Cầu Đồng Niêng, xã Động Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên) trong quá trình hoàn thiện |
Bao đời nay, hàng vạn người dân ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa phải đánh cược mạng sống của mình trên những chiếc cầu tạm. Ước mơ lớn nhất của họ là có một chiếc cầu kiên cố để không phải liều mình vượt sông suối hiểm nguy rình rập.
Nối con chữ cho trẻ em vùng cao
Giữa năm 2017, người dân thôn Đồng Niêng, xã Động Đạt (Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) tạm gác công việc đồng áng để chứng kiến lễ khởi công xây dựng cầu dân sinh Đồng Niêng, “cây cầu mơ ước” của cả đời người, là một trong 35 cầu dân sinh vào các thôn, bản mà tỉnh Thái Nguyên được thụ hưởng từ dự án của Tổng cục Đường bộ VN.
Chị Nhâm Thị Tăng (người thôn Đồng Niêng) chia sẻ, thường phải gánh lúa đi qua suối vào những ngày nước lũ vì nếu đi đường vòng, sẽ xa hơn gần 10km. “Giờ sắp có cầu bê tông rồi. Vui lắm!”, chị Tăng phấn khởi.
"Đất nước đã đổi mới, nhiều lĩnh vực có sự phát triển vượt bậc trong thời đại công nghệ 4.0. Chỉ có điều những người dân vùng sâu, vùng xa, cả cuộc đời họ có khi không một lần được đặt chân, được thụ hưởng thành quả từ những công trình cầu, bến cảng, sân bay, đường cao tốc. Dự án cầu dân sinh đã mang lại lợi ích thực sự cho họ." Ông Nguyễn Văn Huyện |
Ông Cao Văn Khoa, Trưởng thôn Đồng Niêng cho hay, sau hơn nửa năm xây dựng, cuối năm 2017, cây cầu hoàn thành, có cầu bê tông kiên cố, đời sống của bà con sẽ đỡ vất vả hơn trước, nhất là vào mùa mưa lũ.
“Cả thôn 205 hộ thì có tới hơn 100 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Cũng muốn phát triển kinh tế lắm, nhưng chưa có đường, cầu gỗ thì yếu, cứ lũ về là bị cuốn trôi, người dân bị cô lập, làm ra cái gì đi bán cũng khó khăn. Ngày xưa sản phẩm làm ra chờ tư thương đến mua, bị ép giá. Có cầu, người dân mua được xe máy trực tiếp chở hàng ra trung tâm xã, huyện để buôn bán, có cầu thuận lợi, an toàn hơn cho con em trong bản đến trường”, ông Khoa nói.
Cùng chung niềm vui với người dân ở Đồng Niêng, bà con ở bản Tà Lọt, xã Tà Lại, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư xây dựng cầu thay thế chiếc cầu tre ọp ẹp trước đây. Đến nay, cây cầu đã hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ bà con. Anh Vàng A Dềnh người dân bản Tà Lọt hồ hởi: “Trước mình muốn sửa lại cái nhà, nhưng đường sá chưa thông, đi qua cầu lại yếu, nên vận chuyển nguyên vật liệu cũng khó. Mãi chưa sửa được. Giờ cầu vững chãi, mình có điều kiện thuận lợi để sửa nhà”.
Cô giáo Nguyễn Thu Huyền, giáo viên lớp 2, điểm trường Tiểu học và mầm non xã Tà Lại đã gắn bó với dân bản ở đây 7 năm. “Có những năm học, vào mùa mưa lũ, phụ huynh không dám cho con đi học, các em bỏ lớp 1 tháng vì cầu trôi, nước lớn. Nhiều hôm đi qua suối đến lớp quần áo ướt nhẹm, tím tái, trông thương lắm”, cô giáo cắm bản kể.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 chia sẻ, cầu Tà Lọt là một trong 8 cầu tỉnh Sơn La được thụ hưởng, cầu có tổng mức đầu tư xây dựng trên 1,3 tỷ đồng, kết cấu một nhịp dài 16m, tải trọng cho phép 8 tấn, rộng 4m bằng bê tông cốt thép, trên móng bêtông cốt thép kiên cố và tuổi thọ sử dụng 50 năm.
“Đây là công trình thiết thực không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế nên Ban chỉ đạo các đơn vị điều hành, đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình đúng chất lượng và đảm bảo tiến độ”, ông Trường nói.
Tết năm nay, hàng nghìn người dân vùng sâu,vùng xa, vùng khó được đi trên những nhịp cầu chắc chắn, không còn sợ mưa lũ. Hòa trong niềm vui ấy, nhiều bé trai, bé gái người Mông, Tày, Thái, Hà Nhì sẽ mặc bộ trang phục dành cho năm mới, đi trên những cây cầu mới. Những đồng xu nhỏ kêu leng keng theo mỗi nhịp chân bước. Có nhiều điều ở thế giới rộng mở đang chờ đợi các em, người dân vùng sâu, vùng xa hơn khi có những cây cầu mới.
2.300 cầu dân sinh nối nghìn niềm vui
Đồng Niêng, Tà Lọt chỉ là hai trong số hàng trăm cây cầu dân sinh đã và đang được xây dựng trong dự án quản lý tài sản đường bộ địa phương (LRAMP) do Bộ GTVT quản lý. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2016, đến nay đã triển khai xây dựng được khoảng 700/2.300 cầu trên 43 tỉnh, thành. Trong đó, có 200 cầu hoàn thành trước Tết Nguyên đán, đến hết quý I/2018 hoàn thành tiếp 500 cầu.
Theo ông Sỹ, dự án LRAMP sẽ xây dựng trên 2.300 cầu cứng trải dài trên 50 tỉnh, thành, nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). “Khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án là các cầu nằm rải rác ở phạm vi rộng, ở vùng sâu, vùng xa phức tạp về địa hình. Đúc rút kinh nghiệm giai đoạn 1 xây dựng 186 cầu treo dân sinh, giai đoạn đầu triển khai, Tổng cục Đường bộ VN tổ chức các đoàn khảo sát vị trí xây dựng cầu với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân bản địa để đưa ra giải pháp xây dựng phù hợp, tiết kiệm nhất”, ông Sỹ nói và chia sẻ, làm cầu dân sinh cũng như làm từ thiện. Mỗi cây cầu giá trị chỉ từ 500 – 700 triệu đồng cho đến vài tỷ đồng, cây cầu nào thật đặc biệt mới lên đến 10 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn xây dựng hợp phần cầu chỉ có khoảng trên 5.000 tỷ đồng, để làm trên 2.300 cầu nên phải rà soát, lựa chọn kỹ những vị trí tốt nhất, tiết kiệm nhất.
“Đề án tổng thể bước đầu rà soát lên đến 8.000 cầu, nhưng do nguồn vốn có hạn nên Chính phủ duyệt đề án được 4.000 cầu. Triển khai Dự án LRAMP bước đầu sẽ xây dựng trên 2.300 cầu. Dự án được thực hiện trong 5 năm nhưng Tổng cục Đường bộ VN quyết tâm hoàn thành trong 3 năm để phục vụ cấp bách, đảm bảo an toàn khi người dân đi lại. Tuy nhiên, để đạt được tiến độ này đòi hỏi nguồn vốn phải được bổ sung kịp thời”, ông Sỹ nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận