Ký ức bãi biển tan hoang
Giữa chiều hè nắng nóng, bãi biển Vạn Cả, thuộc thôn Vạn Cả, xã Cái Chiên vẫn mát rượi bởi những rặng phi lao xanh mướt bên bãi cát mịn. Xa xa thấp thoáng những căn homestay tiện nghi. Nhưng quan sát kỹ, cả một vùng bãi biển rộng lớn vẫn còn nham nhở những vết đào khoét, là dấu tích của nạn khai thác cát, sỏi trái phép một thời.
Tuyến đường bê tông xuyên qua khu vực từng bị uy hiếp do hoạt động khai thác sỏi cuội trái phép.
Cụ Hạ, nhà ở thôn Vạn Cả cho hay: "Vùng này vốn bãi biển hoang sơ, có rất nhiều sỏi cuội tròn lẳn, trắng phau, nhỏ bằng ngón chân cái. Cách đây chục năm, một số người lạ lên đảo, nhặt vài bao sỏi mang đi. Rồi chẳng lâu sau, nhiều hộ trong thôn, trong xã rầm rầm kéo ra bãi biển đào, hút lấy sỏi cuội. Cả bãi biển lúc nào cũng ồn ào hỗn loạn".
Người dân thôn Vạn Cả vẫn nhớ, thời điểm ấy, giá một m3 sỏi lên tới vài triệu đồng, bán ngay tại chỗ. Vậy nên dòng người đổ ra bãi biển ngày càng đông.
Bãi biển Vạn Cả bị đào, khoét nham nhở như những hố bom. Những cây phi lao chắn sóng thẳng tắp bị đốn hạ để dành chỗ hút sỏi.
Thậm chí, chiếc gò cao ven biển là nơi an nghỉ của người đã khuất cũng bị xới tung. Việc tranh giành, mâu thuẫn địa bàn khai thác diễn ra thường xuyên khiến cho vùng biển Vạn Cả vốn yên bình bị xáo trộn.
Trả lại bình yên cho xã đảo
Ông Trần Xuân Cương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hải Hà nhớ lại, do đảo xa đất liền nên các đối tượng ngang nhiên lộng hành trong thời gian dài trước sự bất lực của chính quyền cơ sở: "Do lợi nhuận cao, các đối tượng rất manh động, liều lĩnh. Có lần, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh ra kiểm tra thực địa đã bị họ huy động người chặn ngay ở cầu cảng, không cho lên bờ. Thời điểm đó, có sự tiếp tay của một số cán bộ xã".
Ghềnh đá ven biển Cái Chiên - một địa điểm đẹp được nhiều du khách chọn chụp ảnh kỷ niệm.
Theo ông Cương, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn lúc đó phức tạp, căng thẳng. Mọi việc chỉ chấm dứt khi chính quyền huyện huy động lượng lớn phương tiện, nhân lực và có sự bảo vệ chặt chẽ của công an, bộ đội biên phòng. Từ đó, tình trạng khai thác sỏi trái phép ở Cái Chiên mới dần chấm dứt.
Cùng PV ngồi trên chiếc xe điện bon bon trên tuyến đường bê tông xuyên đảo, qua những khu homestay nằm khép mình dưới những rặng phi lao xanh mướt, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Cái Chiên cho biết, đảo nằm ở phía Nam của huyện Hải Hà, cách đất liền hơn 8km. Đây là hòn đảo duy nhất của huyện có dân cư sinh sống.
"Mặc dù có nhiều bãi cát đẹp, rừng phi lao xanh ngút ngàn và làn nước biển trong xanh như ngọc, nhưng chỉ cách đây vài năm, hầu như đảo Cái Chiên chưa được nhiều người biết đến", ông Đông cho hay.
Theo ông Đông, nguyên nhân là do hạ tầng giao thông cách trở, nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương về phát triển du lịch còn mơ hồ. Đặc biệt, đảo chưa có điện, hệ thống phà từ đất liền ra đảo lúc chạy lúc không vì không có khách.
Làm giàu từ du lịch
Khoảng tháng 10/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đầu tư dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cái Chiên, tổng mức đầu tư gần 198 tỷ đồng. Cuối tháng 4/2016, điện về bừng sáng trên xã đảo.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Cái Chiên là điểm đến hấp dẫn của hàng vạn du khách.
Có điện lưới, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, người dân trên đảo đã hiến đất đai, công sức trị giá hàng tỷ đồng để hoàn thiện các công trình dân sinh thiết yếu. Đến nay, 100% các tuyến đường trên đảo đã được bê tông hóa đến từng điểm dân cư, từng cánh đồng.
Nhận thấy du lịch sinh thái là điểm tựa vững chắc để người dân làm giàu, chính quyền đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên xã đảo Cái Chiên. Các bãi tắm, những cánh rừng phi lao vốn bị tàn phá trước đây đã được phục hồi nhanh chóng, bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Lâm Tuấn Kiệt, Giám đốc Điều hành Công ty CP Tập đoàn Lâm Ngọc Dương cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát tiềm năng ở Cái Chiên, từ năm 2019, doanh nghiệp đã triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên diện tích hơn 23ha, với vốn đầu tư 718 tỷ đồng. Đến năm 2023, dự án bắt đầu đi vào hoạt động với hệ thống bugalow cùng hàng loạt căn phòng nghỉ dưỡng, ăn uống, khu vui chơi…
"Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, tỷ lệ đầy phòng dịp nghỉ lễ, cuối tuần của cơ sở đều kín. Tới đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng công trình khách sạn 5 sao", ông Kiệt thông tin.
Không chỉ thu hút những doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch, xã Cái Chiên còn tạo điều kiện cho người dân tận dụng lợi thế đất đai, xây dựng các homestay, nhà nghỉ để phục vụ du khách. Hiện toàn xã đã có 22 mô hình homestay, đảm bảo chỗ nghỉ dưỡng cho hàng nghìn lượt khách qua đêm.
Anh Lê Viết Ninh, chủ một homestay mới đưa vào hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua cho biết: "Gia đình tôi bao đời nay sống ở đảo dựa vào khai thác hải sản tự nhiên, làm nông nghiệp nên chỉ đủ ăn. Vừa qua, tôi đầu tư mô hình homestay với 8 phòng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Dịp nghỉ lễ vừa qua, homestay luôn kín khách".
Gặp PV trên đảo, anh Nguyễn Tuấn Thanh, du khách đến từ TP Hà Nội chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng khi đến đây nghỉ dưỡng. Ở đây biển trong xanh, người dân hiếu khách, ẩm thực phong phú, giá lại hợp lý. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại nhiều lần".
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Cái Chiên, hiện toàn xã có 215 hộ với 722 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc sinh sống ở 3 thôn. Đến nay, trên đảo có 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch.
Năm 2023, xã đón 6,5 vạn khách du lịch, tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua đón khoảng 2 vạn lượt khách. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75 triệu đồng/người, là mức cao nhất toàn huyện. Toàn xã không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận