Điện ảnh

Điện ảnh Đông Nam Á khởi sắc, Việt Nam loay hoay

27/09/2017, 07:28

Điện ảnh Đông Nam Á - khu vực thuộc dạng vùng trũng của điện ảnh thế giới đang có những bước vươn mình.

26

Điện ảnh Thái Lan liên tục gặt hái thành công trên trường quốc tế, điển hình là bộ phim “Bad Genius”, ra mắt tháng 9/2017

Điểm nóng điện ảnh mới

Tờ The Hollywood Reporte vừa dẫn ra một thông số đáng chú ý: “So với Trung Quốc, Đông Nam Á sở hữu dân số 620 triệu người (gần gấp đôi Mỹ), tỷ lệ người trẻ cao và nền kinh tế tăng trưởng ổn định”. Tờ báo phát ngôn của kinh đô điện ảnh thế giới cũng dẫn lời chuyên gia Rance Pow, Chủ tịch Công ty tư vấn điện ảnh châu Á Artisan Gateway cho hay: “Đối với nhiều người, Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng nóng mới của ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu”.

Sự thực, từ một khu vực được coi là vùng trũng điện ảnh, Đông Nam Á đang ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ. Ngọn cờ đầu là Thái Lan, sau thời gian dài cầm trịch dòng phim kinh dị đã chuyển sang đầu tư sản xuất phim tâm lý xã hội, gặt hái hàng loạt thành công lớn. Năm 2013, cả châu Á “phát sốt” với cú hit phòng vé Tình người - Duyên ma, thu về 26,5 triệu USD kỷ lục. Từ đó, người Thái nối dài thành công với những: I Fine Thank you Love you (2015), One Day, Miss Granny (2016) và năm nay là siêu phẩm Bad Genius (Thiên tài bất hảo).

Ngoài ra, các quốc gia khác cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc. Nhờ chính sách phát triển sản phẩm nội địa, sản lượng phim “của nhà trồng được” ở Malaysia tăng mạnh từ 39 phim (2010) lên đến 71 phim (2013). Điện ảnh Malaysia cũng cho ra bom tấn phòng vé triệu đô như The Journey, Munafik. Singapore đi chuyên sâu vào dòng phim nghệ thuật, dần quật khởi ở các LHP cỡ lớn như Ilo Ilo đoạt Camera Vàng Cannes 2013, hay Apperentice đoạt Góc nhìn đặc biệt tại Cannes 2016. Điện ảnh Indonesia khai thác dòng phim võ thuật hành động, phát huy thế mạnh của môn võ Pencat Silas. Thành quả là loạt phim The Raid (2013) và The Raid 2 (2014) lọt top doanh thu tại thị trường Bắc Mỹ xa xôi. Xu thế chung của điện ảnh Đông Nam Á, theo đó là một sự phát triển có tính tích cực và đang dần được cộng đồng quốc tế đón nhận.

Thách thức cho Việt Nam

Sự phát triển như vũ bão của các quốc gia xung quanh về nội lực điện ảnh đang dần trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho điện ảnh Việt. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định một cách thẳng thắn rằng: “Có điều chắc chắn là so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, điện ảnh Việt Nam có vẻ tụt hậu. Những năm qua, điện ảnh Thái Lan tiến rất nhanh, còn bước đi của Việt Nam không có gì rõ rệt”.

Trong hội nghị “Dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh” hồi tháng 6/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, một mục tiêu được đặt ra là đưa điện ảnh Việt Nam tới tầm hàng đầu Đông Nam Á năm 2020, rồi thành cường quốc điện ảnh năm 2030. Song, rõ ràng với tình hình hiện tại, mục tiêu này cần được xem xét thận trọng.

Dòng phim nghệ thuật vẫn chưa có sự đột phá. Dấu ấn quốc tế đậm nét nhất của điện ảnh Việt Nam vẫn nằm trong tay các đạo diễn Việt kiều như: Mùa đu đủ xanh, Xích lô (Trần Anh Hùng), Mùa len trâu, Nước - 2030 (Nguyễn Võ Nghiêm Minh)… Việt Nam vẫn chỉ góp bối cảnh, còn nhân tài, vật lực, công nghệ, tư duy làm phim hoàn toàn là ngoại quốc. Dù có một số phim độc lập vươn ra LHP quốc tế như: Chơi vơi, Bi, đừng sợ… nhưng theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Chúng ta mới chỉ mon men ở những LHP hạng hai. Việc tham gia các LHP chỉ là đánh giá về khía cạnh hội nhập. Phim Ấn Độ không tham dự nhiều LHP hạng nhất nhưng về mặt quy mô và khán giả, điện ảnh Ấn Độ đứng hàng đầu thế giới”.

Còn nếu xét khía cạnh thương mại, phim Việt chỉ mới ăn nên làm ra trong nước, chứ chưa vươn ra nước ngoài như Thái Lan, Indonesia. Bộ phim với doanh thu kỉ lục mới nhất là Em chưa 18 với 6 triệu USD, nhưng vẫn chỉ giới hạn ở rạp chiếu quốc nội. Các bom tấn trước đó như: Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng, Lửa phật chỉ xuất ngoại ở dạng DVD hay kênh truyền hình quốc tế. Năm 2014, mới có Chung cư ma được công chiếu thương mại ngoài lãnh thổ Việt, nhưng dấu ấn hoàn toàn mờ nhạt. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.