Năm 2022, bức tranh kinh tế - xã hội thế giới nhuộm màu u ám. Giữa bức tranh đó, Việt Nam vẫn ghi những dấu ấn đậm nét, thể hiện qua những con số rất cụ thể và được các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn ghi nhận, đánh giá cao.
Nổi bật trên bức tranh thế giới ảm đạm
Ngày 14/12/2022, tại Brussels, Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)- Liên minh châu Âu (EU). (Trong ảnh: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ khai mạc Hội nghị)
Những ngày cuối năm 2022, một lô đặc sản bưởi Diễn Yên Thủy, Hòa Bình đầu tiên đạt tiêu chuẩn chất lượng lên đường xuất khẩu sang thị trường Anh.
Chuyến hàng gồm 9.600 quả, tổng khối lượng gần 11 tấn vận chuyển theo đường biển, dự kiến cập cảng nước Anh đúng dịp Tết Nguyên đán 2023.
Nhìn những quả bưởi vàng ruộm, căng tròn, đều tăm tắp và đạt tiêu chuẩn về chất lượng khắt khe nhất theo tàu biển sang Anh, người dân Hòa Bình mừng vui phấn khởi.
Chuyến đi này là sự khẳng định chất lượng, uy tín của bưởi Diễn Yên Thủy và mở cửa cơ hội để đặc sản Việt Nam tiếp cận đến nhiều thị trường khó tính hơn nữa.
Trước đó, trong tháng 11, Việt Nam - New Zealand cũng chính thức đặt bút ký kết xuất khẩu chanh, bưởi của Việt Nam. Lễ ký diễn ra ngay trong chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tới Việt Nam với những kỷ niệm đặc biệt mà bà đã dành từ “độc nhất vô nhị” để mô tả.
Khi đón tiếp bà Ardern, bên cạnh những nghi thức lễ tân trọng thị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mời bà Ardern tham quan di tích Nhà sàn và vườn quả Bác Hồ, trực tiếp hái tặng và mời bà Arden thưởng thức quả bưởi Diễn ngay trong vườn. Hình ảnh nữ Thủ tướng cùng đoàn New Zealand vui vẻ thưởng thức bưởi và trò chuyện về vấn đề xuất, nhập khẩu với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cùng các quan chức cấp cao khác trong vườn bưởi gây ấn tượng với báo giới quốc tế.
Đây là một trong những nét vẽ tươi sáng trong bức tranh xuất khẩu rực rỡ của Việt Nam năm 2022, bất chấp bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, nền kinh tế thế giới chật vật, đầy biến động.
Xuất khẩu năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2021. Đây là lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch ghi nhận cả năm là 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021. Nhờ đó, cán cân thương mại thặng dư năm thứ 7 liên tiếp, với giá trị gần 11 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối...
Theo TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đây là điều rất ấn tượng, là yếu tố quan trọng để ổn định thặng dư cán cân thanh toán, từ đó tăng thêm nguồn lực ngoại tệ, dự trữ ngoại hối của Việt Nam, tăng nguồn lực trong quản lý điều hành đất nước.
Lọt nhóm GDP tăng trưởng cao nhất
Nhìn lại tổng thể năm 2022, không chỉ xuất khẩu, Việt Nam còn đạt rất nhiều thành tựu ấn tượng, quan trọng khác, tạo nên dấu ấn giữa bức tranh kinh tế thế giới nhiều ảm đạm.
TS. Bùi Đức Thụ cho biết, năm 2022 bắt đầu với một loạt vấn đề từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu…
Giữa bối cảnh đó, tăng trưởng GDP của Viêt Nam trên 8%, cao nhất trong khu vực và trên thế giới. So với chính Việt Nam, đây cũng là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Lạm phát của Việt Nam cũng được kiềm chế ở mức thấp nhất. Trong 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,02% (trong khi ở Mỹ, EU lạm phát gần 10%, cá biệt như các nước Baltic lạm phát trong 10 - 11 tháng lên tới 20%).
“Như vậy, kiềm chế lạm phát, điều hành thị trường giá cả của Việt Nam tương đối ổn định. Đây chính là một trong những tiền đề, điều kiện để ổn định vĩ mô, thu hút đầu tư trong ngoài nước, tạo niềm tin cho giới đầu tư và người dân trong nước”, ông Thụ đánh giá.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, tàn phá nền kinh tế trong 2 năm vừa qua, các nước trong khu vực đều chứng kiến số lượng doanh nghiệp lâm vào phá sản rất lớn.
Nhưng ở Việt Nam, số doanh nghiệp phục hồi sản xuất lại tăng nhanh. Năm 2022, cả nước có hơn 200.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là dấu ấn rất quan trọng bởi sự phục hồi đó chính là phản ánh sức sống của nền kinh tế, đóng góp cho GDP, tạo công ăn việc làm, tăng xuất khẩu…
Thu hút đầu tư nước ngoài nhất là nguồn đầu tư trực tiếp (FDI) vẫn tăng mạnh và ấn tượng bất chấp tình hình kinh tế thế giới khó khăn, xu hướng đầu tư trên thế giới chậm lại. Số vốn FDI giải ngân đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Cùng với nguồn lực đầu tư trong nước, nguồn đầu tư nước ngoài sẽ đẩy mạnh tiềm lực tăng trưởng, từ đó chúng ta mới đạt được mức tăng trưởng lên hơn 8% trong năm 2022.
“Việt Nam đang khác xa phần còn lại của châu Á”
So với khu vực Đông Nam Á, trong báo cáo về triển vọng phát triển của châu Á năm 2022 và 2023 (ADO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam tiếp tục phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2022 nhờ các nền tảng kinh tế vững chắc, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng trong nước từ tháng 7 đến tháng 12. Trong cập nhật báo cáo, ADB dự báo tăng trưởng 6,7% cho năm 2023.
Bên cạnh đó, ngân hàng ADB còn chỉ ra, nhờ có chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục nên lạm phát được kiểm soát ở mức 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023, bằng với mức dự báo trước đó.
Theo ADB, việc Việt Nam tăng đầu tư, kiểm soát lạm phát và các điều kiện tài chính, tiền tệ phù hợp sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế đã và đang diễn ra trong năm 2022.
Nhìn bảng số liệu do ADB cung cấp có thể thấy, về tăng trưởng kinh tế, trong năm 2022, Việt Nam và Philippines dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và cao hơn chỉ số của toàn khu vực là 5,1%. Thậm chí, dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vượt Philippines lên mức 6,7%.
Về lạm phát 2022, ADB cho rằng, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có mức lạm phát thấp - 3,8%, thấp hơn so với chỉ số chung của khu vực là 5,2%. Trong năm 2023, ADB cho rằng lạm phát của Việt Nam có thể ở mức 4% - vẫn thấp hơn so với chỉ số chung của khu vực là 4,1%.
Trong một bài viết về Việt Nam trên Nhật báo phố Wall (WSJ), nhà báo Megha Mandavia từng đánh giá: “Việt Nam đang khác xa phần còn lại của châu Á. Đất nước hình chữ S có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm tới”.
Ổn định chính trị - sức hấp dẫn của Việt Nam
TS. Bùi Đức Thụ cho biết, sở dĩ Việt Nam thu hút được vốn đầu tư lớn như vậy chính là bởi nhờ có sự ổn định chính trị, các nhà đầu tư sẽ không phải lo rủi ro về các khoản đầu tư trong trung - dài hạn.
Nợ công của Việt Nam so với GDP trong năm 2022 đã giảm. Nếu như năm 2016 - 2017, nợ công tăng gần 64% GDP thì nay, dù 2 năm dịch bệnh, chúng ta phải tung ra các gói hỗ trợ, nới lỏng tài khóa nhưng nợ công chỉ chiếm 55% GDP, thể hiện chính sách quản lý, điều hành chính sách tài khóa đúng hướng, hiệu quả, hợp lý.
Cũng theo ông Thụ, thời gian qua, chúng ta cũng mở cửa, hội nhập sâu vào các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là ký các hiệp định thế hệ mới mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp nhìn thấy họ có thể tối đa hóa lợi nhuận ở lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác như tố chất, kỹ năng của người lao động, chi phí lao động được cải thiện ở mức hợp lý...
Tất cả các yếu tố trên không chỉ hỗ trợ nền kinh tế cho Việt Nam trước mắt mà còn trong trung hạn. Tất cả các biến động chính sách của Việt Nam đều được tiên lượng, dự đoán. Do vậy các nhà đầu tư trong, ngoài nước dễ điều chỉnh hơn. Đây là yếu tố chủ yếu thu hút nguồn lực vốn đầu tư vào nền kinh tế nói chung và FDI nói riêng.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Campuchia bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab đánh giá, các diễn biến của kinh tế toàn cầu hiện nay không phải các vấn đề ngắn hạn mà phản ánh những chuyển đổi dài hạn, sâu sắc và mang tính hệ thống.
Tuy bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng Chủ tịch WEF rất ấn tượng về kết quả phục hồi kinh tế - xã hội và duy trì ổn định vĩ mô của Việt Nam. Thậm chí, ông cho biết, rất mong được chào đón lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos năm 2023, cho rằng sự tham dự và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị sẽ mang đến câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức.
Dự báo năm 2023: Khó khăn nhưng vẫn khởi sắc
Nhìn về năm 2023, chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Đức Thụ cho rằng, để dự báo được tình hình, chúng ta phải dự báo được tình hình thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao đồng nghĩa việc chúng ta cũng phụ thuộc rất lớn vào tình hình thế giới.
“Muốn dự báo được, chúng ta phải xác định được những yếu tố tác động trên toàn cầu. Nhưng tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp, luôn biến động khó lường. Có những yếu tố xác định được, có những yếu tố thì không. Ngay cả tình hình Nga - Ukraine, chúng ta cũng không thể dự báo được khi nào chiến sự kết thúc. Do đó, các quan điểm chỉ đạo chung cần bám sát tình hình trong nước - trên thế giới để dự báo, đề xuất các chính sách trung - dài hạn”, ông Thụ nói.
Theo ông, trong bối cảnh sắp tới, khi các nước đang tập trung phục hồi sau đại dịch, gần như tất cả các nước sẽ đều phải nới lỏng chính sách tài khóa tiền tệ. Do đó, các nước đang gặp bài toán vô cùng khó: Nếu như siết chặt tài khóa, kinh tế khó khăn, tăng trưởng chậm lại; nếu nới lỏng tiền tệ lại gây áp lực với tái lạm phát, gây bất ổn, còn nới lỏng tài khóa thì có nguy cơ gia tăng nợ công.
“Nhưng với Việt Nam, tôi cho rằng, tình hình vẫn khởi sắc hơn so với sự ảm đạm của thế giới vì những yếu tố tạo thành điểm sáng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 vẫn tiếp tục được duy trì. Sau nhiều năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô của chúng ta đã tốt hơn, tiềm lực kinh tế đã khá lên nên có nguồn lực khá hơn trong việc chống đỡ trước những biến động kinh tế trong nước cũng như thế giới”, ông Thụ nhận định.
Còn theo bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ tươi sáng, nhưng song song với đó, rủi ro cũng gia tăng.
Theo bà Khalidi, những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng, đồng đô la mạnh lên và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
“Các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu”, bà Khalidi nói và cũng chỉ ra những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đè nặng lên sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và ổn định của những cộng đồng bị ảnh hưởng vì mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và bão lũ.
Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 4.000 tỷ USD
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, giảm mạnh 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.
Nếu như đầu năm, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng toàn cầu là 4,1% thì đến cuối năm mức dự báo giảm xuống 2,8%.
IMF và WB thậm chí còn cảnh báo khó khăn chồng chất khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ trải qua ít nhất 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau, gây thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026 - tương đương với quy mô GDP của Đức.
Về tăng trưởng của năm 2023, IMF cũng hạ dự báo GDP từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận