Điểm sàn đưa ra cao nhất so với các năm trước (15,5 điểm), theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, điều này không ảnh hưởng nhiều đến KQ xét tuyển, thí sinh vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH năm 2017. |
Điểm sàn cao nhất 3 năm qua
Quyết định điểm sàn được Bộ GD&ĐT công bố cho tất cả khối thi năm 2017 là 15,5 điểm, cho tổng 3 môn, chưa tính điểm hệ số và điểm ưu tiên, tăng 0,5 điểm so với năm ngoái và là điểm sàn cao nhất trong 3 năm trở lại đây khi áp dụng phương thức kỳ thi THPT Quốc gia. Những thí sinh dưới mức điểm này sẽ không được tham gia xét tuyển.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, việc xây dựng mức điểm sàn này cũng được bộ cân nhắc trên nhiều yếu tố như: Đảm bảo chất lượng vùng tuyển cho các trường đại học và đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường; sự dịch chuyển các vùng miền vì thực tế nhiều trường không tuyển được thí sinh do nhiều thí sinh điểm cao về thành phố…
Theo ông Ga, để giảm thiểu thí sinh ảo, năm nay đã sử dụng phần mềm xét tuyển (lọc ảo) để đảm bảo con số tương đối sát thực tế về nguồn tuyển cho các trường.
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, dự báo tổng thể tình hình xét tuyển đợt 1, sẽ có 85 trường đạt chỉ tiêu 100%; 66 trường đạt chỉ tiêu từ 80 - 99%; 83 trường đạt chỉ tiêu từ 40 - 79%. Tất cả các trường trong cả nước tuyển được 83% tổng chỉ tiêu trong đợt 1. “Dự báo này phù hợp với những năm trước, kể cả những năm tuyển sinh theo phương thức “3 chung”, tỉ lệ tuyển sinh đợt 1 nằm trong khoảng 75-85%”, ông Ga cho biết. Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, các trường còn thiếu chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung theo đề án tuyển sinh đã công bố.
Đánh giá về điểm sàn năm nay, thày Vũ Văn Hóa, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ & Kinh doanh cho biết, mặc dù điểm sàn năm nay cao hơn mọi năm, nhưng nếu xét trên phổ điểm chung thì không có gì bất ngờ. Việc bộ quyết định mức điểm sàn cũng cho thấy sự phân loại đầu vào được chú trọng hơn. Có thể, với nhóm các trường ĐH thường lấy điểm đầu vào thấp thì điểm sàn sẽ gây khó dễ trong tuyển sinh, tuy nhiên, đây cũng là một động tác để phân tầng các trường ĐH. “Riêng với trường ĐH Công nghệ & Kinh doanh thì không có sự tác động nào bởi năm học trước điểm đầu vào của trường cũng đã lấy cao hơn điểm sàn và năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường giảm”, ông Hóa cho biết.
"Cơ hội vào ĐH của thí sinh rất dồi dào, nhất là khi năm nay số lượng nguyện vọng đăng kí xét tuyển là không giới hạn. Những trường ở top giữa cũng sẽ không thay đổi nhiều, điểm chuẩn dự kiến sẽ giữ ổn định. Do vậy, căn cứ điểm đạt được, thí sinh nên cân nhắc kỹ càng việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga |
Thí sinh vẫn nhiều cơ hội trúng tuyển
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn đầu vào ĐH, CĐ năm 2017, nhiều trường ĐH đã mạnh dạn công bố điểm đầu vào. Điển hình như trường ĐH Kỹ thuật Sư phạm TP HCM với điểm đầu vào thấp nhất là 18 và cao nhất là 22,5 điểm. ĐH Ngoại thương, điểm đầu vào cũng từ 18 - 22,5 tùy khối và cơ sở đào tạo. ĐH Bách khoa dự kiến lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 21 điểm… Tuy nhiên, cũng có trường rụt rè chờ đợi lượng thí sinh đăng ký ổn định mới công bố.
Với các thí sinh có điểm bằng hoặc vượt điểm sàn đủ điều kiện đăng ký xét tuyển ĐH, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh phải thận trọng bởi mỗi trường hợp chỉ được thực hiện điều chỉnh 1 lần duy nhất. Theo đó, thí sinh có 2 phương thức gồm điều chỉnh trực tuyến và dùng phiếu điều chỉnh, nhưng thí sinh chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức điều chỉnh trên. Về nguyên tắc xét tuyển, nếu có nhiều ngành thỏa mãn điểm chuẩn xét tuyển thì thí sinh chỉ được xét trúng tuyển 1 ngành duy nhất theo thứ tự nguyện vọng cao nhất khi điều chỉnh, do vậy thí sinh nên đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành, trường mà mình yêu thích”.
Đồng thời, thí sinh cũng lưu ý, khi các trường ĐH xét tuyển thì điểm chuẩn trúng tuyển được xác định theo ngành, không căn cứ theo thứ tự nguyện vọng.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận