Sau 3 năm kêu gọi đã có hàng chục nhà hảo tâm quyên góp xây cầu cho đồng bào vùng khó nhưng cũng có những đơn vị hứa rồi "quên" - Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN về chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, hiện tại đã hoàn thành 44/44 cầu, tuy nhiên một số doanh nghiệp không tài trợ như đã đăng ký.
Theo đơn vị này, chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT tổ chức phát động, kêu gọi; tại thời điểm tháng 11/2015 đã nhận được đăng ký ủng hộ, tài trợ của nhiều đơn vị, cá nhân với tổng đăng ký tài trợ (bao gồm cả cầu và tiền) trên 380 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ VN, phần lớn các Nhà tài trợ đều thực hiện tốt những cam kết tài trợ cho Chương trình Nhịp cầu yêu thương. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa thực hiện cam kết như đã ký với Tổng cục Đường bộ VN.
Cụ thể: có 3 đơn vị không thực hiện tài trợ cầu là Tổng Công ty XDCTGT5 (CIENCO 5) không tài trợ 3 cầu như đã đăng ký (cầu Thái Bằng và Phố Sặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và 1 cầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái); Công ty cổ phần Tập Đoàn Đức Long Gia Lai không tài trợ 2 cầu như đã đăng ký (cầu Chơ Rơng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Thôn I trên địa bàn tỉnh Đăk Lắk); Liên danh nhà đầu tư dự án cầu Việt Trì mới không tài trợ 4 cầu trên địa bàn tỉnh Sơn La như đã đăng ký.
Một số đơn vị đã đăng ký tài trợ bằng tiền nhưng không tài trợ như: Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cam kết tài trợ 5 cầu tương đương 25 tỷ, tuy nhiên chỉ tài trợ 1 cầu tương ứng chuyển 5 tỷ về tài khoản Quỹ; Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) cam kết tài trợ 4 cầu tương ứng 20 tỷ, tuy nhiên chỉ tài trợ 3 cầu tương đương 7,3 tỷ đồng.
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cam kết tài trợ 2 cầu tương đương 10 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tài trợ 3 tỷ đồng và có văn bản số 181002.02/TCT-HCNS ngày 2/10/2018 về việc không tiếp tục tham gia tài trợ cho Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”.
Các đơn vị cam kết tài trợ bằng cầu (Tổng công ty 36, Công ty cổ phần TASCO, Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tập đoàn Trường Thịnh, Tổng công ty Thành An - Bộ Quốc phòng, Công ty BOT Đại Dương, Tổng công ty XDCTGT 1, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Tổng công ty XDCTGT 4), hiện tại không thanh toán các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và các chi phí khác.
Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT tổ chức tổng kết Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT và Chính phủ phát động từ tháng 11/2015 để tổng kết, đánh giá những mặt được, những tồn tại hạn chế và nhắc nhở các nhà tài trợ đã đăng ký mà không thực hiện. Đồng thời, định hướng các biện pháp xử lý, đóng chương trình này tại thời điểm tháng 12/2018.
Trước đó, vào tháng 1/2015, hơn 120 doanh nghiệp đã cam kết tài trợ 360 tỷ đồng trong Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” chung tay góp quỹ xây cầu cho bà con vùng sâu, vùng xa do Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia phát động. Chương trình phát động chính thức được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 17/1/2015 với sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ và nhiều bộ ngành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận