ra 5 khuyến cáo dành cho Việt Nam để hành động tránh thiệt hại từ các thiên đường thuế gồm: Hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN, nhằm đặt một mức thuế thu nhập doanh nghiệp công bằng, lũy tiến và chấm dứt cuộc đua thuế; Rà soát các chính sách ưu đãi thuế và thực hiện phân tích chi phí-lợi ích một cách thận trọng và mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện chính sách ưu đãi thuế; Thiết lập cơ chế báo cáo để cơ quan thuế thu thập và công khai thông tin và dữ liệu liên quan đến chính sách ưu đãi thuế; Thực hiện thống kê chi tiêu thuế như nhiều quốc gia khác đã thực hiện gần đây như Thái Lan hay Malaysia.
Oxfam cho rằng chính phủ Việt Nam đang xây dựng Nghị định chống chuyển giá và Nghị định này cần bổ sung quy định yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia công bố báo cáo tài chính tại các quốc gia họ đang có hoạt động kinh doanh, từ đó làm rõ công ty đang nộp những loại thuế nào và tại đâu.
Xem thêm clip:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận